Khi bộ phim điện ảnh Mẹ chồng ra mắt năm 2016, vai diễn Ba Trân của Thanh Hằng đã khắc họa thành công và đầy ám ảnh về thân phận người phụ nữ ở chế độ phong kiến đặt nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhất là kiếp làm dâu.
Và để mình không phải “nhìn mặt người khác mà sống” thì người phụ nữ buộc phải biết cách trở mình, đánh đổi bằng đớn đau, cay đắng, tủi nhục, nước mắt, thậm chí cả máu…
Dựa trên thành công và câu chuyện có nhiều đất khai thác đó, Thanh Hằng cùng biên kịch Kim đã cho ra mắt tiểu thuyết Mẹ chồng.
Cuốn tiểu thuyết với văn phong đậm chất miền Tây Nam bộ, lối kể chuyện chậm rãi, điềm tĩnh như đưa người đọc trở thành nhân chứng, chứng kiến từng biến cố của gia đình Hội đồng Lịnh; đồng thời là sự thay đổi của người con gái tên Ba Trân xinh đẹp, ngoan hiền thành người con dâu, mẹ chồng hà khắc và không kém phần độc đoán ở vùng đất Đại Điền.
Và lớp thế hệ làm dâu tiếp theo: Tư Thì, Tuyết Mai… tiếp tục theo lề lối truyền thống, ăn đời ở kiếp với người chồng chưa một lần gặp mặt, phụng sự cho nhà chồng, sinh con nối dõi và tìm cách thoát khỏi cuộc sống chỉ có thể cúi đầu dạ, thưa, không có hạnh phúc, tự do cho riêng mình.
Nhiều năm qua, Thanh Hằng là cái tên đại diện cho nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình với công việc nghệ thuật. Mỗi dự án Thanh Hằng tham gia đều có sự chọn lọc, màu sắc mới mẻ và mang lại không ít thành công.
Tiểu thuyết Mẹ chồng là tác phẩm chuyển thể đầu tiên từ phim ra sách. Và cũng là lần đầu tiên Thanh Hằng thử sức với vai trò Art Creatior, người đỡ đầu cho những sản phẩm nghệ thuật mới mẻ.
Với tiểu thuyết Mẹ chồng, độc giả có nhiều thời gian hơn để đi sâu vào tâm lý từng nhân vật, điều mà ở bản phim điện ảnh chưa thể kể hết. Với mạch kể chuyện chậm nhưng chắc chắn, đi sâu vào khai thác diễn biến nội tâm nhân vật, có thể khiến nhiều độc giả trẻ e dè khi lần đầu tiếp cận, nhưng khi đã bị cuốn vào câu chuyện thì khó có thể dứt ra được.
Thanh Hằng chia sẻ: “Tôi bị ám ảnh bởi những con chữ có sức mạnh thực sự lớn, bị ám ảnh bởi chính trí tưởng tượng của mình. Trong văn học, không chỉ thị giác mà tất cả các giác quan của bạn đều mở ra dưới sự dẫn dắt của con chữ và trí tưởng tượng không giới hạn của chính bạn”.
Cô cũng cho biết thêm về sự may mắn của mình khi tiểu thuyết được chính người viết kịch bản phim Mẹ chồng - biên kịch Kim chắp bút. Cả hai đã mất hơn 6 tháng để hoàn thiện tác phẩm và hi vọng độc giả sẽ ủng hộ tiểu thuyết như đã từng yêu thương phim điện ảnh trước đó.
Tiểu thuyết Mẹ chồng dài 236 trang được đánh giá đã đủ “thời lượng” để làm nổi bật lên sự bể dâu của từng cuộc đời nhân vật trong gia đình Hội đồng Lịnh bằng những câu chữ không kém phần sâu cay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận