30/11/2003 07:45 GMT+7

Món nợ của "thuyền trưởng" Rield

DUY BÌNH - SĨ HUYÊN
DUY BÌNH - SĨ HUYÊN

TTCN - Gần bốn năm gắn bó với bóng đá VN, “thuyền trưởng” 54 tuổi người Áo Alfred Riedl đã trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió. Thời vinh quang của ông là tại Tiger Cup 1998 khi ông đưa đội tuyển VN vượt qua Thái Lan - đối thủ lớn nhất khu vực - ở bán kết để có mặt trong trận chung kết với Singapore. Một năm sau, ông Riedl lại tiếp tục chứng minh tài cầm quân xuất sắc của mình bằng thành tích đưa VN có mặt trong trận chung kết SEA Games 20 tổ chức tại Brunei...

ZooenTTr.jpgPhóng to
TTCN - Gần bốn năm gắn bó với bóng đá VN, “thuyền trưởng” 54 tuổi người Áo Alfred Riedl đã trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió. Thời vinh quang của ông là tại Tiger Cup 1998 khi ông đưa đội tuyển VN vượt qua Thái Lan - đối thủ lớn nhất khu vực - ở bán kết để có mặt trong trận chung kết với Singapore. Một năm sau, ông Riedl lại tiếp tục chứng minh tài cầm quân xuất sắc của mình bằng thành tích đưa VN có mặt trong trận chung kết SEA Games 20 tổ chức tại Brunei...

Nhưng nhắc đến ông Riedl, người ta cũng không thể quên thất bại cay đắng của ông tại Tiger Cup 2000 ở Thái Lan khi VN vấp ngã 2-3 trước Indonesia ở bán kết, rồi thảm bại 0-3 trong trận tranh hạng 3 trước Malaysia. Đến năm 2001, ông Riedl rời VN trong tư thế của kẻ thất bại khi không thể giúp được Khánh Hòa trụ hạng nổi ở giải chuyên nghiệp mùa 2000 - 2001...

Thăng trầm cùng bóng đá VN

Cựu tiền đạo đội tuyển VN Lê Huỳnh Đức - từng một thời là học trò cưng của ông Riedl - phát biểu về ông thầy cũ của mình: “Thầy Riedl là một HLV chuyên nghiệp thực thụ. Nguyên tắc hàng đầu của thầy là trong tập luyện phải nghiêm túc vì ông muốn học trò phải thực hành tốt những giáo án, động tác mà ông đưa ra. Ngoài giờ tập hoặc thi đấu, ông sống rất tình cảm với học trò. Đặc biệt ông luôn dành thời gian chăm sóc những cầu thủ bị chấn thương, trò chuyện động viên họ vượt qua khó khăn... Tôi còn nhớ như in hình ảnh buồn thảm của HLV Riedl sau trậnchung kết Tiger Cup VN thua Singapore. Ông ngồi lặng lẽ, không nói một câu. Tôi nghĩ đó là khoảnh khắc buồn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông”.

Năm 2003 ông Riedl lại có mặt ở VN trong bản hợp đồng chỉ kéo dài sáu tháng (đến 31-12-2003). Thời hạn hợp đồng ngắn ngủi nhưng trách nhiệm của ông Riedl lại vô cùng nặng nề: ông phải đưa đội Olympic VN giành chiếc HCV tại SEA Games 22 trên sân nhà. Ông Riedl hiểu, với cổ động viên VN chủ nhà, một chiếc huy chương bạc cũng có thể bị xem là thất bại. Sức ép mà ông Rield phải gánh chịu lần này quá lớn - thậm chí lớn hơn cả kỳ Tiger Cup 1998 khi VN là nước chủ nhà.

Chính vì thế, những người trong cuộc am tường về bóng đá VN tỏ ra thông cảm khi ông Rield tỏ vẻ không mặn mà với những tân binh như Công Vinh hay Phan Như Thuật. Bởi lẽ nếu gọi những cầu thủ này, đội VN sẽ phải thay đổi đội hình vốn đã ổn định trước khi SEA Games 22 sắp khai mạc.

Nhưng rốt cuộc ông đồng ý bổ sung hai cầu thủ này và thừa nhận: “Tôi không có thời gian xem Công Vinh thi đấu. Với Phan Như Thuật, sự có mặt của anh ta có thể sẽ khiến đội Olympic thay đổi rất nhiều trong lối chơi”.

Cá tính của ông Riedl là vậy. Ông rất cẩn thận, đôi khi quá mức. Sau chiến thắng 1-0 trước Hàn Quốc tại vòng loại cúp bóng đá châu Á mới đây ở Oman, nhiều người thích “đi trên mây” nhận định VN đủ sức giành vé tham dự vòng chung kết World Cup 2006. Nhưng ông Riedl thì khác. Ông thẳng thắn thừa nhận đây chỉ là một trận thắng may! Rồi ông lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi nghĩ VN sẽ không có cơ hội thắng Hàn Quốc một lần nữa”.

Chiến thắng trước đội xếp thứ 4 World Cup 2002 Hàn Quốc là kỳ tích lớn thứ hai của bóng đá VN dưới thời Riedl. Trước đó, ông Riedl cũng thực hiện được một chiến tích mà chưa có HLV ngoại nào làm được là giúp VN đá bại mãnh hổ Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998. Nhưng năm ấy ông Riedl cũng có cái may là Thái Lan đã không mang đến đội hình mạnh nhất khi họ vắng chân sút “Zico” Kiatisuk, hậu vệ cánh trái Dusit. Cũng phải nói thêm rằng năm 1998 là thời điểm sung sức nhất của Hồng Sơn, Huỳnh Đức - những nhân vật chơi nổi đình nổi đám nhất của bóng đá VN những năm cuối thập niên 1990.

Năm 2000, đội tuyển thua tan tác ở Thái Lan. Ông Riedl gọi đây là “thời kỳ tồi tệ nhất” của ông ở VN. Ông cho rằng đội nhà thua vì một số cầu thủ ra sân với “tư tưởng đầu hàng”: “Chúng tôi thua Indonesia, rồi thảm bại 0-3 trước Malaysia. Tôi đau đớn khi nhìn đội nhà trắng tay ở Thái Lan. Nhưng đáng buồn hơn là tôi không có đủ bằng chứng để kết tội những ai không muốn đội VN thắng”.

Khi thế hệ vàng Hồng Sơn, Huỳnh Đức đi qua, cái tên Riedl cũng dần chìm lỉm! Ông chia tay với đội tuyển VN vào tháng 12-2000. Nhưng điều gây sốc cho nhiều người là chỉ một tháng sau ông Riedl đã dũng cảm cá cược uy tín của mình để đặt bút ký vào bản hợp đồng làm HLV cho đội Khánh Hòa đang đứng trên bờ vực thẳm rớt hạng. Tại sao? Ông Riedl kể lại: “Tôi đến Khánh Hòa hơi muộn. Họ như con tàu mất phương hướng, nhưng tôi nhìn thấy những cơ hội có thể giúp Khánh Hòa trụ hạng. Nhưng rốt cuộc, tôi đã không thành công”.

Dư luận nghĩ gì về Riedl trong gần bốn năm ông gắn bó với bóng đá VN? Có người nhận xét Riedl là người bảo thủ. Họ cho rằng ông Riedl thích làm những gì mình muốn hơn là lắng nghe ý kiến của người khác. Chẳng hạn như trong trận chung kết Tiger Cup 1998 gặp Singapore, một trợ lý đã đề nghị ông Riedl thay tiền đạo Nguyễn Văn Dũng bị kiệt sức, nhưng ông kiên quyết từ chối. Hậu quả là Văn Dũng chơi cực kỳ mờ nhạt trong trận này. Hay trong trận bán kết Tiger Cup 2000 gặp Indonesia, hậu vệ Trần Công Minh bị vọp bẻ ra hiệu xin được thay nhưng ông Riedl phớt lờ. Và Công Minh đã không cản nổi đường lên bóng tấn công bên cánh phải của đối phương khiến VN bị thua bàn quyết định 2-3.

Ông Rield cũng thừa nhận thỉnh thoảng ông nổi cáu. Cũng chính vì thiếu kiềm chế nên đôi khi ông đã phạm sai lầm, dẫn đến những chuyện không hay trong những năm tháng làm HLV ở VN. Người ta còn nhớ năm 2000, ông Riedl đã phàn nàn trên báo chí về cách làm thiếu nghiêm túc của một số quan chức bóng đá VN khi họ chậm trễ trong việc thông báo gia hạn hợp đồng với ông.

“Tôi đã làm một điều mà chính bản thân tôi luôn cấm các cầu thủ: tôi đã phàn nàn với giới báo chí thay vì gọi điện cho bộ trưởng - chủ nhiệm Ủy ban TDTT bởi vì có quá nhiều việc không công bằng đã xảy ra. Đây là lỗi lầm lớn nhất mà tôi đã phạm phải và cho đến nay tôi vẫn còn hối hận...”.

Mắc nợ VN một chiếc HCV

0SzMaIp6.jpgPhóng to
Gặp lại ông Riedl sau hơn ba năm, trông ông có vẻ già đi nhiều. Ông đưa chúng tôi đến một quán ăn VN nằm bên cạnh hồ Tây (Hà Nội). Chúng tôi rảo bộ từ nơi ông ở tại khu căn hộ sang trọng Sedona Suites đến quán ăn. Dọc đường đi, những người dân nhận ra ông đã hô to: “Alfred Riedl, Alfred Riedl! SEA Games, SEA Games!”. Quay sang chúng tôi, ông nở nụ cười hạnh phúc: “Chỉ ở VN tôi mới nhận được không khí tràn đầy tình cảm như vậy...”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những món ăn VN do chính ông chọn.

* Ông không dùng đũa à?

- Tôi biết cách dùng, nhưng hơi lười vì mỗi lần sử dụng đũa khó quá.

* Ông biết nấu bếp?

- Không, khi không ăn ở nhà hàng, vợ tôi thường nấu cho tôi ăn. Bà ấy chăm sóc tôi từng li từng tí. Thỉnh thoảng vợ tôi và những người bạn VN làm việc tại Đại sứ quán Áo vẫn nấu món ăn VN nơi tôi ở. Tôi thích nhiều món VN có vị cay.

* Vợ ông là người quan trọng nhất trong cuộc đời của ông?

- Nói chính xác hơn bà ấy là một trong năm người quan trọng nhất, đó là hai người con tôi, mẹ vợ, và người chị vợ. Không có bà ấy đi cùng, tôi sẽ không đến VN. Bà ấy có một nhà hàng ở Vienna (Áo), nhưng đã đóng cửa để cùng tôi quay lại VN.

* Không ít người ngạc nhiên khi ông đồng ý trở lại VN?

- Lý do thật đơn giản: tôi yêu VN. Vợ tôi cũng thế. Chúng tôi xem VN là ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời của mình.

* Nhưng có những thời điểm ông cảm thấy không hài lòng với cách cư xử của “một số người” VN?

- Đúng như vậy. Điều đó làm tôi rất buồn. Tôi không hiểu mối quan hệ giữa các quan chức bóng đá VN. Thật tình, tôi cũng không quan tâm đến điều đó. Tất cả những gì tôi làm là phục vụ cho lợi ích của bóng đá VN.

Trong khoảng thời gian gần bốn năm gắn bó với bóng đá VN, người mà tôi kính trọng nhất là ông Mai Liêm Trực - chủ tịch LĐBĐ VN. Cách đây hơn 10 ngày, ông Trực đã muốn gặp tôi để bàn về bản hợp đồng mới sau SEA Games 22. Đây là lần đầu tiên từ ngày đặt chân đến VN tôi mới được một vị chủ tịch LĐBĐ hỏi về hợp đồng mới dù đội bóng chưa thi đấu.

Tôi cảm kích trước đề nghị này dù sau SEA Games tôi sẽ ra đi bất chấp đội nhà thắng hay thua. Tôi sẽ đến làm HLV cho một đội bóng ở khu vực Trung Đông. Nhưng tôi sẽ trở lại... Tôi có thể làm HLV cho một đội bóng ở Hà Nội hoặc TP.HCM.

* Có người nói ông là người bảo thủ! Ông nghĩ gì về nhận xét này?

- Đôi khi tôi bảo thủ để tự bảo vệ mình. Tôi không thể chấp nhận mọi ý kiến để rồi phải trở thành kẻ thất bại. Nói chính xác hơn là tôi rất cương quyết. Còn nhớ vào năm 1999 khi tôi quyết định loại tiền vệ Vũ Minh Hiếu khỏi đội tuyển vì anh ta đã công khai chỉ trích tôi và đội tuyển với giới truyền thông.

Trước khi đưa ra quyết định này, tôi không cần hỏi một ai! Minh Hiếu đã vi phạm kỷ luật đội bóng và anh ta bị loại. Tôi tiếc vì Minh Hiếu là một cầu thủ giỏi. Song anh ta không thật sự nổi bật so với Hồng Sơn. Và dĩ nhiên, khi xuất trận Hồng Sơn vẫn chơi tốt hơn Hiếu ở vai trò tiền vệ tổ chức. Nhưng tại Tiger Cup 2000, tôi đã gọi Hiếu trở lại vì tôi muốn đối xử với Hiếu như giữa những người đàn ông với nhau.

* Trước SEA Games 22, ông lại thực hiện một quyết định đau lòng khác là loại cầu thủ giỏi Vũ Như Thành...

- Thành là một trường hợp khác. Anh ta có dính líu đến chuyện bán độ. Tôi rất đau lòng khi phải chia tay với một cầu thủ giỏi như Thành. Trước khi ban huấn luyện và đại diện LĐBĐ VN họp để bàn về những quyết định kỷ luật, con trai tôi đã nói với tôi rằng: hoặc là bố phải chấp nhận hi sinh cầu thủ giỏi để bảo đảm kỷ luật đội bóng, hoặc bố rời VN. Con tôi nói đúng! Tôi ở lại VN sẽ chẳng có ích gì nếu đội bóng có những cầu thủ không quan tâm đến danh dự và màu cờ sắc áo...

* Ông nghĩ gì khi rời VN vào cuối tháng mười hai tới mà không giúp được VN giành chiếc HCV SEA Games 22?

- Tôi có cảm giác là mình vẫn nợ người dân VN một chiếc HCV. So với những kỳ tranh tài trước, đây là thời điểm tốt nhất để VN giành vị trí cao nhất trong khu vực. Tôi đang nắm trong tay một thế hệ cầu thủ giỏi, đó là Văn Quyến, Thanh Bình, Quốc Vượng... Họ là tương lai của bóng đá VN. Chúng ta sẽ nhập cuộc bằng niềm tin - niềm tin vào một thế hệ mới...

* Với ông, trận gặp Thái Lan hay Indonesia là quan trọng nhất ở vòng bảng?

- Tôi nghĩ là trận gặp Indonesia. Chúng ta sẽ tìm cách thủ hòa với Thái Lan và thắng Lào cùng Indonesia.

Chia tay với chúng tôi, ông Riedl giơ hai ngón tay hình chữ V, biểu hiện của sự chiến thắng. Ông mỉm cười rồi nhắc: “SEA Games sắp vào cuộc...”. Trông ông thật bình thản trước khi lèo lái con thuyền bóng đá VN vượt qua “biển lửa” SEA Games 22!

DUY BÌNH - SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên