● Định mua vớ y khoa về dùng, nhưng nghe bảo phải chọn đúng kiểu theo mmHg. Sắm vớ phải đo huyết áp?
H.Minh (Bình Thuận)
- Nhầm, mmHg chỉ áp lực vớ chỉ định theo bệnh trạng và size chân. Dùng thử như vớ class II (20mmHg cổ chân, 30mmHg cho bắp chân), thường dùng phòng trị giãn tĩnh mạch nhẹ. Huyết áp 20mmHg có mà gặp tằng tổ rồi. Xài vớ áp lực cũng cần liều như uống thuốc vậy.
● Mẹ tôi bị giãn tĩnh mạch chân, phải dùng vớ áp lực. Bà già cự nự, bảo như mặc vớ “chân dài tới háng”. Hiệu nghiệm bao lăm?
N.Tuấn (TP.HCM)
- Dùng vớ y khoa không ngoài việc gửi trợ lực cho tĩnh mạch, dẫn máu về tim. Như cách người ta bóp đuôi ống kem đánh răng vậy. Nhỏ mà có võ, vớ ép coi vậy có việc suốt, từ lúc bệnh nhân mới thấy nặng chân, đến khi phẫu thuật về nhà, phòng huyết khối đến hết đời. Vớ ép có nhiều loại nhưng đến đùi là hết mức.
● Tôi được chỉ định chích xơ trị giãn tĩnh mạch chi. Nghe giống chích xơ trĩ?
H.Thao (TP.HCM)
- Tiêm xơ được ưa dùng trị giãn tĩnh mạch chi. Chất gây xơ (STS) được bơm vào tạo huyết khối, làm tắc tĩnh mạch giãn, đơn giản vậy. Cùng cách này có thể thay bằng nhiệt, laser, sóng cao tần, nitơ lỏng, keo sinh học... Với trĩ người ta làm y xì, không dùng được thì ra rìa.
● Mổ stripping là gì? Có chữa dứt hẳn giãn tĩnh mạch chi không?
D.Nhi (Hà Nội)
- Nội khoa đi trước dao kéo theo sau. Stripping nói thẳng là phương pháp lột tĩnh mạch, giống người ta làm... lòng gà. Một dụng cụ tương tợ sợi thông ống nghẹt, được luồn vào lột nhánh tĩnh mạch giãn ra. Còn vài kiểu khác như chivas, phlebectomie...
● Mẹ tôi bị biến chứng huyết khối, may cứu kịp. Biết bà bị giãn tĩnh mạch bỏ điều trị, bác sĩ rầy quá trời...
C.Sương (Bến Tre)
- Giãn tĩnh mạch chi, xui nhất là ứ đọng sinh huyết khối, nhưng xui tận mạng khi hòn “huyết cừu” ngược dòng lên nóc tim - phổi, gây thuyên tắc phổi, chật vật mới cứu được. Mọi xoay xở hầu như để ngăn kết cục này, ít ra giữ cục huyết khối dưới hạ lưu.
● Tôi vừa bị giãn tĩnh mạch chi, bác sĩ bảo do lần mang thai trước. Con tôi đã 2 tuổi, đổ cho bầu bí có oan?
B.Khánh (TP.HCM)
- Giãn tĩnh mạch chi thai kỳ thụ nghiệp từ biến động nội tiết, thai to, chân phù chèn ép. Quả thai to vần chắn ngang đường dẫn máu về tim. Đa phần triệu chứng tản nhanh sau sinh, nhưng có khi đợi 3-5 năm sau, đặc biệt có bonus thêm béo phì, đứng lâu, táo bón, giày cao gót...
● Xài vớ y khoa hầm bà lằng có khi cưa giò, mất mạng như chơi?
V.Tuy (An Giang)
- Mang vớ áp lực khác gì garô, nên người đang gặp khó tưới máu thấp như tiểu đường, bệnh động mạch ngoại vi, nghiện thuốc lá... tốt nhất không dùng. Chuyện người già, con cháu chăm nom, bị hoại tử chân do vớ y khoa từng xảy ra.
● Bà xã bị giãn tĩnh mạch, chỉ cho thuốc uống. Bệnh viện tỉnh nhà không đủ tay, có cần đưa vợ lai kinh một chuyến?
Th.Hoàng (Bình Phước)
- Điều trị nội khoa cơ bản nhằm mấy việc củng cố thành mạch (daflon, rutin C, veinamitol...), chống loét (flavonoid, pentoxifilline), vọp bẻ (diosmin), phù (rutosides)... Nội khoa bắt tay với điều chỉnh lối sống, làm tốt, hoàn toàn có thể kìm chân bệnh không lấn tới.
● Tôi là công nhân dệt, vừa phát hiện bị giãn tĩnh mạch mạng nhện. Tên độc lạ, chắc cũng khó trị?
Th.Uyên (TP.HCM)
- Giãn tĩnh mạch mạng nhện (spider) hoặc dạng lưới (reticular) là thể giãn nhỏ, nông, đường kính <1mm. Theo phân độ CEAP, là độ C1 trong 6 độ C0-C6. Tên hơi ngầu nhưng là giai đoạn sớm, mừng mới phải bạn ạ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận