Xuất hiện trong phiên bản Tây du ký năm 1986, Tôn Ngộ Không đã trở thành nhân vật được yêu thích nhất trong tác phẩm của Trung Quốc. Có thể nói, đây là nhân vật gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Đặc biệt, Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng lấy được lòng khán giả bởi tạo hình bắt mắt, vừa thần thông quảng đại, vừa lí lắc đáng yêu.
Tuy nhiên, một điều có lẽ khán giả không thể ngờ đến, đó là theo đúng nguyên tác, Tôn Ngộ Không xấu hơn nhiều so với nhân vật do Lục Tiểu Linh Đồng thể hiện. Theo ghi chép trong sách, Hầu Tôn chỉ cao có 1m2 và vẻ ngoài trông khá dữ tợn.
Nhiều khán giả từng xem tranh và đọc nguyên tác đều cho rằng, nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện do Châu Tinh Trì làm đạo diễn, ra mắt năm 2012, là gần với nguyên tác nhất.
Thực tế, ngay cái tên tác giả của Tây du ký cũng gây tranh cãi khá nhiều. Chưa có minh chứng chắc như đinh đóng cột nào cho thấy Ngô Thừa Ân chính là tác giả chính thức của tác phẩm nổi tiếng Trung Quốc này. Nếu chúng ta nói, Tây du ký là tác phẩm được nhào nặn và sáng tạo từ một nhóm người, trong đó có Ngô Thừa Ân thì hợp lý hơn. Bởi mỗi người có cách hình dung và đặt bút vẽ hay miêu tả khác nhau về hình tượng Tôn Ngộ Không.
Trước Ngô Thừa Ân, Trung Quốc cũng từng làm bộ phim truyền hình Đường Tam Tạng tây thiên thủ kinh, được xem là nguyên mẫu của câu chuyện Tây du ký. Nói một cách khác, Tây du ký giống như phiên bản mở rộng của phiên bản truyền hình Đường Tam Tạng tây thiên thủ kinh.
Ở Trung Quốc, từ xưa đã có nhiều dị bản về truyện Tây du ký. Ví dụ vào thời nhà Tống có bộ tiểu thuyết Thái Bình quảng ký đề cập đến một con yêu quái tên Vô Chi Kỳ. Nhân vật này được phác họa giống như một con vượn, đôi mắt vàng rất đặc biệt.
Sau những sóng gió do tính cách ương ngạnh và hiếu thắng của nó gây ra, nó đã bị thu phục. Tình tiết này na ná giống chi tiết Tôn Ngộ Không sau cuộc bạo loạn ở Thiên Cung và sau đó bị phong ấn trên núi Ngũ Chỉ. Nhân vật Vô Chi Kỳ sau này được tái hiện trong bộ phim Mỹ nhân lưu ly sát nhưng đã được hóa trang thành mỹ nam nhân rất cuốn hút.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng đưa ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm, trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90km. Trong bức vẽ là một vị hòa thượng và "Hầu hình nhân" đang chắp tay hành lễ trước đức Phật.
Giáo sư Hà Văn Kiệt, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết danh tính người khỉ trong tranh là Thạch Bàn Đà, quê tại thành Tiên Dương, người dân tộc Hồ. Vào năm 629, khi Đường Tăng dừng chân tại vùng Tiên Dương, người đàn ông xấu xí Thạch Bàn Đà liền tìm tới nghe, rồi bị cảm hóa và tự nguyện tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên.
Cũng từ bức tranh vẽ nói trên, giáo sư Hà Văn Kiệt kết luận, hình ảnh Thạch Bàn Đà chính là nguyên mẫu thực tế của Tôn Ngộ Không.
Từ đó đến nay, dù có rất nhiều câu chuyện, hình ảnh hay nghệ sĩ hóa thân thành Tôn Ngộ Không nhưng mãi đến khi xuất hiện hình ảnh Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng trong bản Tây du ký 1986 mới giúp nhân vật này trở nên gần gũi, quen thuộc và vang danh khắp bốn bể năm châu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận