Công ty sản xuất máy móc Three Brothers (trụ sở tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) vừa gây náo loạn cõi mạng khi ban hành quy định sử dụng nhà vệ sinh vào ngày 11-2. Theo đó, doanh nghiệp này đã đưa ra những khung giờ cố định cho phép nhân viên đi vệ sinh.
Đi vệ sinh cũng phải có giờ?!
Cụ thể, những khung giờ nhân viên công ty này được sử dụng nhà vệ sinh là: trước 8h, 10h30 - 10h40, 12h - 13h30, 15h30 - 15h40 và 17h30 - 18h. Người nào làm thêm giờ được yêu cầu sử dụng nhà vệ sinh sau 21h.
Trong một số trường hợp "cấp bách", ví dụ như "thoát nước", nhân viên có thể đi "giải tỏa nỗi buồn" ngay lập tức, nhưng không quá 2 phút.
Những nhân viên có "tình trạng sức khỏe đặc biệt" cần phải gửi đơn lên phòng nhân sự để có các ưu tiên riêng biệt. Tuy nhiên, thời gian sử dụng nhà vệ sinh với những trường hợp này vẫn bị khấu trừ vào ngày công, để tính lương.

Oái oăm thay, đi vệ sinh cũng quy định giờ giấc. Không đúng thì bị phạt! - Ảnh minh họa: ChatGPT
Theo SCMP đưa tin, công ty đã tham khảo thông tin từ cuốn "Hoàng đế nội kinh", một tài liệu y học được biên soạn cách đây 2.000 năm, khi đưa ra quy định mới này. Đây là tài liệu y học cổ truyền Trung Quốc được viết sớm nhất, thường được nhận định là "cái nôi y học cổ truyền" ở đất nước tỉ dân.
Với việc ban hành quy định trên, bất kỳ nhân viên nào không tuân thủ đúng sẽ bị phạt 100 nhân dân tệ/trường hợp (hơn 350.000 đồng). Quy định này hiện đã được chạy thử nghiệm cho đến cuối tháng 2, trước khi triển khai chính thức từ ngày 1-3, theo dự tính.
Công ty Three Brothers đã đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. "Thật vô đạo đức", "Tội nghiệp cho những nhân viên ở đấy", "Quy định này là trái pháp luật"... là những bình luận của cư dân mạng về vụ việc.
Một số người đưa ra dẫn chứng "Hoàng đế nội kinh" không hề có những quy định giờ giấc đi vệ sinh. Tài liệu y học này khuyên không nên làm việc khi trời tối và nhấn mạnh vào nhu cầu nghỉ ngơi đầy đủ.
Luật sư Chen Shixing, thuộc Công ty luật Guangdong Yiyue, nhận định quy định này vi phạm luật lao động Trung Quốc. Theo đó, bất kỳ thay đổi nào về tiền lương, giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi hoặc quy trình an toàn của người lao động... cần phải được thảo luận tại các cuộc họp công khai, có sự góp mặt của nhân viên hoặc đại diện nhân viên, và cần được sự đồng thuận chung.
Trước cơn bão chỉ trích, công ty đã quyết định thu hồi quy định oái oăm trên vào ngày 13-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận