Ngày càng có nhiều người tìm đến các trang web như Avito của Nga để tìm kiếm "một ai đó" cho cuộc trò chuyện, gặp gỡ của mình. Thông thường, sau khi nhập từ khóa "thuê bạn bè" thì hàng loạt những thông tin về "người cho thuê" sẽ xuất hiện, để lựa chọn. Theo đó, giá thuê một giờ từ 500 - 2.500 rup (khoảng 150.000 - 780.000 đồng), tùy vào đối tượng.
"Người cho thuê" sẽ làm gì?
Họ có thể trở thành một người bạn đồng hành trong một cuộc trò chuyện nào đó. Bạn có thể dẫn họ đến rạp chiếu phim hay cùng thưởng thức một bữa tiệc. Hay đơn giản chỉ là một người bên cạnh, khi cảm thấy tâm trạng trống rỗng, cô đơn.
Nhiếp ảnh gia Anastasia Dubrovina đã chụp lại chân dung của những "người cho thuê" kể từ đầu mùa hè, khi cô nhận thấy dịch vụ này trở nên "nóng sốt" hơn bao giờ hết sau cao điểm đại dịch.
Cô bắt đầu tìm hiểu và muốn biết được chính xác những "người cho thuê" sẽ làm gì với dịch vụ họ cung cấp theo giờ. Và đâu là người thích hợp nhất?
Trước đây, nữ nhiếp ảnh gia từng đọc được một bài báo về một công ty tại Nhật Bản có dịch vụ "Friends for the hour", chuyên cung ứng những người có thể "đóng giả" người thân hoặc bạn bè, vì những mục đích khác nhau. Cô tự hỏi "liệu có một dịch vụ tương tự ở Nga hay không" và nhận ra bản thân có thể tìm được những điều mình cần ngay trên Avito.
Anastasia nhớ lại: "Sau khi chuyển đến thủ đô Moscow, tôi cảm thấy cô đơn vì không có bạn bè. Thậm chí, tôi còn đón sinh nhật tuổi 30 một mình. Không dễ gì để kết bạn ở tuổi trưởng thành, khi môi trường xung quanh không phải là một trường học. Bạn bè tìm được thông qua công việc, với tôi, không phải là điều quan trọng".
Cô vẫn nhớ như in ngày tháng đó, đã cực kỳ cô đơn ở thành phố gần 15 triệu người.
"Rất nhiều người đã cảm thấy cô đơn trước khi đại dịch đến, giống như tôi. Và Coivd-19 dường như làm điều đó thêm trầm trọng hơn", Anastasia khẳng định.
Cô cho biết, những "người cho thuê" được cô chụp ảnh đều đã có thâm niên với công việc này từ 6 - 18 tháng. Họ đắt khách hơn hẳn vào dịp cuối tuần, khi dịch bệnh bùng phát.
Nhiều người tìm đến công việc này vì các lý do khác nhau. Có người xem đây là công việc part-time, để tăng thu nhập. Người thì coi đó là một cách để "hàn gắn" những tâm hồn cô đơn, giúp đỡ được người khác theo cách mà bản thân cũng được hưởng lợi. Thậm chí, số khác còn cho rằng, đây là cơ hội để cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Theo đó, chủ đề của những khách hàng cần tâm sự cũng đa dạng không tưởng khi liên quan đến hàng loạt các vấn đề như xu hướng tính dục, tự tử, quan hệ huyết thống, ăn uống hay cả kinh tế...
"Mọi người nói với tôi rằng, họ hoàn toàn có thể kể lể với bạn bè về những mối bận tâm đó, tuy nhiên họ vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với người xa lạ. Bạn bè hay người thân có thể xem đó là chuyện phiền phức, tiêu cực hoặc họ sẽ 'giảng bài', giáo điều hay trách móc", nhiếp ảnh gia giải thích lý do tại sao nhiều người tìm đến "người cho thuê".
Anastasia đưa ra nhiều phương án về việc chụp ảnh chân dung của những "người cho thuê". Mọi người đều chọn cho mình những địa điểm là các nơi sẽ diễn ra cuộc hẹn với khách hàng, có thể là quán cà phê, góc đường hoặc một chung cư nào đó.
Nữ nhiếp ảnh gia cũng ví những "người cho thuê" như bất kỳ ai bạn có thể gặp trên chuyến tàu điện: "Một người luôn biết lắng nghe, có thể nói chuyện nhưng cũng có thể không bao giờ gặp lại. Người này chẳng phán xét, không đưa ra tranh luận đúng sai".
Dự án chụp chân dung này của Anastasia đã đem lại cho cô nhiều bài học về giao tiếp giữa người với người. Cô biết thêm nhiều về các phương thức giao tiếp và áp dụng chúng vào công việc.
Như trước đây, cô thường bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách kể về bản thân, để phá vỡ "lớp băng" cản ở giữa và giúp người đối diện cảm thấy thoải mái. Còn bây giờ, cô lắng nghe nhiều hơn, không bao giờ ngắt lời từ họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận