Thiết bị kim tiêm mới không gây đau đớn hay bất kỳ cảm giác nào, được hi vọng mang lại sự yên tâm cho nhiều bệnh nhân trên thế giới, và sẽ đóng vai trò hữu ích trong các đợt tiêm chủng lớn.
Gọi là “kim tiêm” nhưng thực chất thiết bị mới được các nhà nghiên cứu ở Hà Lan đang phát triển dựa trên công nghệ laser, để cho phép tiêm "hầu như không đau" như không hề có kim tiêm. Đây được coi như một bước đột phá giảm bớt nỗi sợ hãi tiêm chích và giảm ngưỡng tiêm chủng.
David Fernandez Rivas, giáo sư tại Đại học Twente, người đã sáng lập ra ý tưởng này cho biết “Súng bắn bong bóng” sử dụng tia laser để đẩy các hạt nhỏ li ti xuyên qua lớp ngoài của da.
Quá trình này diễn ra nhanh hơn so với vết muỗi đốt, và không chạm vào các đầu dây thần kinh trên da nên "không gây đau".
Trong 1/1.000 giây, tấm kính chứa chất lỏng được đốt nóng bằng tia laser, một bong bóng được tạo ra trong chất lỏng, đẩy chất lỏng ra ngoài với vận tốc ít nhất 100km/h. Điều này cho phép thiết bị đẩy thuốc dạng chất lỏng vào cơ thể mà không gây đau hay tổn thương trên da.
Thiết bị này đã được thử nghiệm trên các mẫu mô thành công, với khoản tài trợ của Liên minh châu Âu trị giá 1,5 triệu euro (1,73 triệu USD). Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang xúc tiến để thử nghiệm trên người với các tình nguyện viên ngay trong tháng 10 này.
Tuy nhiên, có thể mất 1 - 3 năm để phương pháp này được phổ biến rộng rãi, tùy thuộc vào tiến độ nghiên cứu và các vấn đề qui định.
Theo các chuyên gia đánh giá, có hàng tỉ người trên thế giới mắc chứng sợ tiêm. Vì nỗi sợ này mà hiện không ít người từ chối tiêm vaccine ngừa Covid-19, hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác.
Nhóm nhà nghiên cứu kỳ vọng phát minh này sẽ không chỉ giúp nhiều người được tiêm chủng hơn, mà còn ngăn ngừa nguy cơ bị ô nhiễm bởi kim tiêm bẩn và giảm thiểu rác thải y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận