1- Tôi bị viêm mũi dị ứng mạn tính, liệu đây có phải là “bệnh nền” tăng nguy cơ Covid-19 không ạ?
-Cảm/cúm/dị ứng, chỉ giông giống khoản triệu chứng, còn cơ bản hồn ai nấy giữ. Cảm/cúm do virus, còn dị ứng là cú làm mình làm mẩy của miễn dịch/histamin. Có quan ngại, không may “lưỡng đầu thọ địch”, sức đề kháng dở việc với dị ứng, sẽ kém tinh nhuệ đi với virus. Tuy thế, đừng lo, khả năng này cực thấp.
2- Nghe nói người đã khỏi corona vẫn có thể tái nhiễm. Covid-19 quả là lợi hại?
-Nhiễm rồi nhiễm lại, cần hiểu theo nghĩa miễn dịch thu được sau khỏi bệnh-dài hay ngắn, không có chuyện tuần trước ra viện, tuần sau vào cách ly season 2! Tựu trung, miễn dịch có loại suốt đời, có loại hữu hạn, có loại phải nhắc mới nhớ (tương tự mũi tiêm nhắc của trẻ con). Chưa xác thực, giả sử EXP của Covid-19 là hai năm, thì sau 24 tháng, thậm chí trước đó -nếu kháng thể không đủ “đô”, thì cố nhân tao ngộ là có thể.
3-Có tờ báo khuyên không ăn ngọt vào mùa cúm, vì làm giảm sức đề kháng. Với corona thì sao ạ ?
-Không rõ đồ ngọt ghè chân hệ miễn dịch thế nào, nhưng từ lâu, đường được biết sẽ khiến viêm nhiễm diễn biến phức tạp hơn. Tai biến bàn chân /tiểu đường, là minh họa đáng sợ của sự ngọt ngào! Với Covid-19, bất kể có “mật ngọt chết ruồi” không, cũng chẳng có giá trị lâm sàng nhiều, cho nên, hảo thì cứ ngọt.
4- Nghe hội bà tám kháo là không nên chơi thể thao trong mùa dịch. Có trái “chủ trương chính sách” không, thể thao tăng miễn dịch sao lại né ạ?
-Thứ cần né, theo kiến giải có kiêng có lành, là chơi thể thao phải ...thở hồng hộc, làm tăng khả năng “sang tay” corona. Chẳng mấy hảo thủ xỏ giày ra sân chịu đeo khẩu trang. Chơi thể thao có đội nhà, đội khách, trọng tài, khán giả- một đám đông cùng thở gấp, reo hò sát sạt nhau. Nói vậy, không phải chống chỉ định gì ghê gớm, thích thì nhích thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận