Tình hình biến thể COVID-19 hiện nay có vẻ nguy cơ này thật sự phà hơi nóng vào gáy chúng ta chẳng chơi.
Lẫn tránh vắc xin
Dù chỉ là một nhúm nucleotide, virus vẫn tìm mọi cách sinh tồn, trong đó có sống sót dưới tay vắc xin. Dịp tốt để biết qua làm thế nào mà một “kháng nguyên xấu”, virus đại diện, thoát được lưỡi hái miễn dịch, cả với miễn dịch chủ động từ vắc xin.
Virus có trăm phương nghìn kế, chủ yếu dựa vào 3 chiêu:
- Biến đổi kháng nguyên, “Kim thiền thoát xác” (đột biến, tái tổ hợp, lai tạo...) nhằm che mắt hệ miễn dịch, luôn là chiêu tìm đường sống đầu tay và hiệu quả của virus.
- Đánh lừa/đánh lạc hướng miễn dịch. Virus thạo chước này không kém (tung hỏa mù, nấp sau/bắt chước/giả nai như tế bào lành...).
- Vô hiệu hóa tấn công miễn dịch. Với đám “thành tinh” thì không ngần ngại mặt đối mặt với các mũi đấm thép Immune System, bao gồm miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào. Gặp đứa ranh còn tương kế tựu kế lợi dụng tế bào miễn dịch để vô hiệu miễn dịch...
Non tơ không dễ giỡn mặt!
Tinh tướng kiểu gì, nhưng kháng vắc xin là thân thủ mà đám non tơ không dễ nắm. Trong đám xô bồ, hiện 2 cái tên được nhắc nhiều nhất là biến thể Beta (B.1.351/Nam Phi) và Lambda (C37/Peru). Idol Delta cũng bị réo tên, nhưng chỉ được xem kháng vắc xin một phần.
Để uy hiếp vắc xin, các biến thể đều dựa vào các đột biến protein gai. Cụ thể với Beta (K417N, E484K, N501Y) và Lambda (T76I, 260 L452Q, RSYLTPGD246-253N, F490S). Bằng cách này, virus tăng ái lực giữa protein gai và thụ thể ACE2, qua đó tăng khả năng xâm nhập tế bào, thực hiện “mục tiêu kép” vừa lây nhiễm khủng, vừa lẫn tránh được kháng thể trung hòa, con cưng của hệ miễn dịch.
Kháng thể trung hòa
Kể thêm, kháng thể trung hòa (NAbs) là ngọn cờ đầu của đáp ứng miễn dịch. NAbs giúp ngăn virus xâm nhập tế bào và chống tái nhiễm, qua tay các tế bào nhớ. SARS-CoV-2 chỉ tồn tại và hổ báo khi lọt vào tế bào, nên chất và lượng của kháng thể trung hòa được xem như chuẩn “mua heo lựa nái, cưới gái chọn dòng” của một vắc xin.
Trôi dạt kháng nguyên
Theo dõi kỹ, hẳn nhiều người từng nghe đến thuật ngữ “trôi dạt kháng nguyên”, được xem là chiêu mà đồng đảng Beta, Lambda đang xài để “chơi bịt mắt bắt dê” với vắc xin.
“Trôi dạt kháng nguyên” cũng để chỉ đột biến, có điều đột biến nhỏ nhưng vẫn đủ làm xiếc với hệ miễn dịch. Virus cúm là trùm “trôi dạt kháng nguyên”, khiến vắc xin chống lại chúng phải cập nhật liên tục hằng năm. Cảnh Beta, Lambda và đám hậu bối mỗi năm hoa đào nở, lại buộc các hãng dược tung bản vá hay model mới, có hay không chưa rõ.
Hậu sinh khét tiếng
Cần theo dõi thêm nhưng Lambda hiện được coi là ngôi sao triển vọng, song toàn về lây nhiễm cao và kháng vắc xin (có thể). Chỉ với hai đột biến F490S và L452Q, đủ nâng mức kháng kháng thể của Lambda lên hơn 150% (?).
Tình hình thực chiến
Địch tình tạm rõ, như cũ vẫn câu hỏi chốt hạ là phe ta với những Comirnaty, mRNA-1273, ChAdOx1, Ad26.COV2.S... (tên thương mại của các vắc xin), khiêu vũ giữa bầy sói thế nào với đám biến thể?
Khoan luận anh hùng, cần nói trước là dù khả năng bước không qua khá cao, cho đến nay các biến thể đều ăn nhờ vào đột biến protein gai, nhưng hay không bằng hên, chỉ là các “trôi dạt kháng nguyên”. Tức là dù chắc có lỏng tay nhưng binh tướng của nhà Pfizer, Moderna, AstraZeneca... vẫn còn đủ sáng mắt sáng lòng chơi lại với đám giỡn mặt mình.
Vẫn “tốt trong tầm giá”
Lambda là tay mới, dữ liệu đánh đấm chưa nhiều, nhưng tinh thần vẫn là “tốt trong tầm giá”. Thay vào, thử mượn số liệu từ Hàn Quốc để nom xem với Beta, biến thể xa cạ với Lambda, thì các vắc xin nhà mình làm ăn ra sao. Cụ thể với 2 liều Pfizer mang lại hiệu quả 84% với Beta, 1 liều Moderna (77%), 1 liều AstraZeneca (48%)...
Thấy ngay là hiệu quả vắc xin với mấy chế kháng vắc xin “hao tài” hơi nặng. Từng có nơi AstraZeneca chỉ trầy da đám Nam Phi với vỏn vẹn 20% hiệu quả. Dù vậy, bá tánh vẫn cứ yên tâm, dù rớt giá nhưng kháng thể vắc xin cung cấp vẫn đạt ngưỡng bảo vệ (có vẻ là giá chót 50%). Lưu ý là những con số trên chưa nói gì về hiệu quả giảm bệnh nặng và giảm tử vong, mà theo thông tin không tụt mood nặng nề như vậy.
Càng chích ngừa, càng gây kháng vắc xin?
Dè dặt người ta đang cảnh báo một ngang trái: càng tiêm nhiều vắc xin, càng tạo cơ hội cho biến thể kháng vắc xin được nước. Hẳn người ta trông theo cái gương kháng kháng sinh, do dùng kháng sinh không đủ liều, đủ thời gian. Nói vậy, nhưng không thể so việc chích ngừa làm lờn vắc xin như lờn kháng sinh được.
Chưa phải xóa bài làm lại!
Theo cách thực dụng nhất thì tình hình kháng vắc xin thành bại tùy vào mệnh hệ vùng protein gai. Chừng nào đám biến thể hoàn tất ca “phẫu thuật thẩm mỹ” để giơ ra bản mặt lạ hoắc, khiến hệ miễn dịch không nhận ra, thì đó là lúc các hãng đóng dây chuyền vắc xin cũ thay bằng các flagship mới. Ngay lúc này, nhiều hãng vắc xin, dù hàng họ đang đắt như tôm tươi, nhưng cũng đang rục rịch tung ra sản phẩm mới, trước mắt là vắc xin chuyên Delta.
Chỉ có vắc xin chống lại kháng vắc xin!
Rõ còn cách nào khác? Chỉ có nhanh chóng bao phủ mũi tiêm cho dân số, mà phải là 2 mũi, thậm chí 3 mũi là cách duy nhất có thể để ngăn những Beta, Lambda hay các “chữ cái” Hy Lạp tiếp nối, có thời gian hoàn tất “phẫu thuật thẩm mỹ” lẫn tránh hoàn toàn miễn dịch vắc xin mà chúng ta đang ì ạch gầy dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận