24/12/2003 06:03 GMT+7

Giáng sinh - mùa của những "cascadeur"

TRUNG HIẾU (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)
TRUNG HIẾU (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)

TT - Những ngày cuối năm, sinh viên ta bận rộn hơn bao giờ hết, “cày” để thi học kỳ và cơ hội việc làm luôn luôn rộng mở. Trong các cửa hiệu, trên các con đường đã xuất hiện đây đó bóng dáng những “diễn viên đóng thế chuyên nghiệp” mà chúng tôi gọi họ là những “cascadeur” - những “cát”.

Erv6b1Rj.jpgPhóng to
Nhóm SV hai Trường ĐHDL Văn Hiến và Hùng Vương chuẩn bị quà đi giao trong chương trình giao quà tại nhà của ông già Noel do Công ty dã ngoại Lửa Việt tổ chức - Ảnh: Thanh Đạm
TT - Những ngày cuối năm, sinh viên ta bận rộn hơn bao giờ hết, “cày” để thi học kỳ và cơ hội việc làm luôn luôn rộng mở. Trong các cửa hiệu, trên các con đường đã xuất hiện đây đó bóng dáng những “diễn viên đóng thế chuyên nghiệp” mà chúng tôi gọi họ là những “cascadeur” - những “cát”.

Nhận diện "cát"

Theo chân một “cát” vào quán cafe vườn số 203 trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM), tôi không khỏi bất ngờ vì không khí sôi nổi ở đây. Khoảng 30 người ngồi quanh một dãy bàn dài đang thảo luận một vấn đề gì đó khá quan trọng. Hầu hết họ đều là sinh viên các trường ĐH Bách khoa, Kinh tế, Tự nhiên, Nhân văn...

Chủ trì cuộc họp là một người đàn ông khá trẻ tên Tài. Anh là chủ của một loạt shop lưu niệm nằm rải rác trên đường Cách Mạng Tháng Tám và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khi Noel đang dần đến cũng chính là lúc các shop bán hàng lưu niệm hoạt động hết công suất. Để khuếch trương thanh thế cửa hiệu và bán chạy hàng trong dịp lễ Giáng sinh, anh Tài cần một đội ngũ “cát” chuyên đóng vai ông già Noel.

Nhiệm vụ của các “cát” là đứng bán hàng, phát quà hay giao quà tận nơi cho những ai mua hàng với số lượng tương đối nhiều. Theo anh Tài, rút kinh nghiệm của những năm trước, gần đến lễ Giáng sinh khách hàng đặt mua quá đông, số lượng nhiều trong khi số lượng “cát” không đủ giao nên năm nay anh phải tổ chức một đội ngũ “cát” quy mô, bài bản hơn.

Mùa Giáng sinh năm nay, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM, nhu cầu mua và tặng quà trong ngày lễ phải cần tới dịch vụ “cascadeur” khá nhiều. Dạo qua các trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Cách Mạng Tháng Tám hay đường Ba Tháng Hai, sinh viên có thể thoải mái kiếm cho mình một vai “cát”.

Ngay Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của Hội Sinh viên thành phố cũng đang giới thiệu một số lượng “cát” khá lớn cho sinh viên nhân dịp này. Tiêu chuẩn để trở thành một “cascadeur” khá dễ dàng: nam, cao trên 1,65m, hoạt bát, nhanh nhẹn... Cũng có khi dựa vào đặc thù của công việc, một số dịch vụ còn tuyển cả “bà già Noel”. “Catsê” sàn dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/ngày. Ngoài ra, tùy theo khối lượng công việc của từng “cát” làm nhiều hay ít sẽ được bồi dưỡng thêm.

Vui buồn chuyện “cat”

p93iBon9.jpgPhóng to
Một nhận xét chung của những ai đã từng trải qua “đời cát” là nghề này vất vả, phải chịu nhiều áp lực (tuy thời gian làm việc rất ngắn) nhưng cực kỳ vui và không ít chuyện để đời. Hải (ĐH KHXH & NV), đã trải qua ba mùa kinh nghiệm, tâm sự cho những ai mới vào nghề: “Làm công việc này bạn không chỉ là một tay lái lụa (vì vừa chạy xe vừa ôm quà trong giờ cao điểm) mà còn phải thông thạo địa hình, khu vực mình giao quà, nếu không có lúc bạn phải mò kim đáy bể”.

Năm đầu tiên đi giao quà cho khách, có những địa chỉ Hải phải “lục lọi” trong hơn một tiếng đồng hồ mới tìm ra. Năm nay Hải phải bỏ ra ít nhất một buổi để “trinh sát” khu vực mình được giao. Như thế sẽ đỡ tốn sức, hao... xăng. Chưa hết, để hoàn thành tốt vai diễn này, mỗi người phải khoác lên mình một bộ đồng phục khá dày (phù hợp với xứ lạnh) để trông giống ông già Noel hơn. Chỉ tội “cát”, ngoài mặt thì tươi cười mà bên trong mồ hôi “khóc thầm” như... tắm.

Giống như diễn viên đóng thế trong một bộ phim hành động, đôi khi kịch bản một đường nhưng diễn viên diễn xuất một nẻo. Trường hợp đó gọi là tai nạn nghề nghiệp. Giới trong nghề còn truyền tụng “giai thoại” của một “cát” thuộc ĐH Kinh tế.

Khi đem quà đến giao, đúng lúc chủ nhà có tiệc. Đang vui, mọi người trong đại gia đình ai cũng đòi chúc ông già Noel một ly. “Bỏ thì thương, vương thì... xỉn”, chối không đành, “cát” làm tù tì gần cả... nửa chai rượu nhãn hiệu “Ông già chống gậy”. Hậu quả là “ông già...” phải đón Noel tại tư gia của khách hàng trong tình trạng li bì.

Sau trận ấy “cát” ta cạch tới già, thộn mình mỗi khi nghe nhắc đến từ cascadeur. Sinh (ĐH Khoa học tự nhiên) còn nhớ một kỷ niệm trong đời khi làm “cát”. Có lần vì chủ quan, Sinh giao lầm một phần quà từ quận 3 sang mãi tận Gò Vấp, đến nơi mở quà ra thì hỡi ôi. Thế là đành đứng chịu trận, vừa “quê” lại phải vừa rối rít xin lỗi khách hàng.

Cũng đôi khi rơi vào những trường hợp tiến thoái lưỡng nan. Đứa con của chủ nhà nhìn thấy ông già Noel bỗng khóc toáng lên, mặt xanh lè. Thì ra để tạo thêm sinh động cho khuôn mặt mình, có “cát” đeo thêm một mặt nạ trông hơi bị “kinh dị”, mà trong tiềm thức của trẻ thơ đã là ông già Noel thì râu tóc phải bạc phơ với khuôn mặt hết sức đáng yêu, hiền từ, đằng này...

Tuy nhiên, những câu chuyện trên chỉ là những trường hợp hết sức hi hữu. Làm ông già Noel, bạn chỉ có được chứ không mất bao giờ. Trên đời này thử hỏi ai mà không thích ông già Noel đến thăm với quà tặng trên tay, ban những điều tốt lành?

Đôi khi bạn thấy mình là người hạnh phúc bởi đã đem lại niềm vui cho mọi người, nuôi dưỡng, nâng niu một niềm tin tốt lành cho trẻ nhỏ. Và qua mùa Giáng sinh, những “cascadeur” sinh viên sẽ kiếm được một số tiền kha khá do chính công sức của mình bỏ ra để trang trải cuộc sống, học tập.

TRUNG HIẾU (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên