Vừa hạ cánh sau chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để kịp tham dự trong sự kiện giới thiệu live-concert Chuyện tình vào sáng 22-1, nhạc sĩ Trần Tiến dường như không bận tâm nhiều đến tin đồn xấu về mình.
Ngược lại, tác giả của Sắc màu đầy hứng khởi khi chia sẻ về chuyện xưa, chuyện nay và đêm nhạc hợp tác với nhạc sĩ Thanh Tùng diễn ra hai đêm 7 và 8-3 sắp tới.
* Xin chào nhạc sĩ Trần Tiến, xuất hiện giữa những tin đồn xấu với hình ảnh đầy sức sống, nhạc sĩ có mang gì mới đến với đêm nhạc lần này của mình?
- Bản thân tôi không biết sẽ hát bài nào của mình trong chương trình. Nhưng anh Thùy Dương (tên đại diện ban tổ chức - PV) đây có nhắn với tôi một tin, trước cuộc gặp gỡ này: “Anh ơi, anh hát giúp em một bài của anh nhé, bài anh viết trên giường bệnh ấy”.
Đó là một bài sẽ hòa âm theo phong cách hard rock. Bài hát này có những đoạn: “Đứng dậy, đứng dậy thôi. Bao nhiêu năm ta không gục ngã, đứng dậy, hãy vượt qua. Bao nhiêu năm qua ta không sống đớn hèn, bao nhiêu năm qua, dù khói bom rơi ta xông pha, cái chết bên ta tựa lông hồng”.
Vì bài hát này, từ một người bệnh không thể tự xuống giường, tôi đã dậy và đi, rồi tập chạy. Ba tháng nay, mỗi ngày tôi chạy ba vòng, mỗi vòng 600m. Bên cạnh đó tôi tập các bài khí công khác để lấy lại hơi thở. Giờ tôi vẫn có thể hát, có thể đọ tay với các chàng trai trẻ và đủ tỉnh tảo đế nói chuyện với các bạn trẻ về cuộc đời.
Tôi rất hạnh phúc, khi một bác sĩ sau khi nghe bài này cách đây 4-5 hôm đã nói: “Bài hát này nếu để các bệnh nhân ở bệnh viên nghe thì họ sẽ được động viên tinh thần lắm. Vì chính người viết nó đã vượt qua bệnh tật như một tấm gương”. Tôi rất vui mừng nếu nó trở thành bài “bệnh nhân ca”.
* Đây là show diễn với chủ đề tình yêu. Xin hỏi, trong sự nghiệp viết nhạc của mình, ông có tâm đắc ca khúc nào nhất về chủ đề này?
- Tôi không biết mình có bài nào hay nhất về tình yêu không. Năm nay tôi 74 tuổi và vẫn tin rằng một ngày nào đó mình sẽ viết được một ca khúc về chuyện tình thật hay nhưng cũng có thể không bao giờ viết được nữa. Nhạc sĩ nói chung đều vậy.
Nhạc sĩ đích thực, khi viết thường rút hết tâm hồn mình, nhưng xong rồi thì ngoảnh lại, nhìn nó như một quá khứ và không bao giờ hài lòng cả. Nhưng với công chúng thì khác. Chính những bài anh viết ra từ năm 16, 17 tuổi – ngày anh chưa biết nốt nhạc nào có khi mới là bài hay nhất. Anh đừng tưởng khi anh nổi tiếng rồi, trở thành đại siêu sao rồi anh sẽ viết càng hay. Còn lâu!
Những người bạn, người anh hơn tôi 12-17 tuổi, dạy nhạc cho tôi, từng nói: “Này, Tiến giờ nổi tiếng quá rồi, nhưng em chưa viết bài nào hay bằng 'Cô gái Sầm Nưa' đâu nhé. Và đúng bài này tôi viết khi nốt nhạc bẻ đôi không biết.
Lúc ấy, tôi đang làm bốc vác, là quần áo, đi đánh si giày cho các nghệ sĩ, suốt ngày bị quát: “Này ông Trần Tiến, ông khéo không lại làm cháy áo của tôi đấy” hay “Ông Tiến, ông quên đàn của tôi, mời ông về lấy đàn”. Lúc ấy tôi là một đứa trẻ nhất đoàn, lại chẳng học hành gì.
* Nhân nhắc đến chuyện xưa, nhạc sĩ có thể chia sẻ về biệt danh - Tiến Gàn của mình không?
- Tôi tốt nghiệp lớp 10, suốt những năm đi học đều là học sinh giỏi, riêng môn Toán tôi còn là học sinh giỏi toàn quốc và được vào thẳng đại học. Nhưng vào đại học, một năm sau tôi bị đuổi vì gia đình là đại tư sản. Vì vậy tôi rất coi thường nghệ sĩ khi họ không có học, nhưng họ lại coi thường tôi và gọi tôi là “Gán Tiền” (tức Tiến Gàn).
Lúc đó, các anh trong đoàn cứ hát xong lại ngồi đánh bài, hút cần sa, uống rượu, nhảy đầm. Còn tôi đi đọc sách: sách triết, sách văn. Tôi hay bị nhắc: “Mày đọc làm gì, việc của mày là phải nhớ vác đồ, đừng có quên của anh em”.
Nhưng rồi cuộc đời sẽ trả lời hết. Mọi thứ đều do số phận chẳng thể giải thích được. Và cuối cùng, may thay tôi không phải là kẻ vứt đi, còn một số người trong số họ lại trở thành kẻ vứt đi. Đúng là cuộc đời không thể biết trước điều gì. Bản thân mình cũng vậy, mình sẽ không biết được ngày mai có thể viết được bài gì.
Tôi chỉ nói lại với các bạn một điều tôi từng đã nói: Sự nổi tiếng của tôi, bản thân chỉ đóng góp được 20% thôi, đó là sự học hỏi kinh khủng của tôi, sự làm việc khủng khiếp của tôi và cả sự trải đời cực tới tận đáy, tôi đã đi qua. Còn lại là trời cho tôi.
Trời cho tôi hai lần suýt chết để viết hai bài Sắc màu và Không thể gục ngã. Trời cho tôi đi chiến trường và gặp biết bao chuyện. Trời cho tôi những ngày đi làm bị xua đuổi và coi như thằng "Gán Tiền". Trời cho tôi những ngày bị giám đốc đài truyền hình đuổi vì mặc quần loe. Và rất may, đúng ngày bị đuổi thì được ông Võ Văn Kiệt mời vào Sài Gòn.
Khi tôi vào Sài Gòn, tôi tiếp cận được với nhạc Mỹ đầy trẻ trung ở đây (lúc đó ở Hà Nội chỉ có nhạc Nga, nhạc Tàu). Nên tôi gần như là người đầu tiên đưa nhạc Việt vào tất cả các thể loại: pop, rock,…
* Từng có một quá khứ gắn với biệt danh "Gán Tiền", giờ nhạc sĩ còn "gàn" không?
- Cho đến bây giờ tôi vẫn gàn nhưng chả có ai gọi tôi là "Gàn" nữa. Có lẽ cái gàn của tôi đáng yêu chăng? Chị Khánh Ly từng trả lời trên tivi về tôi rằng: "Cái ông Trần Tiến ấy à, ông ấy ngông ngênh lắm, nhưng mà ngông ngênh đáng yêu”.
Tôi không biết mình có gàn, có ngông nghêng đáng yêu không, nhưng các anh đặt tên “Gán Tiền” cho tôi giờ vẫn còn rất yêu tôi. Như hôm qua tôi ra Hà Nội, tôi gặp các anh, tôi vừa mời các anh đi nhậu và các anh nhắc lại: “Nhờ em Gán Tiền mà nhân dân mới có các khúc hay để nghe”.
Tôi nghĩ cũng có lý. Bởi vì, nhạc sĩ giống như mọi người thì có gì để viết. Anh phải có gì đó mọi người không có, thì mới viết được chứ. Mà ngay cả khi anh có cái mọi người không có nhưng chẳng đủ tài cũng không viết được gì cả.
Tôi tốt nghiệp nhạc viện với số điểm rất cao về giao hưởng. Thầy tôi mất bao nhiêu công để rèn rũa tôi. Nhưng sau khi tốt nghiệp, ngày đến tạm biệt trường, tôi lên gặp thầy nói: “Thầy ơi, em không viết giao hưởng đâu”. Thầy hỏi: “Thế làm gì” – “Em viết ca khúc” – “Viết ca khúc cần gì phải học thầy?” – “Thầy yên chí, công của thầy sẽ nằm trong ca khúc”. Thầy tôi không hiểu, chỉ nói: “Thôi tùy, nhưng cậu đừng làm mất công tôi”.
Trong lúc ấy, tôi luôn đau đáu câu hỏi: Tại sao không ai viết về chị, không ai viết về một tình yêu không có chiến tranh, tình yêu không khói súng và bom đạn; Tại sao không có bài hát nào về tình bạn, về trẻ con,… Ý nghĩ tôi rất gàn.
* Còn lý do ông đồng ý làm đêm nhạc chung với nhạc sĩ Thanh Tùng lần này là gì?
- À, cái đêm nhạc này cũng có một cái gàn.
Tôi với anh Thanh Tùng một hôm được anh Hoàng Hiệp và anh Trịnh Công Sơn đãi một bữa bia. Anh Hoàng Hiệp nói: “Phóng viên mới phỏng vấn và tao đã trả lời trên báo, ngày mai hãy đọc. Năm nay Hội Nhạc sĩ quyết định sẽ tặng thưởng cho bài hát Chị tôi của Trần Tiến và Một mình của Thanh Tùng. Nên hôm nay Hội sẽ đãi chúng mày”.
Hồi đó tôi với anh Thanh Tùng không có cơ hội gặp nhau nhiều. Mỗi lần anh Tùng đến đoàn tôi đều xuất hiện trong hình ảnh một chàng rất đẹp trai và cực kỳ bóng bẩy. Chiếc áo anh ấy mặc, đôi giày anh ấy đi lúc đó tôi nghĩ mình mơ cả đời không có.
Lúc đó tôi rất nghèo, lại đang ăn lương hợp đồng ở Nhà hát Thăng Long, chưa được vào biên chế. Còn anh Tùng mới ở Triều Tiên về, làm nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc.
Hôm hai anh em gặp nhau, Thanh Tùng bảo: "Tôi với ông làm một đêm nhạc đi". Tôi bảo: “Hay đấy, nhưng tôi nói thật với bạn, tôi mê tín lắm. Bạn tuổi Tý, hơn tôi một tuổi, tôi tuổi Hợi. Tiến – Tùng mà làm chung đêm nhạc thì chỉ có "túng tiền" thôi.
Thực ra ý của bạn rất hay, nhưng hãy để một ngày nào đó, thể nào cũng có người làm”. Giờ đây, hóa ra là ông Thùy Dương (tên nhà tổ chức - PV) đã quyết định làm đêm nhạc này cho chúng tôi.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận