15/12/2003 06:01 GMT+7

Cuộc trình làng văn chương VN ở Mỹ

CAM LY
CAM LY

TT - Trong ngày 7-12, nhật báo Los Angeles Times công bố danh sách 50 quyển sách hay nhất trong năm 2003 tại Mỹ. Số đỏ của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng (bản dịch tiếng Anh có tựa Dumb luck) nằm trong danh sách này.

TiclevkX.jpgPhóng to
Bản dịch Số đỏ xuất bản tại Mỹ
TT - Trong ngày 7-12, nhật báo Los Angeles Times công bố danh sách 50 quyển sách hay nhất trong năm 2003 tại Mỹ.Số đỏ của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng (bản dịch tiếng Anh có tựa Dumb luck) nằm trong danh sách này.

Số đỏ do Nhà xuất bản University of Michigan Press phát hành vào tháng 6-2002 tại Mỹ, được đưa vào danh mục các tác phẩm văn học kinh điển VN tại các giảng đường đại học trên toàn nước Mỹ.

Vợ chồng giáo sư sử học Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm, hai dịch giả của tiểu thuyết này, là những người hâm mộ phong cách văn chương của Vũ Trọng Phụng. Giáo sư Zinoman được đọc cuốn sách đầu tiên của Vũ Trọng Phụng từ năm 1989 khi làm đề tài tiến sĩ tại Hà Nội. Theo ông Zinoman, những quan điểm về công bằng xã hội là điểm nổi bật thu hút sự chú ý của ông đối với các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, ông so sánh nhà văn VN này với tác giả George Orwell của Anh.

gVYzxBOQ.jpgPhóng to
Bản dịch tuyển tập Bánh chưng bánh dày
Tại Mỹ, ngày càng nhiều các tác phẩm văn chương VN được dịch và giới thiệu với công chúng Mỹ trong vài năm gần đây. Mới đây, tuyển tập Sự tích bánh chưng bánh dày - những chuyện dân gian VN (bản tiếng Anh có tựa Two cakes fit for a king: folktales from Vietnam) cũng được xuất bản và giới thiệu trong các trường đại học có giảng dạy ngành VN học.

Sự tích bánh chưng bánh dày bao gồm 10 truyện dân gian VN trong đó có Thạch Sanh, Sự tích đảo dưa hấu, Sự tích Thánh Gióng, Chuyện bà chúa Liễu Hạnh..., do University of Hawaii Press phát hành tháng 8-2003. Các trang web giới thiệu sách cho biết đây là “một tập hợp duyên dáng những giá trị truyền thống và niềm tin mãnh liệt của người VN”.

Theo James Borton của tạp chí Asia Times, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nền văn học VN qua nhiều thời kỳ đã trở nên ngày càng quen thuộc đối với độc giả phương Tây. Với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa - thông tin VN, các nhà xuất bản phương Tây trong những năm gần đây bắt đầu tìm kiếm để nhập khẩu các đầu sách VN và phối hợp với các dịch giả tên tuổi như Dana Sachs, Wayne Karlin, Nina Mc Pherson... để dịch và xuất bản các tác phẩm này.

Tại Mỹ, hai nhà xuất bản thuộc Đại học Massachusetts và Curbstone Press đang đi đầu trong việc tìm kiếm và giới thiệu văn chương VN với công chúng nước mình.

aN98L3QL.jpgPhóng to
Bìa sách Chảy đi sông ơi
Các tác phẩm VN cũng đã có mặt trong danh sách “tác phẩm được nhà xuất bản giới thiệu” (dành cho những cuốn sách có chất lượng cao và được độc giả yêu thích). Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp (tựa tiếng Anh Crossing the river do Nhà xuất bản Curbstone Press phát hành) được giới thiệu trên trang web sách nổi tiếng amazon.com là một ví dụ. Cuốn sách này sẽ được phát hành tháng 2-2004 nhưng hiện nay đã được giới thiệu để người mua đặt trước.

Các nhà giới thiệu sách VN cho biết điểm thu hút nhất của các tác phẩm VN được dịch ra tiếng Anh là tính cổ truyền và những điển tích được lồng ghép nhuần nhuyễn vào bối cảnh đương đại, hoặc ngược lại, những câu chuyện cổ xưa được sử dụng như những ẩn dụ cho thời đại ngày nay. “Chừng nào con người còn tin vào điều này - chuyện ngày xưa gìn giữ cho ta những giá trị vững bền về gia đình và lý tưởng, và là cách để kết nối hôm nay với hôm qua - những áng văn chương VN sẽ còn được trình làng cho người đọc toàn cầu, bởi ngày nay đó là điều mà chúng ta tìm kiếm” - James Borton nhận định.

CAM LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên