Hôm 31-7, cảnh sát Ý đã công bố một đoạn video trích từ camera an ninh, cho thấy một khách du lịch tạo dáng chụp hình khi ngồi tựa vào đôi chân duỗi dài của bức tượng thạch cao bán khoả thân của công nương Pauline Bonaparte, đặt trong Bảo tàng Gypsotheca Antonio Canova ở Possagno, bên Ý, do đó đã làm gãy ba ngón chân của tác phẩm điêu khắc này.
Trích camera an ninh của Bảo tàng Gypsotheca Antonio Canovacho (Carabinieri Treviso / CNN).
Theo fanpage của Bảo tàng đăng trên Facebook, vị du khách đã nhờ một phụ nữ đi cùng chụp bức hình mình tạo dáng rồi rời đi, không thông báo cho Bảo tàng về sự cố. Vài phút sau, bảo vệ đã phát hiện và rung chuông báo động, theo quy trình thông báo tình trạng khẩn cấp.
Đó là bức tượng thạch cao của Pauline Bonaparte (1780 - 1825) - em gái của hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte. Bà đã kết hôn với hoàng tử Camillo Borghese của Sulmona, nên là công chúa Pháp và cũng là công nương của Sulmona, bên Ý. Tên Ý của bà là Paolina Borghese Bonaparte.
Thuở thanh xuân, vào năm 1804, bà Pauline Bonaparte từng làm mẫu cho nhà điêu khắc Ý Antonio Canova tạc tượng Thần Vệ Nữ Victrix (Venus Victrix). Sau đó, bức tượng Venus Victrix bằng đá cẩm thạch được đặt trong Phòng trưng bày Borghese ở thủ đô Rome, còn mô hình đúc thạch cao ban đầu của bà Pauline được đặt tại bảo tàng Gypsotheca Antonio Canova, ở Possagno.
Trước đây, vào năm 1917, phần đầu của bức tượng thạch cao Pauline Bonaparte từng bị hỏng, rồi được trùng tu lại vào năm 2004.
Vị du khách nọ, mang quốc tịch Áo, 50 tuổi, đã trình diện cảnh sát Ý, sau khi cảnh sát địa phương liên lạc với người phụ nữ đã ký tên thay mặt chồng và chính mình ở Bảo tàng Gypsotheca Antonio Canova. Bà đã xác nhận hành động của chồng mình, vốn đã bị camera an ninh ghi lại.
“Có thể có thêm thiệt hại cho phần đế của tác phẩm điêu khắc, vì các chuyên gia bảo tàng vẫn đang tiếp tục khảo sát cẩn thận.” - các nhà điều tra nói với Hãng tin CNN.
Theo thông cáo báo chí từ cơ quan thực thi pháp luật ở Treviso Carabinieri, vị du khách Áo đã gọi hành vi sống ảo của mình là một “hành động ngu ngốc”, và hiện đang chờ phán quyết từ tòa án ở Treviso.
“Không thể để người ấy trở về quê hương của mình mà không bị trừng phạt. Việc để lại những tổn thất cho tác phẩm điêu khắc của Canova là không thể chấp nhận được.” – ông Vittorio Sgarbi, chủ tịch Antonio Canova Foundation, đã viết vậy trên Facebook.
Nếu có các tình tiết tăng nặng trong hành vi làm gãy ngón chân của bức tượng thạch cao 200 tuổi ấy, được xếp vào loại hành vi phá hoại nghệ thuật, du khách người Áo có thể bị phạt tới 100.000 euro (khoảng 120.000 USD), và 8 năm án tù.
Lâu nay, nhiều hành vi của du khách vẫn là một trong những khía cạnh thách thức nhất đối với ngành du lịch của Ý. Hồi tháng 6 năm ngoái, thủ đô Rome đã công bố những quy định hạn chế mới đối với du khách, bao gồm việc cấm cởi trần ở nơi công cộng, gắn “ổ khóa tình yêu” trên những cây cầu, cấm uống nước từ các vòi phun nước mang tính biểu tượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận