Vì sao có date mở nắp? Sau “bóc tem”, thuốc bị đặt vào thế mở với khí trời, bụi mịn bụi dày, mầm bệnh, nhiệt, ẩm, UV, hồng ngoại, chưa kể mó máy, ông đi qua bà đi lại, ruồi bu kiến đậu... Tất thảy đều có cơ làm bẩn, nhiễm khuẩn, mất chất, biến chất, thậm chí biến thái thuốc trị thành thuốc độc. Ô nhiễm, sáng nắng chiều mưa, nhiều lọ thuốc lăn lóc chừng đôi ba ngày đã “má nhìn không ra” .
Biết rồi, nhưng tìm được EXP mở nắp nhiều khi đỏ con mắt. Tùy hảo tâm, có nhãn thuốc kê trong catalogue, có nhãn thả nổi.
Date mở nắp, hiển nhiên, chỉ quan trọng với thuốc đa liều, hầu hết dạng lỏng, tập trung vào thuốc bôi da, nhỏ mắt, thuốc hít, thuốc tiêm (insulin...).
Trường hợp phải đoán mò, người dùng có thể giành quyền tự quyết theo bảng kê phổ quát dưới đây, chẳng hạn thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi (14 ngày); siro, hỗn dịch có kháng sinh (1 tuần/nhiệt độ phòng, 10-14 ngày/tủ lạnh), không có kháng sinh (1 tháng). Thuốc sát trùng, oxy già (2 tháng)...
Nói vậy, bất cứ lúc nào, nhận ra dấu hiệu biến chất, đóng cặn, màu mùi bất toàn, là “anh đường anh em đường em” ngay tắp lự.
Với loại thuốc sểnh ra là nguy, nghiêm ngặt bảo quản, nên khôn ngoan “uống từng lời” trong tờ hướng dẫn. Insulin, loại thuốc có chế độ cất trữ “nhà binh” nhưng rất hay lâm cảnh chín bỏ làm mười.
Tờ hướng dẫn dùng thuốc thường dài như sớ, lắm khi toàn khoe chữ, rặt từ chuyên môn, khiến người dùng lười đọc hay đọc chưa tới, rồi tai hại bỏ qua cảnh báo kiểu “phúc thống phục nhân sâm tắc tử”, có khi vất vưởng nằm ở cuối dòng, sang trang...
Mẹo là ghi ngày mở nắp trên chai thuốc. Cho lành, ai mở nắp thì người đó phải là người đóng nắp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận