Trong tranh, hoạ sĩ Dave Granlund đã thể hiện virus corona chủng mới - thủ phạm gây ra đại dịch COVID-19 – như một con bạch tuộc lắm vòi, mỗi vòi là một biến thể với tên gọi cụ thể.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang sử dụng bảng chữ cái Hi Lạp để đặt tên cho các biến chủng Cô-Na Cô-Vít, như Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1), Epsilon (B.1.427 và B.1.429), Eta (B.1.525), Lota (B.1.526), Kappa (B.1.617.1), Zeta (P.2), Mu (B.1.621, B.1.621.1), và nay vừa thêm “siêu biến thể” mới Omicron (B.1.1.529) do Nam Phi vừa phát hiện từ ngày 11-11-2021.
Biến thể Omicron được xác nhận đầu tiên từ một mẫu vật thu thập vào ngày 9-11 ở Nam Phi, sau đó được báo cáo với WHO vào ngày 24-11-2021. WHO đã xếp Omicron vô nhóm các biến thể đáng quan ngại.
Bức tranh biếm này mô phỏng theo tác phẩm “Tiếng thét” (“Skrik”, trong tiếng Na Uy) của hoạ sĩ người Na Uy nổi tiếng Edvard Munch, với trái đất biến thành... nhân vật trong tranh, đang gào lên một cách tuyệt vọng giữa phong cảnh chao đảo.
2 điểm khác biệt so với bản gốc “Tiếng thét” (được Munch sáng tác vào khoảng thời gian 1893 – 1910) chính là... sự truy đuổi của lũ virus Cô-Vít, cùng tiếng thét thành lời rõ ràng: “Omicron!”.
Omicron là “siêu biến thể”, có tới 50 đột biến, nhiều gấp đôi so với biến thể Delta đang nổi trội hiện nay. Đặc biệt, Omicron có 32 đột biến nơi protein gai, có thể ảnh hưởng tới khả năng của nó xâm nhập vào tế bào và lây lan mạnh, đồng thời cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Gavin Screaton, nhà miễn dịch học tại Đại học Oxford, cho rằng chỉ những người rất bàng quan mới tin rằng lũ virus Cô-Vít đã hết mánh khoé đột biến sau chủng Delta - theo Financial Times (26-11-2021).
Biến thể Omicron có một bước tiến hoá lớn, khiến nó đã khác hoàn toàn với bản gốc virus Cô-Na từng xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), hồi cuối năm 2019. Liệu các loại vaccine được tạo ra từ chủng gốc ở Vũ Hán sẽ còn có tác dụng với Omicron?
Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa đông là nhiều loài chim thiên di lại bay từ các nước ôn đới tới Nam Phi để tránh rét. Tuy vậy, vào mùa đông năm nay, những cánh chim bay tới Nam Phi lại gặp lũ Omicron từ đó “phát tán” ra khắp thế giới…
Theo WHO, tới nay đã có hơn 100 ca nhiễm được xác nhận, phần lớn ở Nam Phi, nhưng cũng đã xuất hiện ở Botswana, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Đức, Ý,…
Vương quốc Anh cùng 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc, Brazil, Ấn Độ, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan, Maroc, Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia,... đã công bố việc hạn chế đi lại với các nước ở Nam châu Phi, nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan ra khắp thế giới.
Biến thể Omicron xuất hiện chỉ 100 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc vào ngày 9 tháng 3 năm 2022, có thể gây ảnh hưởng lớn tới "cuộc đua tới ghế tổng thống" giữa 2 ứng cử viên Lee Jae-Myung (Đảng Dân chủ cầm quyền) và Yoon Seok-Youl (Đảng Quyền lực Nhân dân), trong khi số ca mới nhiễm COVID-19 lại tăng vọt, riêng khu vực thủ đô Seoul đã đủ nghiêm trọng để công bố tình trạng khẩn cấp vào bất cứ lúc nào.
Theo báo Anh - The Guardian (26-11-2021), BioNTech / Pfizer có thể điều chỉnh vaccine mRNA trong vòng 6 tuần và xuất xưởng phiên bản cập nhật của vaccine chống biến thể Omicron trong vòng 100 ngày.
Moderna và Johnson & Johnson đều đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron. Trong khi đó, AstraZeneca đang nghiên cứu ở Botswana và Eswatini để thu thập dữ liệu thực tế về cách vaccine Oxford / AstraZeneca hoạt động chống lại biến thể mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận