Công viên khoai có thể xem như một phòng thí nghiệm sinh học khổng lồ toa lạc tại Cusco, một trảng đất rộng 90 km2 có cao độ dao động từ 3400 tới 4900 mét trên mực nước biển, trong thung lũng Inca. Đây là mái nhà của 1367 giống khoai tây, được canh tác ở những thửa ruộng bậc thang và những đồng bằng núi dẫu ít ỏi nhưng lại trù phú.
Những nhà nông học ở vùng núi cao Andes, Peru, đang học hỏi những tri thức của tiền nhân để từ đó xác định ra những đặc điểm sinh học cừ khôi nhất giúp cho khoai tây chống chọi những hạn hán, lũ lụt, và băng giá diễn ra ngày càng thường xuyên và nặng nề hơn khắp nơi trên thế giới.
7000 năm trước, tổ tiên của những nông dân Peru bên bờ hồ Titicaca, giáp biên giới Peru và Bolivia ngày nay, đã thuần dưỡng được khoai tây, mà ngày nay có mặt ở khắp mọi châu lục trên trái đất, chỉ trừ Nam Cực. Các nhà khoa học ở NASA và trung tâm Khoai tây thậm chí còn đang thử xem có thể trồng khoai tây trên sao Hỏa được hay không.
“Khi trồng khoai ở nhiều cao độ và nhiều kiểu phối giống khác nhau, chúng sẽ tạo ra những biểu hiện gen mới có thể đáp ứng được những thử thách của thay đổi khí hậu.” theo lời Alejandro Argumedo, người sáng lập tổ chức NGO Asociación Andes đang duy trì công viên khoai tây.
Thú vị hơn nữa là cách những hậu duệ người Inca nghĩ ra tên gọi cho những chủng khoai tây này, từ giống khoai tây nâu đặt theo mài mũi của lạc đà không bướu tới loại khoai xấu xí puma maqui, tức vuốt của báo puma, hay pusi qhachun wachachi, “làm cho nàng dâu khóc ròng”, vì thử thách lột vỏ khó nhằn các bà mẹ chồng “tặng” cho các nàng. Màu sắc của khoai tây ở đây cũng cực kỳ phong phú, từ đỏ, vàng, xanh, tím đến hồng, và thậm chí khi bổ đôi lại có màu trắng. Có giống khoai có vị tan như bột, có loại khác lại kẹo như vị sáp, số khác lại có vị quá đắng nếu không ngâm nước, sấy lạnh trên nóc nhà rồi dùng chân giẫm lên chỉ để… tước vỏ, khi đó có thể trữ hàng nhiều tháng trời và dùng trong các món súp ăn vào mùa đông.
Nhưng ngày nay, chúng cũng đang gặp phải tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các loài sâu hại di chuyển lên những vùng cao hơn để sinh tồn và buộc nông dân càng phải canh tác ở những vị trí cao hơn – tức lạnh hơn, nhưng nắng nóng cũng gay gắt hơn, có thêm “đặc sản” mọt ngũ cốc khoai Andes chuyên đục khoai từ dưới lòng đất.
“Chúng ta cần có sự đa dạng, vì sự đa dạng mới là thứ tạo ra những chủng cây trồng mới chống chọi được điều kiện thời tiết thay đổi ngày nay.” Marie Haga, giám đốc điều hành quỹ Crop Trust chia sẻ.
Giải pháp được cho là nằm ở loài khoai tây tự nhiên thường được gọi là “ông nội” của khoai nhà hiện nay, vốn vẫn mọc ở vùng cao và là món ăn của lạc đà không bướu và lừa. Dù kích thước nhỏ hơn khoai thông thường, hạt của giống khoai này được “gieo” bằng phân động vật, từ đây nông dân tiếp tục dùng giống khoai này để phối với những họ hàng khác.
Trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đang làm lại những gì mà hàng ngàn năm qua người nông dân vẫn luôn làm. Lúc này, những giống khoai phối đang được lưu trữ và mã hóa cẩn thận, gìn giữ không cho tiếp tục nhận hạt.
Hiện tại, Trung tâm Khoai tây thế giới đặt tại thủ đô Lima của Peru là nơi chứa 4600 giống, đang dùng khoai để chống lại nạn đói và gia tăng thu nhập cho nông dân ở Châu Phi và Châu Á, bằng chủng khoai có năng suất cực cao, chống chịu giỏi thời tiết.
Theo tính toán của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ, chúng ta đã đánh mất 75% đa dạng cây trồng trong thế kỷ 20, và 22% họ hàng tự nhiên của mùa vụ sẽ biến mất vào năm 2055, do thay đổi khí hậu gây ra.
Những vị “thần khoai” ở công viên nhỏ bé tận Peru, có lẽ, đang nắm giữ giải pháp quan trọng cho bài toán lương thực toàn thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận