Áp thấp nhiệt đới, tin bão xa, thời tiết chuyển mùa làm cho người lớn tuổi, người bệnh mãn tính cảm thấy mệt, đau mỏi ở hai bên cột sống, phải buột miệng than: "Ôi, cái lưng của tôi!"...
Đau lưng cấp tính...
Đó là do “ông Trời” đã làm cơ thể mất cân bằng, cơ, mạch máu, dây chằng vùng lưng không tự điều chỉnh được, chỗ co, chỗ giãn không đều nên gây đau.
Vậy tại sao người trẻ cũng đau? Bởi các bạn ngồi trong văn phòng, cột sống ít chuyển động, acid lactic ứ đọng lại trong cơ, mạch máu lưu thông kém, chất dinh dưỡng đến cột sống ít. Đây là triệu chứng chiếm tỉ lệ cao nhất trong “Hội chứng văn phòng”.
Phụ nữ thời nay mang giày cao gót làm trọng lực dồn về phía trước, đốt sống thắt lưng ở trạng thái bị đè ép, đĩa đệm phải chuyển động theo cũng gây đau lưng cấp.
Bạn khiêng vật nặng, chọn tư thế không đúng, dây chằng bị kéo căng tối đa, có người ráng hết sức đến mức nghe tiếng kêu cái “cụp” tức là trượt đốt sống. Lúc này bạn chỉ cần thở mạnh, ho, hắt hơi cũng thấy cột sống đau tức, khó chịu. Đau lưng cấp phải nằm nghỉ trên giường cứng để giữ cho cột sống thẳng.
Nếu bạn nằm giường có nệm mềm, phần di lệch đè ép mạch máu và cơ. Khi dậy phải xoay nghiêng người, chống tay dậy từ từ. Có thể chườm nóng, xoa bóp, kéo giãn đốt sống và thường sẽ khỏi trong 3 - 5 ngày.
Có người gọi đau lưng là đau thận, bởi thận là hai tạng nằm sát cột sống. Nếu bạn bị sỏi thận, cơn đau quặn thận khiến bạn cảm giác như lưng muốn gãy ra.
Các bà bầu đến ngày chuyển dạ cũng được trải qua cảm giác đau như vậy bởi sự co thắt của nội tạng đã kích thích thần kinh vùng hạ vị và cơ thể bài tiết prostaglandin gây đau.
Có người viêm dạ dày cấp, cái đau cũng đi xuyên ra phía lưng. Phái đẹp mỗi khi bị “hành” đến phát “kinh” cũng đau lưng, đây là đau sinh lý, đau có chu kỳ.
Đau lưng mãn tính
Khi bạn bị chấn thương, sai tư thế, mang vác nặng hoặc thoái hóa cột sống sẽ làm cho đĩa đệm bị lồi ra, rách một chút, hay thoát vị. Đĩa đệm là một vòng sụn hình tròn ở giữa các đốt xương sống có tác dụng như một cái gối, nó phồng lên, xẹp xuống mỗi khi ta cử động. Không có đĩa đệm, xương sống sẽ cứng đơ và người bạn sẽ cứng queo, diễn viên múa sẽ khỏi múa.
Lệch đĩa đệm thường được chữa trị bằng cách kéo cột sống, uốn lại cho thẳng. Còn thoát vị đĩa đệm là khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống gây đau. Lúc này chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) sẽ cho bác sĩ biết vị trí thoát vị, mổ để lấy phần đĩa đệm lồi ra mới giải thoát được cái đau.
Một biến chứng nguy hiểm do loãng xương là xẹp thân đốt sống, thường gặp ở những phụ nữ sau mãn kinh, người già trên 60 tuổi hay ở một số trường hợp dùng nhiều thuốc loại corticoid. Phương pháp mới của các chuyên gia cột sống là bơm xi-măng sinh học vào đốt sống xẹp tạo ra sự cứng chắc, làm giảm sức nén cơ học và tăng sức chịu đựng cho thân đốt sống, giúp cho bệnh nhân giảm đau và phục hồi ổn định cột sống.
Nhiều người lớn tuổi đi khám bị bác sĩ phán "gai đốt sống" về cứ thấy lo sợ. Gai đốt sống là xương đốt sống mọc dầy lên, nhô ra như một cái “chồi” (bà con mình gọi là “gai”). Nếu gai cột sống đè lên dây thần kinh trong ống cột sống thì có thể gây đau nhức chạy dài xuống chân. Uống thuốc giảm đau không ổn sẽ phải mổ để mài mòn phần “gai”. Tập vật lý trị liệu, bổ sung những nguyên tố mà cơ thể thiếu hụt, “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” các loại thuốc mới mong “gai” khỏi mọc lại.
Ngoài ra chúng ta còn nghe cụm từ “Đau dây thần kinh tọa”, đây là dây thần kinh dài nhất cơ thể, chạy từ thắt lưng tỏa xuống tận ngón chân. Vì nó đi qua vùng mông, chui qua một vùng mà các nhà giải phẫu gọi là “ụ ngồi” nên gọi là “toạ”. Đau dây thần kinh tọa biểu hiện đặc trưng bằng cảm giác đau từ thắt lưng lan dọc xuống phía đùi tới mắt cá ngoài bàn chân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi 30 - 60, nam được ưu ái hơn nữ.
Mang vác và lao động nặng sai tư thế, gò bó, rung xóc, chấn thương, các động tác thay đổi tư thế đột ngột, tập luyện không khởi động... là yếu tố thường xuyên nhất làm khởi phát bệnh. Đau dây thần kinh tọa còn là hậu quả của những bệnh như dị dạng bẩm sinh, chấn thương, thoái hóa cột sống thắt lưng, u, viêm cột sống cứng khớp, viêm đốt sống do nhiễm khuẩn (lao cột sống). Phải chữa tận “gốc” mới mong khỏi, còn chỉ dùng thuốc giảm đau mà thủ phạm tồn tại theo kiểu “nằm vùng” chờ thời cơ thì tất yếu sẽ “tái xuất giang hồ”.
Một tình trạng mà Tịt Tuốt tui nhận thấy là bệnh nhân béo phì độ 2 trở lên đều được khuyến mãi thêm chứng đau lưng. Đó là do cột sống giống như “nhà 1 cột” lẽ ra chỉ có mái che, nay gia chủ đúc luôn cho vài tấm bêtông cốt thép đè lên thì thoái hóa, xẹp, lệch đĩa đệm... đều có thể xảy ra.
Bài này chỉ mới đề cập đến mấy đốt sống thắt lưng. Đau lưng quả là không đơn giản, nhưng nhiều người từng nín đến mức không chịu nổi mới đi bác sĩ. Muốn cho bệnh không trở thành mãn tính, thì khi thấy ê ê, tê tê, phải chống tay mới dậy được hoặc lưng cứng như lưng bà bầu... đều nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa cột sống để được chữa trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận