Tài năng hội họa như có sẵn trong máu huyết của Giô Larabi. Lên 6 tuổi, Giô đã vẽ được cái máy bơm nước của thành phố với một công dân nổi tiếng đang vội vã đi qua. Năm 20 tuổi, Giô rời quê lên Niu Yoóc.
Còn Đêlya Carudơ cũng có khiếu âm nhạc từ bé. Việc sử dụng khá thạo 6 âm giai, khiến Đêlya cũng bỏ quê lên thành. Rồi cô gặp Giô tại một xưởng họa trong cuộc họp mặt của một số sinh viên mỹ thuật và âm nhạc để thảo luận đủ thứ từ phép phối màu, phối khí, đến bình luận về tranh và nhạc của những bậc thầy như Rambran,Vaccac, Sôpanh... Thế là họ mê nhau và ít lâu sau thì cưới nhau, vì với họ, khi người ta yêu nhau và cùng yêu nghệ thuật thì không có việc gì khó cả.
Ông bà Larabi xây dựng hạnh phúc trong một căn buồng nhỏ, rất nhỏ và trơ trọi như một nốt la thăng ở mãi tít phía cuối phím đàn. Và dù ở chật chội nhưng họ sống hạnh phúc, vì họ có nghệ thuật của họ và họ lại có nhau.
Giô tiếp tục theo học lớp học của ông thầy vĩ đại mà ai cũng biết học phí thì nặng mà bài giảng thì nhẹ. Đêlya tiếp tục múa trên phím dương cầm với một bậc thầy cũng dạy thì ít mà tiền dạy lại nhiều.
Mục đích họ ngày càng rõ ràng, dứt khoát: Trong một thời gian ngắn, Giô sẽ vẽ những bức tranh mà những nhà quý tộc sẽ phải xếp hàng rồng rắn để được sở hữu tranh anh. Đêlya sẽ biểu diễn dương cầm ở nhà hát lớn, và khán giả sẽ phải gào lên tán thưởng tài năng của cô.
Nhưng vì chỉ có chi mà chưa có thu, nên nghệ thuật cũng rũ xuống. Giô và Đêlya cạn tiền trả cho hai bậc thầy dạy họa và nhạc. Tuy nhiên, khi người ta yêu nhau và yêu nghệ thuật thì không có việc gì là khó cả.
Đêlya tự nguyện đi tìm học trò để dạy nhạc, hòng giữ cho tình yêu và cho chiếc lò hâm ở bàn ăn vẫn sôi sùng sục.
Sau mấy ngày đi chào mời học trò, một chiều trở về nhà, Đêlya hớn hở nói với chồng: “Em đã có cô học trò rồi! Đó là cô con gái của một vị tướng. Cô bé thật đáng mến, cả vị tướng nữa. Em phải dạy tuần 3 buổi, mỗi buổi được 5 đôla. Khi nào em kiếm thêm được vài ba học trò, em sẽ tiếp tục học nhạc”. Giô trầm ngâm rồi nói: “Anh nghĩ anh cũng có thể đi bán báo, hoặc trải đá lát đường để có thêm một vài đồng”. Đêlya ôm cổ chồng: “Anh không được ngốc như vậy! Anh phải tiếp tục học chớ! Em cũng đâu bỏ âm nhạc. Trong khi dạy em cũng học rồi. Với lại chúng ta có thể sống sung sướng như những nhà triệu phú với 15 đôla mà anh!”. Cô ôm chồng chặt hơn: “Khi thật sự yêu nghệ thuật và yêu nhau thì không có việc gì khó cả, anh à!”.
Suốt một tuần sau đó, vợ chồng Larabi dậy rất sớm. Bên bàn ăn, Giô hào hứng nói cho vợ nghe về những bức tranh mới vẽ của anh. Họ bịn rịn chia tay sau khi đã ăn lót dạ, vuốt ve, khen ngợi, động viên và hôn hít nhau.
Đến cuối tuần, Đêlya hơi mệt mỏi nhưng hoan hỉ tung ra ba tờ 5 đôla xuống bàn, đồng thời không ngớt miệng nói về cô học trò đáng yêu và ông tướng nọ. Còn Giô, với điệu bộ của bá tước Môngtơ Crixtô, rút ra tờ 10 đôla, tờ 5 đôla..., vuốt những tờ bạc mềm mại đặt cạnh những đồng tiền của vợ: “Anh bán được bức thuốc nước vẽ cái tháp cho một người ở Pêorya!”, rồi Giô nói luôn miệng về người mua tranh xa lạ đó.
Tối thứ bảy sau, Giô về nhà trước. Anh bày 18 đôla trên bàn tiếp khách và đi rửa vệt đen đen bám đầy tay anh. Nửa giờ sau, Đêlya về đến nhà, bàn tay phải bọc trong mớ giẻ. Giô gặng hỏi, Đêlya giải thích dông dài về việc mình bị phỏng. Giô nghe vợ nói rồi kéo nàng ngồi bên cạnh, âu yếm hỏi: “Nói thật với anh đi, hai tuần qua em làm gì?”. Đêlya òa khóc: “Em chẳng tìm được một học trò nào cả. Nhưng em không thể chịu để anh bỏ học, và em xin được một chân ủi sơmi ở một xưởng giặt. Em đã dựng lên mọi chuyện, anh không giận em chớ? Với lại, nếu em không kiếm được việc làm thì anh đã không bán được mấy bức tranh cho cái lão ở Pêorya”. Giô lên tiếng: “Hắn không phải người Pêorya đâu!”. Đêlya chen vào: “Hắn ở đâu cũng được, miễn là hắn mua tranh anh, anh tài thật Giô ạ, ngay cả việc em không đi dạy nhạc anh cũng biết!”. Giô nhìn vợ: “Có lẽ anh đã không nghi ngờ nếu chiều nay không phải chính anh đã gởi chỗ bông vụn và dầu từ buồng máy lên cho cô gái ở tầng trên bị phỏng tay bởi bàn ủi. Hai tuần nay anh làm công việc đốt lò cho xưởng giặt ấy!”. Đêlya sững sờ: “Thế người mua tranh của anh...?”. Giô chậm rãi: “Người mua tranh của anh và cô học trò cùng vị đại tướng của em là hai sáng tác của cùng một nghệ thuật, dù người ta sẽ không gọi đó là hội họa hay âm nhạc”.
Ôi, khi người ta yêu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận