26/12/2003 15:37 GMT+7

Bóng đá Việt Nam trước thềm 2004: Cuộc sống mới, làn sóng mới

ĐẶNG HOÀNG
ĐẶNG HOÀNG

TTO - Đội Olympic bóng đá VN đã đem lại hạnh phúc cho người hâm mộ. Họ đã có trận thắng lịch sử 1-0 trước Hàn Quốc- đội hạng tư World Cup 2002 - tại vòng loại cúp châu Á 2004. Những gì thể hiện tại SEA Games 22 đã đem lại vị thế khác cho bóng đá VN (BĐVN) trong khu vực Đông Nam Á. Họ chính là thế hệ mới được trui rèn trong môi trường ngày một hoàn thiện…

Ebez8LI3.jpgPhóng to
Sức sống của bóng đá Việt Nam trong lòng người hâm mộ
TTO - Đội Olympic bóng đá VN đã đem lại hạnh phúc cho người hâm mộ. Họ đã có trận thắng lịch sử 1-0 trước Hàn Quốc- đội hạng tư World Cup 2002 - tại vòng loại cúp châu Á 2004. Những gì thể hiện tại SEA Games 22 đã đem lại vị thế khác cho bóng đá VN (BĐVN) trong khu vực Đông Nam Á. Họ chính là thế hệ mới được trui rèn trong môi trường ngày một hoàn thiện…

Giao ca thiên niên kỷ

Cột mốc buồn cho BĐVN khi xếp hạng tư tại cúp Tiger 2000, lần đầu tiên đội tuyển quốc gia Việt Nam trắng tay ở cúp Tiger (HCĐ giải 1996, HCB giải 1998), và cũng là dấu chấm hết cho một thế hệ tài năng Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu, Huỳnh Đức… Cùng năm 2000 này, BĐVN gây tiếng vang tại giải U-16 châu Á khi đội U-16 quốc gia vào đến vòng bán kết với trận thắng đẹp 3-2 trước Trung Quốc. Riêng Phạm Văn Quyến được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Cuối năm 2000, giải bóng đá chuyên nghiệp (BĐCN) ra đời, tạo cột mốc mới khi để lại phía sau con đường 20 năm bóng đá nghiệp kể từ giải vô địch Việt Nam lần thứ nhất tổ chức vào năm 1980.

Lớn dần

JHAY7Cqy.jpgPhóng to
Sức sống mãnh liệt của bóng đá
Cho đến hôm nay, sau ba mùa bóng chuyên nghiệp vừa làm vừa điều chỉnh, dù còn không ít vấn đề phải khắc phục, song không thể phủ nhận: BĐVN đang ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Nói đến BĐCN là nói về đến bóng đá kiếm ra tiền. Nhưng, trong cơn lốc bóng đá thị trường ngày nay, BĐCN lại không dễ sinh lợi. Lương cầu thủ cao ngất trời, giá chuyển nhượng kỷ lục đã dẫn đến tình trạng các câu lạc bộ ngâp nợ. Thế giới bóng đá, cụ thể là châu Âu với gần 100 năm chuyên nghiệp vẫn còn không ngừng thay đổi cho phù hợp trước sự tiến hoá của BĐCN, huống chi là BĐVN làm sao có thể đòi hỏi tuyệt đối chỉ sau tuổi lên ba mùa.

Cuộc cách mạng bóng đá của những doanh nghiệp

Hai người có công lớn trên con đường chuyên nghiệp hoá của BĐVN không ai khác là hai nhà doanh nghiệp Võ Quốc Thắng (Gạch Đồng Tâm) và Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai). .

fBmVCqtN.jpgPhóng to
Trường Giang, cầu thủ có giá chuyển nhượng đắt nhất hiện nay của BĐVN

Nếu bầu Thắng là người khai hoả đặt nền tảng thế nào là một CLB BĐCN khi thành lập Công ty thể thao Đồng Tâm, đội bóng có cơ ngơi riêng để luyện tập, sinh hoạt, có chức danh Chủ tịch, Giám đốc điều hành, Giám đốc kỹ thuật, HLV trưởng; thì bầu Đức là người làm sôi động thị trường chuyển nhượng khu vực khi mời chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak về Việt Nam thi đấu. Bầu Đức cũng là người thực hiện cuộc cải cách tiền lương cho các cầu thủ nội: thu nhập phải tương xứng với tài năng!

Cũng hai doanh nghiệp này đã khiến cho những người điều hành BĐVN phải liên tục sửa đổi những thiếu sót trong quy chế BĐCN, đặc biệt liên quan đến điều luật chuyển nhượng cầu thủ. Với cách làm bóng đá của những doanh nghiệp, đời sống các cầu thủ khấm khá hơn, thu nhập cao hay thấp phụ thuộc vào tài năng, khác hẳn với sự cào bằng của bóng đá nghiệp dư. Vì thế mới nảy sinh hiện tượng: cầu thủ tích cực luyện tập để tranh nhau vị trí chính thức.

Với quan điểm mới trong bóng đá, cùng sự chuẩn bị kỹ, hai đội HAGL, GĐT đã làm nên điều kỳ diệu chưa từng xảy ra trong lịch sử BĐVN. Đó là hai đội bóng hạng nhất vừa lên hạng chuyên nghiệp đã dành ngay hai vị trí vô địch và hạng nhì giải quốc gia 2003.

BĐCN là thương mại

ZKYHWDHn.jpgPhóng to
Kiatisak, cầu thủ số một Đông Nam Á đã đến Việt Nam đá cho HAGL
Ở Việt Nam, BĐCN vẫn chưa thể kiếm ra đủ tiền để trang trải mọi chi phí và có lời. Ở Việt Nam, khi các doanh nghiệp làm bóng đá, họ muốn tên công ty gắn với tên cũ của đội bóng. Đơn giản bên cạnh niềm say mê bóng đá, họ bỏ tiền không ngoài mục đích đưa thương hiệu của họ đến với người tiêu dùng. HAGL, GĐT đã thắng đậm khi bước vào bóng đá. Họ tốn tiền cho bóng đá, nhưng ngược lại bóng đá giúp các sản phẩm của họ tiêu thụ mạnh trên thị trường không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Sự thành công của HAGL, GĐT đã là hai mô hình để các đội còn lại trong nước noi theo. Ngân Hàng Đông Á đã giành được chữ ký của Therdsak Chaiman (Thái Lan) và cũng là cầu thủ xuất sắc nhất Champions League 2003.

Sân cỏ Việt Nam hôm nay đã có năm HLV và 41 cầu thủ nước ngoài trong 11 câu lạc bộ V-League (ngoại trừ Thể Công). Điều đáng nói hơn, những mặt hàng ngoại đã ngày càng chất lượng hơn, cũng có nghĩa là người Việt Nam khi sắm hàng ngoại cũng đã biết chọn lựa và tránh chuyện buồn của quá khứ là thường mua hớ, mua lầm hàng dỏm với giá cao.

BĐCN là thương mại, vì BĐCN có sôi động, có hấp dẫn, có hay đẹp thì khán giả mới đến sân vận động. Người xem đông, không khí bóng đá lan toả khắp nơi, truyền hình, báo chí cấp tập đưa tin tức, bình luận bóng đá, lập tức bóng đá sẽ buộc các doanh nghiệp phải đổ tiền vào bóng đá để các sản phẩm của mình xuất hiện trước công chúng.

qnz9lXNh.jpgPhóng to
...giờ đến lượt cầu thủ số một champions league châu Á 2003 Therdsak Chaiman đá cho NHĐA
Cùng với sức sống này, trước mùa giải V-League 2004, ba đội NHĐA, Đồng Tháp và Hải Phòng đã có được nhà tài trợ mới, và thế là V-League 2004 có ba câu lạc bộ có tên gọi mới là: NHĐA-Thép PominaTPHCM, Delta-Đồng Tháp và Thép Việt Úc- Hải Phòng.

Nhưng cái vòng tròn logic ấy cũng có luật chơi khắc nghiệt sòng phẳng: không chấp nhận sống chung với tiêu cực. Quả thật, nếu đội CATPHCM không chuyển thành Ngân Hàng Đông Á, sẽ không thể có chuyện “quyền lực đen” được bàn công khai trên báo chí. Và nữa, nếu không có sự cạnh tranh gay gắt sắm hàng nội chất lượng cao nhằm tăng cường sức mạnh, thì làm gì tuyển thủ quốc gia Trường Giang từ Tiền Giang về Bình Dương với giá chuyển nhượng là… 1 tỉ đồng!

***

Trong bối cảnh chuyển động đi lên này, giải vô địch quốc gia cũng phát triển theo chiều tỉ lệ thuận, và V-League 2004 hứa hẹn vượt trội về mọi mặt so với ba mùa chuyên nghiệp trước.

Trong môi trường tốt đẹp này, một thế hệ mới Văn Quyến, Thanh Bình, Thế Anh, Huy Hoàng, Minh Phương, Tài Em, Hữu Thắng, Văn Trương… tràn đầy sinh lực và khát vọng đã ra đời. Dĩ nhiên Việt Nam ngay thời điểm này chưa phải là số một Đông Nam Á, cũng như Đông Nam Á vẫn còn là vùng trũng của bóng đá thế giới, nhưng, nếu lấy SEA Games 22 làm cú dậm nhảy bay xa, bay cao, BĐVN vẫn đủ lực để đem lại cho người hâm mộ niềm tin: BĐVN rồi cũng có ngày vươn ra khỏi cái vỏ Đông Nam Á…

ĐẶNG HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên