Bộ phim Địa đạo không chỉ là một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh, mà còn là tâm huyết hơn 10 năm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê kíp làm phim.
Trong buổi phỏng vấn riêng với Tuổi Trẻ Cười, ông đã có những chia sẻ sâu sắc về quá trình tuyển chọn diễn viên, những thách thức khi tái hiện khung cảnh chiến tranh khốc liệt và cách ê kíp làm phim vượt qua khó khăn để mang đến một tác phẩm chân thực, đầy cảm xúc.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (bìa trái) trong buổi ra mắt phim Địa đạo
Bùi Thạc Chuyên: Bài toán casting rất khó nhưng xứng đáng
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhấn mạnh rằng việc casting diễn viên là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất, quyết định đến 70-80% thành công của bộ phim.
Ông chia sẻ: "Chọn sai diễn viên thì sẽ rất kinh khủng. Diễn viên không chỉ cần tài năng, mà còn phải có khí chất phù hợp với nhân vật, không thể diễn theo cách thông thường mà phải hòa mình vào bối cảnh chiến tranh".
Đặc biệt, các diễn viên phải trải qua một quá trình huấn luyện quân sự nghiêm ngặt trong suốt hai tháng. Việc này không chỉ giúp họ hiểu rõ hơn về vai diễn mà còn giúp họ rèn luyện thể lực, thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh.
"Không thể nào có một du kích Củ Chi năm 1967 mà lại mang dáng vẻ hiện đại với làn da trắng mịn. Chúng tôi phải đảm bảo sự chân thực từ diễn viên đến từng chi tiết nhỏ".

Dàn diễn viên trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.
8 xe tăng, 1 trực thăng, 2 tàu chiến
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của Địa đạo chính là việc sử dụng vũ khí, xe tăng và các cảnh cháy nổ thật để mang đến trải nghiệm chân thực nhất cho khán giả. Đây cũng là thử thách lớn đối với đoàn làm phim khi phải làm việc chặt chẽ với quân đội để mượn vũ khí, xe tăng và thậm chí là trực thăng.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết: "Chúng tôi đã mượn 8 xe tăng, 1 trực thăng, 2 tàu chiến cùng hàng ngàn viên đạn và hàng trăm ký thuốc nổ để tạo nên các cảnh chiến đấu chân thực nhất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam có một bộ phim sử dụng số lượng khí tài quân sự lớn như vậy.
Nếu không có sự hỗ trợ hết lòng từ cấp nhà nước, chúng tôi sẽ khó mà thực hiện được bộ phim này. Bởi chúng tôi không đủ kinh phí để làm mô hình giả các xe tăng, máy bay hay tàu chiến rồi sử dụng kỹ xảo cho nó. Và nếu có làm như thế thì cũng khó mà có những thước phim chân thật được".
Việc thực hiện các cảnh cháy nổ cũng đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ để đảm bảo an toàn cho diễn viên và ê kíp.
Đạo diễn nói: "Tất cả các vụ nổ trong phim đều là thật. Chúng tôi sử dụng kỹ thuật đặt thuốc nổ xa máy quay và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho diễn viên. Có những cảnh nổ ngay sau lưng diễn viên, nhưng mọi thứ đều nằm trong tính toán".

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chăm chút từng bối cảnh trong phim.
Việc tái hiện lại hệ thống địa đạo trong phim cũng là một thử thách lớn. Đoàn phim đã phải xây dựng một hệ thống địa đạo dài 30-40m trong phim trường để quay các cảnh quan trọng. Một số phân đoạn cần bối cảnh thực tế đã được quay tại địa đạo Củ Chi, mang đến cảm giác chân thực nhất có thể.
Bùi Thạc Chuyên tiết lộ: "Chúng tôi đã phải đào một hệ thống địa đạo dài 20m để quay những cảnh quan trọng, đặc biệt là cảnh hy sinh của chú Sáu. Mọi thứ đều phải được làm thủ công để đảm bảo tính chân thực".
Một chi tiết gây tranh cãi trong Địa đạo là cảnh nóng giữa các nhân vật trong bối cảnh chiến tranh ác liệt. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thẳng thắn chia sẻ rằng ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng về chi tiết này.

Cảnh nóng của Ba Hương (Hồ Thu Anh) và Tư Đạp (Quang Tuấn) ở trong phim gây tranh cãi.
Họ muốn sống, thèm sống, thèm hòa bình, thèm tự do
Ban đầu ông cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có những phê bình gay gắt từ những người từng trải qua chiến tranh. Tuy nhiên, đạo diễn vẫn quyết định giữ lại cảnh quay này bởi theo ông, nó thể hiện một khía cạnh rất đời thường và nhân văn trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
"Tình yêu ở đấy không phải là tình yêu lứa đôi mà là tình yêu cuộc sống, yêu cái sự sống, cái sức sống của người Việt Nam. Họ lạc quan và họ muốn sống, thèm sống, thèm hòa bình, thèm tự do, thì trong lúc họ sắp chết rồi, họ nghĩ là họ chết rồi thì họ sẽ yêu nhau. Đấy là chuyện bình thường lắm và đấy là sự thật" - đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giải thích.
Ông cũng dẫn chứng câu chuyện có thật từ chú Tư Cang về việc các chiến sĩ du kích và đội quân báo đã tìm đến nhau trong những giây phút cận kề cái chết để minh chứng cho quan điểm của mình.
Bên cạnh đó, đạo diễn cũng chia sẻ về những chi tiết nhân văn khác trong phim, như việc quân Mỹ sơ cứu cho chú Sáu bị thương hay việc đẩy người lính Mỹ bị thương ra ngoài để đồng đội có thể tìm thấy anh nếu chẳng may qua đời.
Những chi tiết nhỏ này đã góp phần làm cho bộ phim trở nên sâu sắc và đa chiều hơn, không chỉ khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh mà còn thể hiện tinh thần nhân đạo và sự tha thứ.

Diễn viên Thái Hòa vào vai Bảy Theo
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng chia sẻ về quyết định để nhân vật Bảy Theo hy sinh một cách giản đơn thay vì một cái chết anh hùng thường thấy trong các bộ phim chiến tranh. Ông lý giải rằng muốn thông qua đó để tôn vinh những người đã hy sinh thầm lặng cho đất nước.
"Tôi muốn dùng chi tiết đó để cho thấy câu chuyện của những du kích Củ Chi thời đó, thật sự là những người hy sinh một cách âm thầm như vậy. Họ sống âm thầm như vậy và họ mất cũng âm thầm. Có rất nhiều người như thế và cái chết của Bảy Theo tôi nghĩ phù hợp với tinh thần của bộ phim này" - đạo diễn nhấn mạnh.

Anh hùng Tô Văn Đực (trái) và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Với một dự án đồ sộ như Địa đạo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không giấu được niềm tự hào về sự nỗ lực của toàn bộ ê kíp. Ông tin rằng bộ phim không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một sự tri ân dành cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến.
Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã làm tất cả để bộ phim có thể truyền tải được tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta. Hy vọng rằng Địa đạo sẽ mang đến cho khán giả những cảm xúc chân thực nhất về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước".
Địa đạo không chỉ là một bộ phim tái hiện lịch sử mà còn mang trong mình thông điệp sâu sắc về hòa bình và sự tha thứ. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hy vọng bộ phim sẽ chạm đến trái tim của khán giả, khơi gợi những suy nghĩ về giá trị của cuộc sống và sự cần thiết của hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận