● Nghe nói người bị điện giật dễ “die” nhưng không biết ra làm sao?
Dòng điện hạ độc thủ qua hai đòn chính là nhiệt/bỏng và rối loạn sinh hóa bên trong. Nhiệt gây bỏng, từ da lần vào, có khi cháy đen bộ đồ lòng. Trong tay dòng điện, nội tạng rơi vào biến loạn, tan tác nhất ở tim (loạn nhịp, ngưng tim), rồi đến hô hấp, tuần hoàn, cơ xương... Tử vong đủ kiểu, chủ yếu phần số gửi gắm ở tim. Điện giật có rung thất thường khó qua khỏi.
● Cùng điện giật, sao có người chỉ tê tê, có người cứu không kịp?
Mệnh phần tùy vào hàng loạt thứ: điện một chiều hay xoay chiều, chỉ số dòng điện (Volt, mA, Hz), điện trở cơ thể, thời gian điện qua người, đường đi của dòng điện... Đa phần may rủi, nhưng một ít cũng có nhờ ông bà độ, chẳng hạn nhiều người có điện trở cơ thể cao hơn thiên hạ.
● Nghe nói ai... da dày khỏi lo điện giật?
Điện phải bước qua xác da để vào trong, ai cao số có lớp da dày, điện trở cao, mười cũng bớt đặng năm, sáu. Điện trở da giật cấp theo giới tính, tuổi tác, mập ốm. Dị nhân có lớp sừng da đặc dị, còn chấp luôn điện cao thế. Vô chừng, chỉ cần da ngấm nước (mắc mưa, tắm táp, mồ hôi) là điện trở lại bị đánh tụt. Da dày xu hướng biến điện thành nhiệt cao, lại khổ khoản cháy, bỏng, hoại tử hơn người khác.
● Nghe thông tin lạ về “ngưỡng buông” trong điện giật. Nghĩa là ai mạnh tay buông kịp thì sống?
Ph.Nguyễn (TP.HCM)
Điện một chiều đẩy, trong khi điện xoay chiều lại có xu hướng hút chặt, gọi là “vòng ôm thần chết!”. Thời gian tiếp xúc là tham số sống còn. Càng buông nhanh khỏi “vòng ôm” chết chóc, càng có cơ hội sống. Ngưỡng buông là chỉ số dòng điện cho phép cơ bắp còn giãn được, để “rút” tay khỏi nguồn. Nhờ điện “đẩy” ra cứu mạng, không liên quan mạnh tay yếu chân. 3-5 mA là ngưỡng buông của trẻ con, 6-10 mA của người lớn.
● Nghe nói, còn tùy điện truyền qua chân hay tay, mà tính chuyện còn mất?
Ng.Cường (Bình Phước)
Đường đi dòng điện cũng được ngồi chiếu phán chuyện tính mạng, cơ bản là tránh được đường qua tim hay không. Điện xu hướng truyền theo trục đứng, nên từ chân qua chân là nhẹ nhất, còn từ tay qua chân hay đầu qua chân là nguy nhất.
● Có người bị điện giật sống được, nhưng liệt nằm một chỗ?
M.Kiên (TP.HCM)
Bị điện “bắn” ra, có thể làm nạn nhân té ngã, chấn thương. Nhiều người chết ngạt vì sấp mặt vào vũng nước, ao hồ. Có người, điện chỉ trổ vết bỏng bằng ngón tay út ngoài da nhưng bên trong nát nhè. Có người xuất viện, tuần sau thập tử nhất sinh vì hoại tử tạng, đột quỵ do cục máu đông muộn... Những ví dụ về sự tai quái, khó lường của tai nạn điện.
● Cứu người bị điện giật mà hấp tấp thì chính mình mang họa?
Cứu người bị nạn, trước tiên an toàn... cho “Lục Vân Tiên” trước. Chưa ngắt nguồn mà cứ bất bằng chẳng tha xông vào, chuyện ra sao ai cũng rõ. Dùng vật cách điện để “ngắt” điện, nhưng có anh cởi dây nịt mà quên phần đầu kim loại, có cô cởi áo khoác mà không nhớ nó... sũng nước mưa, mồ hôi đầm đìa...
● Còn cả việc mạnh tay đưa người vào viện gây tàn phế suốt đời?
Như đã kể, nạn nhân có thể gặp chấn thương do buông tay gấp khỏi dòng điện, có khi nặng như cột sống. Chăm vào cứu điện, xê dịch, giằng xóc, hà hơi thổi ngạt mặc tình, mà quên nhẹ tay với quý “thương binh” tai to mặt lớn, làm tổn thương tủy sống, có cơ nằm một chỗ cả đời...
● Cấp cứu người điện giật?
Mở màn tập là khâu an toàn. Ngắt cầu dao, tách điện khỏi nạn nhân (gậy, sào cách điện, găng cao su, quấn bao nilông, giày dép khô, đứng trên tấm ván cách điện, khô...). Hiệp 2 tập trung vào người bị hại, đưa người khỏi vùng nguy hiểm, ủ ấm, thăm chừng hô hấp (áp tai nghe thở, xem lồng ngực...) và tim mạch (nhịp tim, mạch tay, cổ) , có biến phải hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực. Không quên kiểm tra chấn thương thứ phát. Chờ nhân viên y tế đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận