Ở độ tuổi 16 - 17, 3 cô gái Firda Kurnia, Nidi Rahmawati, và Euis Siti Aisyah, chỉ mới nghe nhạc metal từ 6 năm về trước, khi cả 3 lập nhóm nhạc Voice of Baceprot.
Cha mẹ của các em đều là nông dân; ban ngày, 3 bạn trẻ theo học tại một trường Hồi giáo.
Năm 2014, khi “mượn” laptop của thầy dạy nhạc, 3 bạn trẻ bỗng phát hiện ra một gia tài nhạc metal. Họ “dính” ngay lập tức.
Kurnia trả lời, “Tụi mình mê mẩn ngay tức thì. Với chúng mình, metal là một cách để nêu lên tiếng nói. Nhạc metal phù hợp với quyết tâm bên trong bọn mình.”
Quyết thuần thạo môn đam mê chớm nở này, 3 cô gái tập luyện hàng ngày sau khi học xong, với sự giúp đỡ từ giáo viên dạy nhạc. Chẳng mấy chốc, nhóm đã biểu diễn cho người trong vùng, phô diễn những riff nhạc, những giai điệu ngỡ như tích tụ từ nhiều năm kinh nghiệm.
Dẫu vậy, không phải ai cũng thấy hài lòng. Cha mẹ của các thành viên ban đầu cấm cản hết mực, gây ra nặng nhẹ trong nhà. Các bạn trẻ cũng nhận được vô khối đe dọa từ mạng xã hội bởi những đối tượng cương quyết về tôn giáo, những người cho rằng metal là âm nhạc của quỷ dữ, không thích hợp cho phụ nữ.
Một hôm nọ, khi đang tập nhạc với nhau, nhóm bị ném đá, các viên đá kèm các thông điệp miệt thị. Nhóm phải cố gắng rất nhiều để thoát được bằng xe đạp.
“Họ bảo chúng tôi phải cởi bỏ chiếc hijab”, Kurnia trao đổi với South China Morning Post. “Họ bảo đeo hijab chơi metal là một hành động báng bổ tôn giáo”.
Kurnia không để cho sự phản đối ngăn cản mình theo đuổi giấc mơ. Và bạn cũng không một chút nào chểnh mảng với tôn giáo của mình, chỉ vì khác biệt mà bạn trẻ đã chọn không phải là chọn lựa của đông đảo phụ nữ Hồi giáo.
“Với chúng tôi, metal chỉ là một dòng nhạc. Chúng tôi chơi metal, không có nghĩa là chúng tôi từ khước salat (cầu nguyện mỗi ngày); chúng tôi mặc hijab, và chúng tôi vẫn tuân thủ các bổn phận tôn giáo khác”.
Hầu hết người Indonesia đều thực hành một phiên bản ôn hòa của Hồi giáo, và tôn giáo vẫn thường gắn nhất định với văn hóa đại chúng tại đây, trong đó có âm nhạc. Chẳng hạn, giữa liên hoan nhạc metal “khủng” nhất Đông Nam Á Hammersonic vẫn có các quãng nghỉ để cầu nguyện.
Voice of Baceprot và nhiều nghệ sĩ chơi metal khác thường đổi phần ca từ mỗi khi hát lại tác phẩm của các ban nhạc đình đám như Metallica, để phù hợp hơn với tôn giáo và văn hóa bản địa.
Bản thân xứ vạn đảo Indonesia cũng sở hữu một bối cảnh nhạc metal tấn tới – một trong những bối cảnh hùng mạnh nhất Đông Nam Á hiện nay, bên cạnh vị Tổng thống Joko Widodo cũng là một fan cứng của dòng nhạc này. Năm 2017, Thủ tướng Đan Mạch - Lars Løkke Rasmussen tặng người đồng cấp ở Indonesia một món quà đúng chất metal: 1 boxset Master of Puppets của nhóm Metallica.
Sau nhiều thập kỷ khắc nghiệt dưới chế độ độc tài quân sự của Suharto, khi đó metal như một hình thái phản kháng thời cuộc, ngày nay metal tại Indonesia trở thành một phần của bối cảnh văn hóa, trong khi trước đó, theo nhà âm nhạc dân tộc học Jeremy Wallach, “âm nhạc này đã góp phần vào việc lật đổ chế độ độc tài”.
Tiếp nối truyền thống, Voice of Baceprot dùng âm nhạc để bày tỏ sự phản kháng, hát về thực trạng hệ thống giáo dục, tự do tín ngưỡng, biến đổi khí hậu.
Nhóm cũng xuất hiện trên truyền hình, và dần thu hút sự quan tâm ở phạm vi toàn cầu hơn, và từ chính quốc gia quê hương. Chính ba mẹ của các bạn cũng ủng hộ tuyệt đối, không như trước.
“Đám đông thật sự là điên lắm”, phóng viên viết về Voice of Baceprot, Sagoya, chia sẻ. “Họ nhảy, họ tạo vòng tròn để giật lắc theo nhạc. Tôi cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng”.
Hiện tại nhóm đang tạo tiếng vang không chỉ tại Indonesia, mà còn vang vọng khắp nơi. Kurnia ấp ủ những ước mơ thật lớn cho nhóm, muốn họ lưu diễn và mang âm nhạc tới nhiều người hơn nữa. Chưa hết, bạn gái hi vọng tiếp lửa cho các bạn nữ khác thoát ra khỏi vỏ ốc của mình.
“Đừng sợ tỏ ra khác biệt", Kurnia khẳng định. “Khi trở thành chính mình, chúng ta sẽ tuyệt vời biết bao!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận