"Tuyên ngôn" chất như nước cất ở trên là của cô Ashley Armitage, một nhà nhiếp ảnh tham gia các chiến dịch quảng cáo cho công ty dao cạo Billie dành cho phụ nữ, viết.
Một bài tập kéo dài cho nhiều lứa sinh viên
Năm 2008, cô Breanne Fahs, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và giới tính tại Đại học bang Arizona, đã giao một nhiệm vụ sau cho các sinh viên nữ của mình: hãy… nuôi lông trên cơ thể, rồi viết bài về trải nghiệm này. Sau đó, giáo sư Fahs đã mở rộng nhiệm vụ cho cả các sinh viên nam của mình, với yêu cầu họ hãy… cạo lông chân của họ. Dự án ấy vẫn được giáo sư Fahs duy trì tới tận hôm nay.
“Nhiệm vụ đã nêu bật tính tất yếu trong văn hóa của việc tẩy lông ở phụ nữ. Trong những năm qua, những người tham gia dự án đã chia sẻ những vấn đề khá nhất quán: cảm giác xấu hổ sâu sắc, cuộc đấu tranh với sự tự tin, thậm chí là sự tẩy chay của xã hội” - giáo sư Fahs cho biết. “Cũng có những trường hợp kỳ thị người đồng tính, thí dụ với ý kiến cho rằng việc bạn để lông chân mọc… tự động có nghĩa là bạn kỳ quặc, hoặc việc cạo râu cho thấy bạn là một người… đồng tính nam” - giáo sư Fahs nói - “Phụ nữ thường không nhận ra xã hội, gia đình và bạn bè có ảnh hưởng nặng nề tới những gì chúng ta làm với cơ thể mình. Và bao nhiêu trong số những gì chúng ta nghĩ là một lựa chọn - cái thứ ‘Tôi chọn cạo lông' - đã thật sự được truyền đạt và thực thi với chúng ta qua nhiều thế hệ”.
Theo tác giả Marianna Cerini, thuộc CNN Style, nếu bạn thử gõ một tìm kiếm trên Google với câu sau: “Khi nào phụ nữ bắt đầu...”, thì ngay tức thì, Google sẽ đưa ra một trong những đề xuất tự động điền hàng đầu là “Khi nào phụ nữ bắt đầu cạo lông?”.
Câu trả lời: Thói quen ấy đã có từ nhiều thế kỷ trước. Cạo lông, hay tẩy lông, từ lâu đã định hình nên… động lực giới tính, được dùng như một dấu hiệu của… đẳng cấp và các khái niệm xác định về nữ tính và “thân hình lý tưởng”.
“Ngày nay, hầu hết phụ nữ cảm thấy họ phải cạo lông, làm như họ không có lựa chọn nào khác. Loại bỏ lông là một trong số ít truyền thống thẩm mỹ đã chuyển từ thói quen làm đẹp thành thói quen vệ sinh” - Heather Widdows, giáo sư về đạo đức toàn cầu tại Đại học Birmingham của Vương quốc Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại của Hãng tin CNN.
Trước đây, việc loại bỏ lông trên cơ thể là điều mà cả đàn ông và đàn bà đều làm, mút từ thời kỳ đồ đá, sau đó tới Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và đế chế La Mã, bằng cách sử dụng vỏ sò, sáp ong và nhiều chất tẩy lông khác.
Trong những thời đại trước, việc tẩy lông chủ yếu chỉ là một cách để giữ cho cơ thể sạch sẽ. Người La Mã cổ đại cũng gắn nó với đẳng cấp, với quan niệm da của bạn càng mịn thì bạn càng thuần khiết và cao cấp hơn.
Càng ám ảnh vì… thuyết tiến hóa của Darwin
Cho đến cuối những năm 1800, phụ nữ ở cả hai bờ Đại Tây Dương bắt đầu coi việc tẩy lông trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen làm đẹp của họ.
Vào đầu những năm 1900, người da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu ngày càng coi làn da mịn màng là dấu hiệu của nữ tính, và lông trên cơ thể phụ nữ là một thứ ghê tởm, và việc loại bỏ nó sẽ cung cấp “một cách để tách mình khỏi những người thô lỗ, tầng lớp thấp hơn và người nhập cư” - cô Rebecca Herzig, giáo sư nghiên cứu về giới tính và tình dục tại Đại học Bates ở Maine, viết.
Vào cuối thế kỷ 18, việc tẩy lông vẫn không được phụ nữ Âu Mỹ coi là thiết yếu, mặc dù một số phụ nữ cũng đã sử dụng chiếc dao cạo an toàn đầu tiên dành cho đàn ông - do thợ cắt tóc người Pháp Jacques Perret phát minh vào năm 1760.
Tuy vậy, quan niệm ngày nay về việc lông trên cơ thể là “không hợp phong thủy” có thể đã bắt nguồn từ cuốn sách Hậu duệ của một người đàn ông (Descent of a Man, năm 1871) của nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa.
Theo giáo sư Rebecca Herzig, lý thuyết của Darwin về chọn lọc tự nhiên đã nêu ra mối liên hệ giữa lông cơ thể với “tổ tiên nguyên thủy và sự trở lại nghiêm trọng của các dạng kém phát triển hơn”. Ngược lại, theo gợi ý của Darwin, có ít lông trên cơ thể là “một dấu hiệu của sự tiến hóa và hấp dẫn về giới tính hơn”.
Khi những ý tưởng của Darwin được phổ biến rộng rãi, các chuyên gia y tế và khoa học hồi thế kỷ 19 khác đã bắt đầu liên kết tình trạng rậm lông với… chứng cuồng dâm, bệnh lý, và bạo lực tội phạm. Điều thú vị là những ý nghĩa đó chủ yếu được áp dụng cho lông trên cơ thể đàn bà chứ không phải của đàn ông, không chỉ vì các lập luận tiến hóa mà còn do việc thực thi “kiểm soát xã hội theo giới tính” đối với vai trò ngày càng tăng của phụ nữ trong xã hội. Làm cho phụ nữ nghĩ rằng họ phải tẩy lông để được coi là đáng được chú ý, là một cách khác thường để kiểm soát cơ thể và bản thân của họ, thông qua sự xấu hổ.
Năm 1915, Harper's Bazaar là tạp chí đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho phụ nữ đã thực hiện một chiến dịch dành riêng cho việc loại bỏ “lông dưới cánh tay” (tức lông nách) như “một điều cần thiết”. Cùng năm đó, công ty dao cạo râu cho nam giới Gillette đã tung ra thị trường sản phẩm Milady Décolletée - mẫu dao cạo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ, như “Một sự bổ sung tuyệt đẹp cho bàn vệ sinh của Milady, và một thứ giải quyết một vấn đề cá nhân gây lúng túng”.
Khi các gấu váy trở nên ngắn hơn vào những năm 1930 - 1940, sự thiếu hụt vớ nilông trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và cả sự ra đời của loại áo tắm hai mảnh bikini ở Mỹ vào năm 1946 cũng ngày càng khiến nhiều phụ nữ Mỹ bắt đầu cạo lông chân, thu hút các công ty dao cạo và người tiêu dùng nữ tập trung vào việc cắt tỉa và tạo dáng cho cả “các vùng lân cận” của họ.
Vào những năm 1950, khi tạp chí Playboy xuất hiện trên các sạp báo (số Playboy đầu tiên ra mắt vào năm 1953), những người phụ nữ cạo lông sạch sẽ, mặc đồ lót khoe thân trên trang bìa và các trang báo in màu lộng lẫy đã đặt ra một “tiêu chuẩn mới về sự gợi cảm”. Tới năm 1964, 98% phụ nữ Mỹ từ 15 đến 44 tuổi thường xuyên cạo lông chân. Các dải sáp và phương pháp tẩy lông bằng laser đầu tiên cũng ra mắt vào khoảng thời gian đó, dù sau đó đã nhanh chóng bị loại bỏ vì tác động gây hại cho da, trước khi được… giới thiệu trở lại nhiều thập niên sau đó.
Một hiện tượng toàn cầu
Trong những thập niên tiếp theo, hoạt động tẩy lông ngày càng tăng với sự phổ biến của sách báo và phim ảnh khiêu dâm, cùng nền văn hóa đại chúng. Việc quảng cáo và truyền thông ngày càng thúc đẩy lý tưởng về cơ thể không có lông cũng đã thúc đẩy sự ra đời của các phương pháp tẩy lông đạt hiệu quả chính xác hơn trong 40 năm qua, từ kỹ thuật điện phân, ánh sáng xung, cho tới công nghệ laser tiên tiến hơn.
Năm 1987, bảy chị em đến từ Brazil (được gọi là J Sisters) đã mở một thẩm mỹ viện ở thành phố New York, Hoa Kỳ, để cung cấp cái gọi là “Kiểu Brazil” - một phương pháp tẩy lông hoàn toàn bằng sáp ở vùng kín của các cô các bà. Những người nổi tiếng như diễn viên Gwyneth Paltrow, siêu mẫu Naomi Campbell… bắt đầu hưởng ứng theo, khiến quần chúng cũng đổ xô làm theo.
Điều này cũng xảy ra với một số nước ở châu Á. Trong khi việc tẩy lông đã trở thành thói quen của nhiều phụ nữ trẻ ở châu Á, thì việc tẩy lông hoặc cắt tỉa lông mu không phổ biến như ở phương Tây. Tuy vậy, ở Hàn Quốc, lông mu từ lâu đã được coi là một dấu hiệu của khả năng sinh sản và sức khỏe tình dục, tới nỗi vào giữa những năm 2010, có báo cáo rằng một số phụ nữ Hàn Quốc đã rất chuộng dịch vụ cấy thêm lông mu cho họ, theo CNN Style.
Ở Ba Tư, tẩy lông và tạo hình chân mày là dấu hiệu của tuổi trưởng thành và chủ yếu được dành cho dịp hôn nhân của phụ nữ. Trong khi đó, ở Trung Quốc, lông trên cơ thể từ lâu vẫn được coi là bình thường, và thậm chí ngày nay phụ nữ ít phải đối mặt với áp lực xã hội hơn trong việc cần cạo lông hay không.
Những cô gái hiện đại có thuộc về… Làn sóng nói “Không”?
Vào cuối những năm 1960 - 1970, việc xuất hiện làn sóng nữ quyền thứ hai, cùng sự lan rộng của văn hóa hippie, đã cùng góp lời phản đối với sức ép “cơ thể không có lông”. Với nhiều phụ nữ trong làn sóng mới ấy, lông trên cơ thể là biểu tượng của cuộc chiến giành quyền bình đẳng của họ.
Gần đây nhất, lông trên cơ thể đang được ngày càng nhiều phụ nữ trẻ chấp nhận. Họ là những người đang biến nguồn gốc của sự xấu hổ xã hội thành một dấu hiệu của sức mạnh cá nhân.
Sự gia tăng của tính lỏng lẻo về giới tính, phong trào thân thiện với cơ thể và tính toàn diện ngày càng tăng trong lĩnh vực làm đẹp đã góp phần tạo nên làn sóng “Rậm lông” mới.
“Đặc biệt trong hai năm qua, sau cuộc bầu cử và phong trào #MeToo, người ta nhận thức sâu sắc hơn về những hạn chế xung quanh cơ thể phụ nữ, về nữ quyền, giới tính và tình dục, và sẵn sàng đẩy lùi tất cả, hoặc ít nhất là thoát ra khỏi vùng an toàn” - giáo sư Breanne Fahs nói về cảm giác được trao quyền, cùng sự nổi loạn và sự tức giận bị khuấy động từ dự án do cô trao cho các sinh viên.
Một nhóm mới, gồm những phụ nữ trẻ, đang theo đuổi cuộc vận động giữ nguyên lông trên cơ thể, đặc biệt là trên mạng xã hội Instagram. Hiện tượng này cũng đã được đưa vô ngay cả trên tạp chí… Harper's Bazaar trong số tháng 9 năm nay, với cô nàng diễn viên Emily Ratajkowski tạo dáng với bộ lông nách không cạo. Đây là một sự trở ngược tới… 360 độ, so với ấn phẩm với thông điệp “chống lông nách” của chính Harper's Bazaar, hồi năm 1915.
Các thương hiệu dao cạo dành cho phụ nữ mới ra mắt cũng đang khuyến khích các cuộc trò chuyện tích cực xung quanh chủ đề này. Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp về dao cạo râu Billie, được thành lập vào năm 2017, đang tiếp thị… ý tưởng lựa chọn. Thay vì hiển thị những người mẫu hoàn hảo mịn màng điển hình trong quảng cáo cạo lông dành cho phụ nữ, các chiến dịch của Billie lại mô tả các nhóm phụ nữ đa dạng đang cạo lông, hay chải những mớ lông nách dưới cánh tay của họ, hoặc nằm trên bãi biển trong những bộ bikini với nhiều mức độ rậm lông khác nhau.
“Từ lâu rồi, quảng cáo chỉ củng cố điều cấm kỵ xung quanh chủ đề này. Chúng tôi thực sự muốn thừa nhận rằng phụ nữ có lông trên cơ thể, khoe nó và nói rằng cạo lông là một lựa chọn. Nếu bạn muốn giữ lông trên cơ thể, chúng tôi tán dương điều đó. Và nếu bạn muốn loại bỏ nó, điều đó cũng tốt” - cô Georgina Gooley, người đồng sáng lập Công ty Billie, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Nhà nhiếp ảnh Ashley Armitage, người đã thực hiện các chiến dịch quảng cáo của Công ty Billie và mô tả lông trên cơ thể một cách nghệ thuật trên tài khoản Instagram của cô, cũng đồng ý như vậy. “Lông trên cơ thể là một lựa chọn cá nhân” - cô Ashley Armitage viết trong một email - “Cạo lông, tẩy lông, hay để nguyên nó đều là những lựa chọn hợp lệ và tùy thuộc vào từng cá nhân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận