Virus đặc hữu là gì? Vì sao người ta có vẻ mong mỏi, nếu không nói là... nài nỉ SARS-CoV-2 trở thành loài đặc hữu?
Dịch đến rồi dịch sẽ đi
Bất kể kiết hung, dịch bệnh nào cũng sẽ đến hồi cáo chung; chỉ là chấm dứt kiểu gì hoặc bị xóa sổ, hay trở thành bệnh lưu hành.
Cũng có riêng 2 kiểu xóa sổ, một là tự biến mất hoặc bị tiêu diệt. Virus bị diệt qua miễn dịch bầy đàn, dễ đoán, trong khi việc một đám nách thước tay đao tự dưng cuốn gói có phần khó hiểu hơn. Một trong số đó do lỗi virus... hăng tiết giết vật chủ quá nhanh. Đậu mùa và SARS 2002 là minh họa kinh điển 2 kiểu dứt dạt đại dịch vừa nêu.
Covid-19 bị xóa sổ, đừng có mơ!
Trở lại với 2021, tình hình chắc mẻm là “đừng có mơ nghĩ tới việc đại dịch tự biến”, mà chắc cú là nhân loại sẽ phải sống tiếp phần đời còn lại với SARS-CoV-2!
“Ốc bươu vàng” đặc hữu
Có cái nhìn trực quan về loài đặc hữu, nôm na trông cái gương ốc bươu vàng tất rõ. Ban đầu là đám cha căng chú kiết phương nào du nhập vào, sau nhiều gắng gỏi tìm diệt bất thành, giờ thì ốc bươu vàng trở thành loài đặc hữu Việt Nam.
Theo sách vở thì virus đặc hữu được tóm lược như sau: Sau trận dịch, virus không biến mất hoàn toàn mà ở lại với hành tinh xanh, có điều với bụng dạ khác, không còn sát máu như xưa, mà chuyển sang dạng hiện diện phải chăng hơn tính về lượng ca mắc, ca bệnh nặng và tử vong.
Virus đặc hữu có thể thi thoảng làm trận làm thượng, nhưng nhỏ lẻ theo mùa, ít thành đại dịch. Phía ta, nhờ miễn dịch tự nhiên và vaccine tuy không đủ mạnh đá văng virus, nhưng đủ cơ buộc chúng biết điều hơn. Cúm mùa là hình mẫu được nhắc tới nhiều, giúp chúng ta mường tượng về virus đặc hữu.
Chuyện gì đến sẽ đến?
Cam chịu, nhưng dẫu sao đặc hữu vẫn là cái kết đẹp cho trận dịch. Vậy thì việc của chúng ta là chờ ngày đó ắt đến? Thật ra không chắc, ta muốn là một chuyện, còn COVID chịu nhún nhường hay không là chuyện khác. Nhỡ đám SARS-CoV-2 dây cà dây muống chơi bài đại dịch quanh năm thì làm thế nào?
Đến đây phải bàn thêm ý “điều kiện gì để virus trở thành đặc hữu”?
Tùy địch tùy ta
Việc này tùy anh lẫn ả. Phía virus tùy mức lây nhiễm + khả năng bệnh nặng + tử vong, phía ta là sở hụi 5 K + vaccine + thuốc kháng + sức chịu của ngành y tế. Có phải tính cả “ý Trời”, mùa đông sắp tới được xem là phép thử cho cái kết đại dịch.
Theo đó, không khó nhận ra con đường đặc hữu hóa COVID vẫn lắm chông gai. Delta và đồng bọn đang chứng tỏ không dễ dắt mũi, còn mũi đấm thép vaccine thì lại đang rơi vào cảnh dở dở ương ương.
Không có nốc ao?
Nhân tiện lý giải vì sao giàn hảo thủ vaccine lại không dứt điểm được COVID như từng nốc ao đậu mùa? Đủ thứ, nhưng cơ bản ở chỗ hàng họ nhà Pfizer, Moderna, AstraZeneca... đều không tạo được miễn dịch suốt đời, đã vậy tốc độ bay màu còn phi mã. Hai mũi chưa ra hồn, phải dợm cả mũi 3, mũi 4. Chính vì vậy, vaccine ban đầu là niềm hi vọng zero COVID, sau lại trở thành lực lượng chính cho cái kết COVID đặc hữu.
Lúc nào ngày ấy đến?
Không ai trả lời được, khi nào và bằng cách nào COVID-19 sẽ thành đặc hữu. Có ý cho rằng thật ra dịch bệnh đang trên đường trở thành bệnh lưu hành, chỉ là chưa rõ hình tỏ dáng. Vừa rồi, hai ông bự Pfizer và Moderna đồng thanh cho rằng đại dịch sẽ được kiểm soát vào năm sau, chúng ta có cả năm 2022 sống thử với loài đặc hữu mới nhất của hành tinh.
Pandemic - Endemic, vấn đề thời gian
Tóm lại, việc nhân loại chuyển từ pandemic (đại dịch toàn cầu) sang endemic (bệnh lưu hành/đặc hữu) gần như chắc chắn, sớm hay muộn mà thôi. Chỉ là không phải tất cả, Trái đất có thể phải chịu cảnh lỗ chỗ, nơi thì epidemic (dịch bệnh), chỗ thì outbreak (dịch bùng phát), nơi thì túc tắc với endemic COVID...
Thế nào thì đừng quên endemic không phải muốn là được. COVID đang nắm đằng chuôi chứ không phải chúng ta. Và để giành lợi thế, việc cũng như cũ - phủ nhanh và phủ rộng mũi tiêm, đồng thời xây chắc 4 chân giường bệnh để chịu tổn thất chắc chắn không nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận