Ngày Thất Tịch (7-7 âm lịch) hay còn gọi là Valentine Phương Đông hoặc Lễ tình nhân của người Trung Quốc. Khởi nguồn của ngày này chính là truyền thuyết của cặp vợ Ngưu Lang - Chức Nữ mỗi năm chỉ gặp nhau một lần trên cây cầu Ô Thước bắc qua dải Ngân Hà.
Chỉ độ vài năm trở lại đây, giới trẻ mách nhau vào ngày này nên ăn chè đậu đỏ hoặc những món làm từ đậu đỏ sẽ tăng cơ hội "thoát ế", khiến dân tình ai nấy đều xôn xao, chộn rộn hẳn lên khi mỗi tháng 7 âm lịch lại đến. Thế nhưng ăn đậu đỏ lại không phải là truyền thống của người Trung Quốc mỗi dịp Thất Tịch và cũng chẳng hề có chút liên quan gì đến ngày này trong văn hóa của đất nước tỷ dân.
Sự nhầm lẫn tai hại này có thể được lý giải bởi câu chuyện xảy ra vào năm 2001 khi chủ tịch tập đoàn Hồng Đậu đã dựa vào một chi tiết có nhắc đến "hồng đậu" trong bài thơ Tương Tư (thi sĩ Vương Duy thời Đường), vô tình trùng với tên công ty. Vì thế, ông này đã lấy ngày 7-7 âm lịch làm dịp tổ chức sự kiện "Thất Tịch - Hồng Đậu Tương Tư Tiết".
Tuy nhiên, "hồng đậu" được nhắc đến trong bài thơ không phải loại đậu dùng để nấu món chè đậu đỏ thông thường. Trong tiếng Trung, loại hạt này vô tình có cách phát âm giống với đậu đỏ khiến ai nấy đều nhầm lẫn. Thực ra, loại hạt trong bài thơ là hồng đậu sinh trưởng nhiều ở miền Nam Trung Quốc, chủ yếu tại các tỉnh như Vân Nam, Hồ Nam, Quảng Tây và Quảng Đông.
Tại Việt Nam, "hồng đậu" - đậu tương tư còn được gọi là trạch quạch hay muồng cườm. Với vẻ ngoài có hình trái tim, vỏ ngoài cứng nên loại hạt này thường dùng trang trí, vòng tay may mắn, không thể ăn được. Vì thế mà "hồng đậu" mang ý nghĩa cho lòng thủy chung trong tình yêu, được những ai đang có tình cảm với crush gửi tặng để giãi bày nỗi tương tư. Người ta còn kháo nhau rằng, một hạt đậu sẽ mang ý nghĩa ghi lòng tạc dạ chỉ một hình bóng, còn hai hạt đậu được ví như hai ta thuộc về nhau, trở thành một đôi. Trong khi đó, nếu ai tặng "ấy" ba hạt đậu thì chắc chắn chẳng còn gì ngọt ngào hơn câu nói "em yêu anh" hay "anh yêu em" rồi.
Tuy đậu đỏ không phải linh vật trong ngày Thất Tịch, song ăn một món bổ dưỡng cũng không phải là một ý kiến tồi. Chỉ là, đừng gán ghép một hình tượng sai vào truyền thuyết có lịch sử cả ngàn năm quả là điều chẳng hay ho và mang tính "bịa đặt". Đồng thời, nhiều dân mạng cũng khẳng định chắc nịch "ế do bản thân chứ đừng đổ thừa tại xu thế hay vì bất kỳ lý do gì".
>> Xem thêm: Thất Tịch đến luôn rồi, chọn cho mình top 5 món đậu đỏ này thì cơ hội 'thoát ế' cao ngất trời
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận