TẬN DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐỂ “SĂN MỒI”
Trong vài năm gần đây, ở Nhật Bản từng xảy ra nhiều vụ người hâm mộ tấn công các ngôi sao nhạc pop nữ. Mới nhất, vào năm 2016, ca sĩ Mayu Tomita đã bị bỏ rơi trong tình trạng nguy kịch, sau khi bị fan cuồng đâm liên tiếp trong lúc cô đang chờ biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở Tokyo.
Tuy vậy, khi gã Hibiki Sato, 26 tuổi, bị bắt vào ngày 17-9-2019 do đã tấn công một cô ca sĩ thuộc hàng “thần tượng Nhật Bản”, đó mới là cơn chấn động với dư luận cả ở Nhật Bản và thế giới. Gã đã rình rập, bám theo cô ca sĩ ấy về nhà cô, rồi đột nhập vào nhà, nhảy lên người cô từ phía sau, mò mẫm và gây thương tích cho cô, theo những thông tin hạn chế do cảnh sát Nhật Bản cung cấp.
Tính chất chấn động của vụ nầy không hẳn do màn tấn công tình dục nọ, mà do cách Hibiki Sato đã tìm ra vị trí “con mồi” của hắn qua... hình phản chiếu trong mắt cô!
Hôm 10-10 vừa qua, Hãng tin BBC đã dẫn nguồn từ Đài truyền hình Nhật Bản NHK cùng các báo, đài địa phương, cho biết: Hibiki Sato đã liên tục tìm kiếm những bức hình selfie của cô ca sĩ thần tượng nọ, do cô chia sẻ vô tư trên mạng xã hội. Khi gặp được một bức hình như ý, hắn đã phóng thật lớn bức hình selfie ấy của cô để nhìn rõ quang cảnh ga xe lửa phản chiếu trong mắt cô, rồi sử dụng công cụ Google Street View để tìm ra tên và định vị được ga ấy ở đâu.
Rồi hắn kiên nhẫn, âm thầm chực chờ ở ga, cho tới lúc gặp được thần tượng của mình rồi bám theo cô về tận nhà cô vào đêm 1-9, đột nhập vô nhà và giở trò đồi bại với cô.
Hibiki Sato cũng khai với cảnh sát rằng hắn còn dầy công nghiên cứu những video mà cô ca sĩ quay ngay ở căn hộ cô đang sống, quan sát kỹ từ hướng ánh sáng ngoài trời chiếu qua cửa sổ, cho tới các rèm cửa... để cố gắng xác định căn hộ nằm ở tầng nào.
Vụ tấn công này làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ khôn lường có thể xảy ra với mọi người, bắt nguồn từ những bức hình chụp với độ phân giải cao đang được thiên hạ chia sẻ vô tư và thoải mái trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
“Những hình ảnh chất lượng cao khiến việc xác định các chi tiết trong hình trở nên dễ dàng hơn, và có thể giúp cả cho việc định vị nhờ sự hỗ trợ của các dịch vụ như Google Street View” - ông Eliot Higgins, nhà sáng lập trang web điều tra Bellingcat, một trong những nhà tiên phong về kỹ thuật điều tra online, phân tích - “Ngay những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể tiết lộ rất nhiều thông tin về nơi một bức hình được chụp, và thông tin về những người có trong bức hình. Do đó, đừng bao giờ chia sẻ trên mạng những bức hình mà bạn không muốn sếp mình, vợ hay chồng mình, và cả những kẻ thù tồi tệ nhất của mình trông thấy”.
“Những hình chụp có độ phân giải cao trên điện thoại thông minh đã làm tăng nguy cơ cho việc vô tình làm rò rỉ những thông tin cá nhân, dẫn tới nguy cơ gia tăng nạn rình mò trên mạng” - giáo sư Shuichiro Hoshi tại Đại học Tokyo Metropolitan, chuyên gia về các rủi ro trên mạng xã hội, lưu ý.
RỦI RO MỚI: KHOE… VÂN TAY QUA HÌNH SELFIE
Selfie với dấu hòa bình vẫn còn là trend bên Nhật Bản (Japan Today).Dấu hiệu chữ V vẫn rất phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là trong giới trẻ, được gọi là “pīsu sain” (tức dấu hiệu hòa bình, trong tiếng Nhật), hay gọi đơn giản là “pīsu” (hòa bình).
Hơn hai năm trước, vào ngày 9-1-2017, nhật báo kinh tế Shankei Shimbun của Nhật Bản đã đăng bài cảnh báo: qua nhiều thí nghiệm, Viện Tin học Quốc gia (NII) của Nhật Bản phát hiện rằng kẻ gian có thể đọc và đánh cắp dấu vân tay của mọi người qua những bức hình được chụp với các máy ảnh và cả các camera chất lượng cao trong điện thoại thông minh.
“Dấu vân tay có thể dễ dàng được tạo lại từ những bức hình chụp cách xa tới 3m, miễn là ánh sáng đủ mạnh nơi ngón trỏ và ngón giữa của người đang làm dấu hiệu hòa bình (ký hiệu chữ V) trong ảnh” - giáo sư Isao Echizen, phó tổng giám đốc NII nói với báo Sankei Shimbun và Đài truyền hình Yomiuri TV.
3m là khoảng cách xa hơn một cánh tay dang ra của một người cao nhất trên thế giới. Nghĩa là, nếu con người cao kỷ lục ấy mà cầm điện thoại thông minh tự chụp hình mình đang giơ hai ngón tay làm dấu chữ V trước ống kính điện thoại, thì bọn tin tặc có thể đánh cắp dấu vân tay của người ấy ngay trong hình selfie của chàng hay của nàng ta.
Trước đây, trong các loạt phim truyền hình trinh thám ăn khách “CSI” (tên gọi tắt tiếng Anh của Đội điều tra hiện trường vụ án) của Mỹ, thỉnh thoảng có cảnh trích bản ghi từ camera an ninh để phóng lớn cả trăm lần, hòng tìm ra hình ảnh của thủ phạm.
Tới nay, ngay ở nước Mỹ vẫn có không ít người xem loạt phim CSI mà vẫn thắc mắc, thậm chí tỏ ra... hoài nghi về khả năng thật sự của kỹ thuật phóng lớn và tăng cường độ phân giải hình ảnh đó, ở ngoài đời thật thay vì trong phim vẫn tận dụng các... kỹ xảo điện ảnh rôm rả.
Những người ấy không ngờ rằng, thậm chí từ trên không gian, các vệ tinh gián điệp có thể tìm kiếm và phóng lớn khuôn mặt của một người đang ở một nơi nào đó trên Trái đất, đủ tốt để nhận dạng được đối tượng. Thậm chí ngay từ hồi những năm 1970, từ không gian mà loại vệ tinh nọ đã có thể “đọc” được chiếc đồng hồ mà bạn đang đeo trên cổ tay. Dĩ nhiên, các công nghệ đó vượt xa kỹ thuật tăng cường hình ảnh độ phân giải thấp, và hoàn toàn nằm ngoài tầm với của dân thường.
Những người hoài nghi nọ hẳn sẽ còn thấy choáng váng hơn nữa, nếu họ nghe được lời khẳng định của giáo sư Isao Echizen, rằng: “Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng sao chép dấu vân tay từ những bức hình chụp selfie mà không cần tới công nghệ tiên tiến!”.
Bên cạnh dấu vân tay, kiểu xác thực thông tin sinh trắc học (như khuôn mặt, tròng mắt, vốn khác nhau giữa mọi người) vẫn được dùng để đăng nhập của một số loại điện thoại thông minh, và trong cả cách kiểm soát ra / vào cửa ở nhiều tổ chức hành chính. Nhưng hiện nay, nhiều thông tin sinh trắc học lại trở nên... có sẵn trên Internet, do người dùng hay do ai khác đăng lên, càng làm giảm đáng kể những rào cản trước giờ với bọn tội phạm.
Việc đăng lên mạng những bức hình selfie, trong đó có cùng lúc khuôn mặt và bàn tay của bạn, có thể làm lộ dấu vân tay của bạn, cho phép tin tặc đánh cắp dữ liệu sinh trắc, từ đó đánh cắp cả danh tính của bạn. Nhờ đó, tin tặc có thể sử dụng dấu vân tay “chôm” được để qua mặt các hệ thống sinh trắc học, xâm nhập điện thoại thông minh, bảo mật các tòa nhà và thực hiện các giao dịch khác, nhân danh... nạn nhân của chúng.
“Chúng ta để lại dấu vân tay mọi lúc mọi nơi, trên mọi thứ chúng ta chạm tay vào. Nay, chúng ta còn vô tình làm lộ các dữ liệu sinh trắc học của mình qua những bức hình selfie và clip video đăng lên các mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè và gia đình. Phần lớn thông tin sinh trắc học ấy có thể bị những kẻ lừa đảo săn tìm” - chuyên gia Robert Capps, từ Công ty bảo mật sinh trắc học NuData Security nói - “Một khi dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp và bán lại trên các web đen, các nạn nhân sẽ rơi vào nguy cơ bị kẻ gian truy cập không phù hợp vào tài khoản và danh tính của họ. Nguy cơ ấy sẽ tồn tại suốt đời với những nạn nhân, vì mật khẩu còn có thể thay đổi dễ dàng, song thông tin sinh trắc học, như dấu vân tay của mỗi người, lại không thể thay thế được”.
Những ai lo ngại về sự an toàn của dữ liệu cá nhân của mình thường vẫn tránh đăng những thông tin nhạy cảm (như một lá thư có địa chỉ, hoặc vé máy bay...) và nhận dạng cá nhân trên phương tiện truyền thông xã hội, để tránh bị bọn lừa đảo khai thác. Và dĩ nhiên, những người ấy chắc chắn sẽ không chia sẻ công khai mật khẩu của mình.
Tuy vậy, ngay với họ, từ nay họ cũng sẽ nghĩ lại khi chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội, sau liên tiếp những điều vừa được công bố gần đây từ Nhật Bản, để tránh bị đánh cắp dữ liệu sinh trắc học.
Đánh cắp dữ liệu vân tay theo kiểu công nghệ cao từng xảy ra hồi năm 2014. Năm đó, nhà nghiên cứu sinh trắc học Jan Krisller - thành viên của Câu lạc bộ Máy tính Chaos - đã tuyên bố tái tạo dược dấu vân tay của bà bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Đức Ursula von der Leyen, bằng cách… chụp hình ngón tay của bà từ các góc độ khác nhau.
Sau đó, Câu lạc bộ Chaos đã lừa được đầu đọc dấu vân tay của điện thoại iPhone 5S, rồi cả iPhone 6 của bà Ursula, bằng dấu vân tay giả được in trên cao su latex.
Tuy vậy, theo Jason Chaikin, chủ tịch của công ty xác minh sinh trắc học Vkansee, quá trình đó rất phức tạp, đòi hỏi nhiều bước thực hiện.
Nhưng đó là câu chuyện “thử nghiệm” hồi năm 2014, nay mọi thứ đã khác rất nhiều rồi, theo Viện Tin học Quốc gia (NII) của Nhật Bán!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận