Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thì hà rầm, nhưng Tịt Tuốt xin điểm sơ sơ mấy cái để bà con ta biết mà phòng tránh:
Thực phẩm bị nhiễm khuẩn
Đầu bảng là nhiễm vi khuẩn salmonella. Vi khuẩn salmonella thường có trong thực phẩm không được nấu chín đến từ động vật, như trứng, sản phẩm trứng, thịt, thực phẩm từ thịt, gia cầm, sữa không được khử trùng và các sản phẩm sữa khác không được khử trùng.
Tuy nhiên, việc nấu chín và chế biến thức ăn sẽ giết chết vi khuẩn. Salmonella sống được trong tất cả các loại thực phẩm, và chỉ cần người chế biến không rửa tay sạch đã có thể lây nhiễm cho người khác. Vì thế thực phẩm đường phố là nguồn lây nhiễm không nhỏ.
Kế đến là E. coli (Escherichia coli). Đây là tên gọi chung của một dòng họ vi khuẩn. Chúng sống trong ruột con người. Đa số những con vi trùng thuộc họ E. Coli này thường vô hại và còn giúp cho chúng ta hấp thu được vài loại vitamin nữa.
Nhưng trong số chúng, vài loại có thể gây ra chứng ngộ độc do thức ăn, nhiều khi có thể nguy hiểm chết người. Đó là bệnh do con E. Coli O157:H7, gây ra tiêu chảy phân lẫn máu rất nặng, làm suy thận và tử vong. Chúng có mặt trong nước uống, thực phẩm (thịt, rau bị nhiễm). Chúng ta ăn vô, chúng phá huỷ niêm mạc ruột gây chảy máu, chỉ cần đi cầu ngày 10 lần với người già và trẻ em vừa mất nước vừa mất máu, là dễ dàng đi vào cửa tử.
Vi khuẩn Staphylococcus Aureus (tự cầu trùng vàng) hiện diện trong các món ăn làm bằng tay, người chế biến thực phẩm không rửa tay sạch. Chúng tiết ra độc tố gây ngộ độc cho người ăn.
Khi ăn phải thực phẩm có chứa các độc tố này, sau 30’- 6h (phụ thuộc vào cá thể người bệnh) từ lúc ăn người bị ngộ độc có triệu chứng đau quặn, tiêu chảy, nôn mửa kéo dài từ 6 – 8h, kiệt sức, đau đầu toát mồ hôi, bủn rủn tay chân.
Sau 24 – 72 h thải độc, nạn nhân không chết nhưng mệt mỏi còn kéo dài hàng tuần sau. Độc tố này rất bền với nhiệt, lạnh nó vẫn không sao, nếu bạn nấu sôi 100 độ trong 30 phút vẫn còn khả năng gây bệnh. Các loại thực phẩm như Jambon, kem, các loại thuỷ sản, thực phẩm đóng hộp thường hay nhiễm loại tụ cầu này.
Vi khuẩn Listeria có trong giò, chả, phô-mai, để trong tủ lạnh chúng vẫn sống khỏe. Điều nguy hại là Listeria có thể gây nhiễm trùng cho thai nhi, gây sẩy thai.
Thực phẩm nhiễm hoá chất
Món măng chua là loại thực phẩm được các bà nội trợ ưu ái. Tuy nhiên khi ăn vào ruột nó sẽ kết hợp với một số enzym tạo thành acid cyanhydric gây ngộ độc. Chí ít thì bà con mình kêu ăn măng nhức mình, đau đầu là vì vậy.
Solamin và Chaconin trong khoai tây mọc mầm hay vỏ đã chuyển màu xanh là hai thủ phạm gây ngộ độc khi bạn ăn nhiều.
Aflatoxin là độc tố do nấm Aspergillus Flavus và Aspergillus Parasiticus sản sinh ra trong bắp, đậu phộng mốc rất độc và có thể gây ung thư gan.
Dù được cảnh báo nhưng thịt cóc, cá nóc chứa tetradotoxin vẫn thỉnh thoảng có người tử vong vì chúng.
Rồi formol trong bún, hàn the trong giò chả đều tác động vào cơ thể mà gây hại cho sức khoẻ.
Chưa kể dư lượng thuốc trừ sâu còn tồn đọng trong rau, củ, quả, những hoá chất biến thịt thối thành thịt tươi mà bà con mình cứ tiếp tay cho bên kia biên giới mang về đầu độc nhau...
Làm sao phòng tránh?
Trong cái mớ bòng bong này, muốn phòng tránh quả thật là khó bởi nguồn cung ô nhiễm được phù phép, người chế biến lại dùng gia vị đánh lừa khứu giác, vị giác của chúng ta. Vì vậy phải có sự phối hợp đồng bộ của những người “gác cửa”, nhà quản lý, người buôn bán và các bà nội trợ mới mong giải quyết được vấn nạn ngộ độc thực phẩm hiện nay.
Các bà nội trợ ‘tự cứu” bằng cách chỉ mua thực phẩm tươi sống ở những cửa hàng có uy tín. Nước uống nên đun để tiệt trùng, rau rửa nhiều lần, ngâm nước muối 0,9% rồi mới nấu, cá đang bơi, tôm đang nhảy, gà còn sống….theo nguyên lý ăn ít mà sạch.
Ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng tức thời, mà còn gây nguy hại lâu dài đến cả thế hệ mai sau. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, xin đừng ráng ăn những thực phẩm để lâu ngày trong tủ lạnh (đặc biệt sau tết) bởi đó cũng là những món nguy cơ ngộ độc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận