Danh ca Pháp Christophe vừa qua đời hôm 16-4 vì bệnh hô hấp Covid-19 và biến chứng của bệnh khí phế thũng, thọ 74 tuổi.
Ông đã phải nhập viện và được chăm sóc đặc biệt từ ngày 26-3 ở một bệnh viện tại Paris, sau đó được chuyển tới Brest (Finistère, Pháp). Bà Véronique Bevilacqua, vợ ông, không bao giờ đề cập tới Covid-19 trong các thông cáo báo chí của mình. Khi hãng tin AFP nêu câu hỏi qua điện thoại, bà Bevilacqua đã nhấn mạnh vào yếu tố “khí phế thũng”, trong sự tiến triển của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Cùng với ca sĩ Pháp Adamo, Christophe là một trong các biểu tượng hàng đầu ở khắp châu Á, trong đó có Việt Nam, từ năm 1965 tới năm 1975. Các dĩa hát của ông hồi đó được phát hành ở các thành phố lớn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển thể ca khúc "Aline" của ông thành ca khúc lời Việt, tạo nên một cú hích từ cuối những năm 1960. Nhiều bài hát của Christophe cũng từng mang lại thành công bất ngờ cho một số ca sĩ ở miền nam Việt Nam thuở ấy.
Tuy vậy, trong hơn 30 năm sau năm 1975 ở Việt Nam, “không còn cách chi có thể nghe nhạc phương Tây, song dù sao thì Christophe vẫn là một trong những người đã tạo dấu ấn cho thời tuổi trẻ của chúng tôi." - ông Patrick Désir, giám đốc tổ chức "Bụi Đời" (Poussières de vie) chuyên giúp đỡ trẻ vào đời sớm ở Sài Gòn, nói.
"Aline" và một loạt ca khúc khác của Christophe - những ca khúc dù ít được biết đến ở Pháp - vẫn còn trong ký ức Việt Nam. Trong 30 năm đó, sự nghiệp của Christophe đã chuyển qua bước ngoặt mới từ năm 1973, với ca khúc "Les paradis perdus", tiếp theo là "Les mots bleus",...
Khi Việt Nam bước vô thời đổi mới, các đại sứ và lãnh sự của Pháp đều nghĩ tới việc "triệu hồi" nhà truyền đạt bí ẩn "Aline" để tăng cường giao lưu văn hoá Pháp - Việt. Bởi vì, ngay từ năm 1965 ở Việt Nam, ca khúc "Aline" của Christophe đã là một "quốc ca không chính thức" dành cho nước Pháp.
Năm 1993, khi tổng thống Pháp François Mitterrand viếng thăm chính thức Việt Nam, dàn nhạc quốc gia tại Hà Nội đã chơi bài "Aline", thay vì quốc ca Pháp "La Marseillaise".
"Tôi tự nói với bản thân mình: Chà, thú vị ghê!” - danh ca Christophe nói vậy, khi nghe kể về sự kiện ấy.
Tiếc là trong một khoảng thời gian dài, Christophe đã rời sân khấu, không còn muốn biểu diễn trước công chúng. Mãi tới năm 2002, ông mới thay đổi quyết định khi biểu diễn tại Olympia, 27 năm sau buổi hoà nhạc cuối cùng của mình. Bảy năm tiếp sau đó, cuối cùng Christophe cũng bắt đầu chuyến lưu diễn Pháp đầu tiên, trong hơn 80 ngày.
Khi đó, dường như không còn gì cản trở Christophe đến Việt Nam. Dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp là cái cớ hoàn hảo để đưa thần tượng của mình lần đầu đến thành phố Hồ Chí Minh, ông Patrick Désir mơ ước.
“Một buổi sáng nọ, Patrick Désir đứng bên ngoài nhà tôi, nơi đại lộ Montparnasse ở Paris, đợi tôi và vợ tôi.” – danh ca Christophe kể. Cuộc gặp gỡ của họ đã diễn ra vào cuối tháng 8 năm 2013, và mọi thứ cần được thực hiện tiếp theo: tìm nơi diễn, lập ngân sách và tìm nguồn tài trợ.
Kết quả: ngày 17-11-2013, Christophe đã cùng Lucie, con gái của ông, bay tới thành phố Hồ Chí Minh.
11 giờ tối thứ bảy, ngày 23 tháng 11, những nốt đầu tiên của ca khúc "Je ne t'aime plus" vang lên trong nhà hát Hòa Bình ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo là các ca khúc "Mon amour", "Maman", "Mal", "Main dans la main", và dĩ nhiên phải có cả "Aline".
Trước đó, khi diễn tập cùng đội ngũ của ông, Christophe đã đồng ý sửa đổi phần trình diễn “kinh điển” của mình để thể hiện những ca khúc mà ông gần như không bao giờ hát nữa ở Pháp, ngoại trừ “Aline”. Đặc biệt, với bài “Maman” - một ca khúc cũ từ năm 1966, được người hâm mộ ở Việt Nam yêu mến suốt bấy lâu song lại khiến Christophe khó chịu thấy rõ. “Đó là một bài hát liên quan đến vụ ly hôn của cha mẹ tôi. Tôi vẫn có thể thấy mình trong phòng thu lúc đó, tai nghe đeo trên tai. Thật lạ...” – ông nói.
Dù sao, người làm cho mọi người hạnh phúc không phải là người để cảm xúc của mình thể hiện. Và màn trình diễn của Christophe lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất biểu diễn trước những người hâm mộ ở Việt Nam, vẫn là buổi diễn của một bậc thầy, mặc dù khán giả không biết gì về những ca khúc lừng danh “Les mots bleus”, hay “Les paradis perdus” về sau của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận