22/11/2003 08:20 GMT+7

Họ đã chọn bục giảng và phấn trắng

H.NHÂN - Q.VINH - K.HIẾU - C.M.C.
H.NHÂN - Q.VINH - K.HIẾU - C.M.C.

TT - Rất nhiều sinh viên nhận học bổng “Ươm mầm tài năng” của báo Tuổi Trẻ đã chọn ngành sư phạm. Có thể phía trước khó khăn, nhưng trong tim những thầy cô giáo tương lai ấy vẫn âm thầm khát vọng...

JK6yuc7y.jpgPhóng to
Huỳnh Ngọc Sang
TT - Rất nhiều sinh viên nhận học bổng “Ươm mầm tài năng” của báo Tuổi Trẻ đã chọn ngành sư phạm. Có thể phía trước khó khăn, nhưng trong tim những thầy cô giáo tương lai ấy vẫn âm thầm khát vọng...

Huỳnh Ngọc Sang (SV lớp văn - công dân K03 Trường CĐ Sư phạm Quảng Nam), giải khuyến khích môn địa lý cấp quốc gia năm học 2002-2003):

Tôi chỉ có một ước muốn là được đứng trên bục giảng truyền lại kiến thức cho trẻ em nghèo vì nhiều lý do không được đến trường. Những năm còn học phổ thông, tôi đã được các thầy cô giáo của trường cưu mang đùm bọc mới học được đến hôm nay. Thầy cô cũng rất nghèo nhưng tất cả đều say mê nghề, đã dạy tôi tinh thần vượt khó.

Lần đầu tiên tôi về Tam Kỳ để học, mọi cái đều mới mẻ, nhà quá nghèo, tôi phải năn nỉ ba để được tiếp tục học và quyết định tự bươn chải. May là tìm được việc phân loại phế liệu chai, bao cho vựa thu mua của chị Huỳnh Thị Qui. Nếu tốt nghiệp ra trường tôi sẽ xin về dạy học tại những vùng khó khăn.

tpajycxv.jpgPhóng to
Lê Hồng Nhã
Lê Hồng Nhã (lớp hóa sinh 1, khoa tự nhiên Trường CĐ Sư phạm Gia Lai):

Ông bà ngoại đã nuôi nấng tôi từ nhỏ, lo cho từng miếng cơm manh áo chẳng khác gì cha mẹ. Nay ông đã gần 80 tuổi, bà 74 tuổi; ba ông bà cháu sống nhờ vào lương hưu của ông. Khi còn học phổ thông, ông bà thường rủ rỉ với tôi về ước mơ tôi sẽ trở thành cô giáo. Ông bảo lương thầy cô không cao nhưng đó là một nghề đẹp đẽ - góp phần đào tạo những con người.

Hôm tôi nhập trường, ông đưa tôi đến tận nơi để xem ngôi trường sẽ giúp cháu mình thành cô giáo ra sao. Tuần đầu tiên hai ông bà lụm cụm dắt nhau từ nhà ra quốc lộ cả cây số để đón cháu từ 1 giờ trưa vì tưởng tôi chỉ học buổi sáng như hồi phổ thông (nhà tôi ở huyện Chư Sê, cách trường hơn 50km). Học làm cô giáo cho sở thích của mình nhưng cũng cho niềm mơ ước của ông bà. Và quan trọng nhất, tôi phải là cô giáo trên đất Chư Sê - nơi tôi đã lớn lên...

ylWgXPrd.jpgPhóng to
Lê Nguyễn Thái Hà
Lê Nguyễn Thái Hà (SV năm 1 cử nhân văn khoa Trường ĐH Cần Thơ, giải khuyến khích môn văn quốc gia lớp 12 năm học 2002-2003):

Thời phổ thông, ở vùng lũ đi học phải đi xuồng hàng chục cây số đến trường. Đã vậy vùng sâu thường thiếu thầy cô giáo, không đủ thiết bị thực hành nên phải học trái buổi.

Còn nhớ mỗi lần đi thi học sinh giỏi, thi đại học, học trò nghèo như tụi mình mặc cảm ghê lắm, cứ sợ không bằng bạn bè các nơi. Nhưng mình nghĩ nghèo về vật chất có thể cải thiện được chứ nghèo về tinh thần thì khó mà có một cuộc sống ý nghĩa. Mình quyết làm thầy và muốn cùng với đồng nghiệp làm sao rút ngắn khoảng cách học hành còn chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

cGmGjE4z.jpgPhóng to
Nguyễn Văn Sơn
Nguyễn Văn Sơn (SV ĐH Sư phạm Đồng Tháp, giải khuyến khích môn sử quốc gia lớp 12 năm học 2002-2003):

Ở quê tôi còn nhiều trẻ em bất hạnh, vì nghèo có đứa đang học chưa hết bảng cửu chương, chưa viết được lá thư đã phải vào vụ, ra đồng với cái cày con trâu. Lớn lên thấy ruộng vườn hoa màu, ao cá quê mình nhiều tiềm năng nhưng xóm nghèo vẫn không có một kỹ sư hay một cán bộ kỹ thuật làm ăn hiệu quả trên mảnh đất cha ông.

Tôi sẽ học làm thầy để tự mình xóa nghèo, cùng bà con khuyến khích cho con em đi học. Khi người dân sẵn có kinh nghiệm làm sản xuất lại có kiến thức khoa học sẽ giàu nhanh hơn, chắc hơn.

H.NHÂN - Q.VINH - K.HIẾU - C.M.C.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên