Dị cảm - như cái tên - chỉ những cảm giác, xúc giác không bình thường như tê rần, kim châm, kiến bò, buốt lạnh, nhồn nhột… Dị cảm có thể xuất hiện thoáng qua, thường ở chi (bàn tay, cẳng tay, bàn chân, cẳng chân) đôi khi nổ ra ở những vị trí khác.
Do “đoản mạch” thần kinh
Dị cảm tạm thời, nhất là tê rần, thường do bị cái gì đó tì ép lên một đoạn thần kinh dưới da gây “đoản mạch”, khiến vùng cảm giác mất liên lạc với não bộ sinh dị cảm. Cảm giác “vô chính phủ” này sẽ biến mất khi lực tì đè không còn, khôi phục “băng thông”cho dây thần kinh. Đôi khi dị cảm xảy ra không phải do đè ép mà bị rung lắc mạnh…
Ai cũng đã trải qua ít nhất một lần tê rần, dị cảm thoáng qua trong đời và không nguy hiểm. Tuy nhiên, dị cảm kéo dài thường không liên quan đến tréo chân, gối đầu mà là do có bệnh. Chúng có thể là triệu chứng của một bệnh lý thần kinh hoặc tổn thương thần kinh nào đó.
Thiếu máu sinh “dở người”
Dị cảm kéo dài hay gặp ở người suy giảm tuần hoàn, xơ vữa thành mạch, nhất là người già. Cớ sự là do tuần hoàn giảm dẫn đến giảm cung ứng máu khiến mạng thần kinh sở tại thiếu ăn, sinh ra lơ mơ.
Dị cảm cũng có thể xuất hiện do kém dinh dưỡng, thiếu vitamin, rối loạn chuyển hoá kéo dài (tiểu đường, suy giáp, suy cận giáp…). Rốt lại, dị cảm là kiểu vận hành “dở người” của dây thần kinh do bị tì ép, kém máu nuôi hay bản thân thần kinh có bệnh.
Trừ loại tê rần do tì ép, rung lắc, những hình thức dị cảm dài hơi khác chỉ khỏi khi bệnh gốc được chữa. Chẳng hạn, với các cụ ông cụ bà, chừng nào tuần hoàn đầu các chi chưa được chấn hưng, thì các cụ vẫn còn phải chịu đựng với cảm giác kiến bò, châm chích…
Dị cảm họng, “ẩn hiện như ma”
Như đã nói, đa phần dị cảm xảy ra ở các chi nhưng có khi chúng đến quấy ở những nơi xa mút tí tè, nổi tiếng là chứng dị (loạn) cảm họng, làm ể mình cho cả bệnh nhân và thầy thuốc.
Dị cảm họng thường bén duyên bệnh nhân tai mũi họng (sau viêm họng cấp, viêm họng mạn, viêm xoang), nhưng có khi xuất hiện ở người bị rối loạn chức năng dạ dày, nội tiết, thoái hóa cột sống cổ, trầm cảm, bệnh thanh quản, viêm khớp thái dương hàm và cả tâm thần…
Bệnh nhân đi khám đều khai bệnh giống nhau: Luôn có cảm giác vương vướng trong họng như bị kẹt xương cá, gân gà, tăm xỉa, vỏ trứng hay khối u xù xì. Dị cảm chướng ngại vật này có thể xuất hiện sau bữa ăn có các “nghi phạm” trên hoặc hà rầm mỗi khi người bệnh nuốt nước bọt kiểm tra hay uống nước. Tất nhiên sau khi khám bác sĩ không tìm thấy mảnh xương hay cục u nào trong họng , bệnh nhân mới được chẩn đoán dị cảm họng.
Khi mắc phải chứng dị cảm “ma thuật” này dù sức khỏe vẫn bình thường nhưng người bệnh luôn mang tâm trạng lo âu, suy sụp, thường xuyên đưa tay vuốt xoa cổ, tằng hắng, khạc nhổ cật lực mong tống khứ của nợ ra ngoài.
Chữa gốc lẫn chữa mẹo
Điều trị dị cảm họng, ngoài toa thuốc cho bệnh gốc, các bác sĩ còn phải gánh một nhiệm vụ gian nan là hóa giải âu lo, ăn không ngon ngủ không yên về cái gì đó mắc nghẹn trong họng của bệnh nhân.
Thầy thuốc thường viện đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang họng thực quản, nội soi thanh quản đặng dễ “ba mặt một lời” thuyết phục bệnh nhân rằng vùng họng của họ vẫn thênh thang một lối. Nhiều trường hợp bác sĩ phải dùng… mẹo: Giấu sẵn mảnh xương hay cây tăm, nhân lúc làm nội soi vờ… gắp ra mảnh xương. Với bệnh nhân “cứng” thì khó dùng tiểu xảo nên có khi cần đến thuốc an thần, bác sĩ tâm lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận