Nhân đầu năm Tân Sửu, thử bàn về chuyện con trâu trong đời sống và trong y học...
Muốn “bình” cơ thể, cứ xơi thịt trâu!
Bộ Nông nghiệp Mỹ phân tích, trong 85g thịt trâu có 26g protein, 5g tổng chất béo, 2g chất béo bão hòa, 49mg cholesterol (trong khi thịt bò là 76mg). Còn năng lượng của 85g thịt trâu là 160, thịt bò là 166 calories. Các nhà dinh dưỡng nhận thấy thịt trâu ít mỡ hơn thịt bò. Trong thịt trâu chỉ có 1,6 - 5,6% mỡ so với thịt bò là 10 - 22%. Hơn nữa, lượng sắt có trong thịt trâu lại hơn hẳn thịt bò.

Theo Đông y, thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn (mát), không độc, vì thế những người thể nhiệt (nóng) ăn thịt trâu sẽ đưa cơ thể về trạng thái “bình”. Thịt trâu có tác dụng bổ tì vị, ích khí huyết, mạnh gân cốt. Vì vậy có thể dùng thịt trâu để chữa huyết hư, nóng trong xương, đổ mồ hôi trộm. Tuy nhiên, với phụ nữ mới sinh, cơ thể ở trạng thái hàn (lạnh) thì không nên ăn thịt trâu, vì sẽ làm trạng thái hàn nặng thêm (Đông y có câu “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng, hàn ngộ hàn tắc tử” là vì vậy!).
Sữa trâu có nhiều chất dinh dưỡng tốt hơn sữa bò. Cụ thể protein, canxi, kẽm đều cao hơn sữa bò, nhưng cholesterol ít hơn và lượng nước cũng ít hơn.
Lỗ mũi trâu, xấu mà có võ!
Bà con ta thường xỏ mũi trâu, nhưng lại không biết bài thuốc hay lại nằm ngay đấy. Kinh nghiệm của y học cổ truyền, phụ nữ bị tắc tia sữa dùng phần thịt láng ở lỗ mũi trâu (ngưu tị) nấu với đu đủ ăn, vừa thông tia sữa vừa tăng lượng sữa cho bé bú.
Ngoài ra, nầm trâu (tuyến vú của trâu) xào với cà rốt giúp sáng mắt, người bị tiêu khát (tiểu đường) ăn thịt mũi trâu sẽ giảm bệnh.
Thuốc quý từ... sỏi túi mật trâu!
“Ngưu hoàng” là sỏi túi mật của trâu có tác dụng vào hai kinh “tâm” và “can”, giúp thanh tâm, khai đờm, giải độc. Thời xưa các danh y dùng ngưu hoàng chữa chứng trúng phong dẫn đến hôn mê bất tỉnh, hay nhiệt quá hóa cuồng. Lưu ý là ngưu hoàng hơi độc, nên chỉ có lương y mới được sử dụng, đặc biệt không dùng cho phụ nữ có thai.
Da trâu, sừng trâu bỏ đi rồi... tiếc!
Chúng ta thường nghe da trâu dùng làm trống, mà không biết đây là nguồn dược liệu quý. Da trâu vốn chứa các chất canxi, gepatin, keratin và protein, có vị mặn, ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc. Năm 1965, trường ĐH Y Hà Nội sơ tán lên rừng ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên). Tất cả sinh viên đều được ăn món da trâu kho để cung cấp protein. Đặc biệt, Tết năm 1966, chúng tôi ăn Tết bằng... da trâu, mỗi người được phát 2 miếng da, nhai không nổi nên cho luôn vào miệng và nuốt. Lúc đó không ai biết đó là vị thuốc quý!
Da trâu sau khi nấu lên được vị thuốc có tên là a dao, hay gọi là “ngưu dao ẩm”. “Ngưu dao ẩm” đun với rượu, bôi lên da chữa ghẻ ngứa, nhọt. Vị thuốc này có mặt trong các bài thuốc chữa bí tiểu tiện, phù thũng. Ngoài ra “ngưu dao ẩm” còn chữa phong thấp, đau nhức tay chân, có mặt trong bài thuốc chữa tiểu són và làm thuốc cầm máu...
Sừng trâu (thủy ngưu giác) có tác dụng chữa bệnh. Các danh y thời xưa đều mài sừng trâu chữa chứng sốt cao, đau đầu. Ngày nay các nghiên cứu tại Trung Quốc khẳng định sừng trâu có tác dụng với 30 loại bệnh như viêm não B, xuất huyết do giảm tiểu cầu, hạ sốt giảm đau, tâm thần phân liệt...
Biết ăn khôn để khỏe như trâu!
Vì thịt trâu giàu protein, nên những người có rối loạn mỡ trong máu, tăng huyết áp, hội chứng chuyển hóa, béo phì không nên ăn thịt trâu. Cũng vì giàu protein nên những bệnh nhân bị sỏi thận không nên ăn thịt trâu, do lượng oxalat trong nước tiểu tăng, sẽ sinh thêm sỏi. Các danh y cũng đúc kết: Không nên ăn thịt trâu với củ kiệu, hẹ vì dễ phát sinh nhiệt bệnh; cũng không nên ăn với gừng vì làm hư răng.
Hi vọng Tân Sửu đến, cùng với những hiểu biết mới về con trâu, tất cả chúng ta sẽ thêm khỏe mạnh, cường tráng, sung sức suốt 365 ngày và hơn thế nữa...
Biến trâu thành bò!
Trước đây một thời gian, dư luận rộ lên tình trạng “biến thịt trâu đông lạnh thành thịt bò”. Giá thịt bò bao giờ cũng cao hơn giá thịt trâu, nên những kẻ hám lợi đã sử dụng hóa chất có tên gọi natri metabisulphite làm cho thịt trâu chuyển sang màu đỏ như thịt bò. Đây là một chất tẩy dùng trong công nghiệp, cấm sử dụng trong thực phẩm. Natri metabisulphite có dư lượng sulfur dioxide SO2, khi người ăn phải trước tiên sẽ gây nhức đầu, chóng mặt rồi viêm loét dạ dày, còn lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch và hệ tiêu hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận