Nhà ngôn ngữ xã hội học Robert Lawson tại ĐH Birmingham nhận xét rằng tốc độ thay đổi về ngôn ngữ xảy ra với Covid-19 là nhanh chóng chưa từng có. Lawson lý giải bằng nhiều yếu tố: Tốc độ lây lan của virus, sự thống trị của virus trên truyền thông và kết nối toàn cầu vào thời điểm MXH và liên hệ từ xa vô cùng quan trọng.
Nhiều từ ngữ mới đang phổ biến đi ra từ chính bản chất giao tiếp từ xa của con người ngày nay, như happy hour ảo, tiệc covideo (ăn tiệc qua video), và quarantine & chill (cách ly và… sướng, cập nhật từ Netflix and chill, vừa coi phim vừa… sướng!).
Nhiều người khác dùng corona như một tiền tố, như cách người dùng tiếng Ba Lan biến virus corona thành động từ, hay người nói tiếng Anh tự hỏi không biết có các coronababy (em bé corona, trẻ em sinh ra hoặc thụ thai trong thời gian xảy ra đại dịch) rồi sẽ ra sao. WFH, work from home hay “làm việc tại nhà”, và PPE, trang bị bảo hộ lao động, trở thành từ viết tắt thông dụng.
Các nhà từ vựng học đang tìm mọi cách có thể để bắt kịp thay đổi từ vựng kể từ khi có đại dịch. Theo Fiona McPherson, trưởng biên tập của Từ điển Oxford, hồi tháng 12, virus corona chỉ xuất hiện 0,03/1 triệu token (đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất được Oxford thu thập và theo dõi). Khái niệm "Covid-19" chỉ mới xuất hiện từ tháng 2, khi WHO công bố tên chính thức.
Nhưng đến tháng 4, con số liên quan tới "Covid-19" và "virus corona" đã tăng đột biến lên 1.750/triệu token (cũng có nghĩa 2 từ này được sử dụng với cùng mật độ).
McPherson cũng lưu ý rằng chỉ có 1 từ "Covid-19" được thêm vào từ điển. Có cả những từ ngữ đã có từ trước, nhưng có tần suất xuất hiện dày đặc hơn vào thời điểm mọi người đều ở nhà, chẳng hạn lệnh ở-nhà ở Mỹ, lệnh kiểm soát di chuyển ở Malaysia, hay lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Philippines.
“Mặc dù có rất nhiều từ chúng ta đang sử dụng ngày nay và rất nhiều thuật ngữ khác đã có từ trước, dường như vẫn có không ít tỏ ra mới mẻ”, McPherrson chỉ ra rằng virus corona thực ra đã ra đời từ thập niên 60.
Đôi khi, cách sử dụng mới của từ đã có sẵn cũng gây ra một số nguy hại. Các ẩn dụ về chiến tranh, gợi dậy hình ảnh “chiến trường” hay “tiền tuyến” hiện đang được dùng để nói về đại dịch, thế nhưng nếu xem đại dịch như một chiến cuộc có thể ngăn cản các thay đổi cấu trúc về lâu dài. Dự án #ReframeCovid ra đời, trong đó các nhà ngữ học thu thập các mẫu ngôn ngữ đang được dùng thay cho các từ vựng thời chiến.
Inés Olza, một nhà ngữ học tại ĐH Navarra, Tây Ban Nha, cho rằng chị tự phát dấy lên dự án này trên Twitter. Inés hiểu rõ vì sao từ vựng thời chiến có sức quyến rũ nhất định, đặc biệt vào thời điểm bắt đầu đại dịch, khi mọi thứ cần có sự thống nhất và dễ dàng huy động. Thế nhưng càng sử dụng một ẩn dụ, nhất là lạm dụng, mà thiếu vắng các cách dụng ngữ khác có thể gây ra nhiều âu lo, thậm chí bóp méo nhìn nhận của chúng ta về đại dịch.
Hơn nữa, những từ ngữ như “thảm họa tự nhiên” hay “một cơn bão hoàn hảo” có thể gây ra ấn tượng đại dịch Covid-19 tất yếu sẽ xảy ra và chúng ta không thể ngăn cản, và do đó từ chối những bối cảnh chính trị, kinh tế và môi trường khiến nhiều người dễ mắc phải hơn. Một số chuyên viên y tế còn tỏ ra bức bối khi bị gọi là “anh hùng”, thay vì nhìn nhận họ như các chỉnh thể phức tạp, cũng mang trong người nỗi sợ hãi, vừa phải hoàn thành công việc, thay vì phải “hi sinh”, bởi chính sự thiếu thốn trang thiết bị và chính sách hỗ trợ.
Olza còn cho rằng, chính người Đức đã tỏ ra đặc biệt giỏi ở khoản sử dụng các thuật ngữ phi quân sự. Một từ rất thú vị, Öffnungsdiskussionsorgien (những bàn thảo truy hoan cùng nhau), được dùng để mô tả những tranh cãi vô hồi kết xoay về chính sách mở cửa đất nước trở lại.
Nhà văn Karen Russell cảm thấy “làm giãn đường cong” là một khái niệm khiến cô thấy an toàn – ghi nhớ về tầm quan trọng của hành động của cá nhân lẫn tập thể, “biến nỗi sợ trở thành hành động”. Và caremongering – thay vì scaremongering, gieo rắc nỗi sợ - đã trở thành một từ thay thế tại Canada và… Ấn Độ, khi sự quan tâm được “gieo rắc” khắp nơi.
Người Đức dùng chữ coroanspeck đầy tếu táo để nói về sự căng thẳng khi ăn uống tại nhà, theo yêu cầu của Chính phủ. Tiếng Tây Ban Nha, covidiota và coronaburro (chơi chữ burro, con lừa) dùng để trêu chọc những người cố tình bất tuân các lời khuyên về an toàn.
Doomscrolling mô tả tình trạng cứ kéo đọc tin tức u ám trên internet suốt ngày, còn Blursday dùng để chỉ khái niệm thời gian suy yếu đi trong mỗi chúng ta, khi nhiều ngày trời cứ như quyện dính lấy nhau.
Cộng đồng LQBTQ+, một nguồn sáng tạo ngôn ngữ lớn, cũng cho ra đời khái niệm Miss Rona, tạm dịch Cô Na (hay Thím Vy).
Còn những gì không nói được, ta dùng… emoji.
Dù vậy, các nhà ngữ học tin rằng nhiều từ ngữ hiện đang thịnh hành sẽ thoái trào. Những từ có cơ may sống sót lâu dài hơn hậu-dịch là những từ mô tả các thay đổi về hành vi sẽ còn tiếp diễn, như zoombombing, đột nhập zoom chat của người khác để phá bĩnh, từ chữ photobombing, đột nhập ảnh chụp của người khác.
Thôi thì hãy dùng một ly quarantini, cocktail Martini thời… corona!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận