● Vì sao cái máy đo nồng độ cồn lại “làm khó” được anh em vậy bác sĩ?
Chí Phéo (TP.HCM)
- Rượu chia ngôi thứ dựa vào nồng độ ethanol/100ml. Cơ thể mất 20-50 phút để “tiêu hóa” ethanol; trong đó dạ dày lãnh 20%, ruột non nhận 80%. Gan, theo mệnh trời, gánh 90% chuyển hóa và đào thải rượu, còn lại chia các ngả mồ hôi, nước tiểu và hơi thở. Chính cái khoản 10% “hữu xạ tự nhiên hương” này đã làm khó giới uống rượu, bởi chúng là nguồn cấp mẫu cho máy đo, tố giác mấy ông chén chú chén anh!
● Tại sao lại nói uống rượu nhiều thì làm “cháy” gan?
Linh Tinh (Hà Nội)
- Cận cảnh, tại gan ethanol được chuyển hóa nhờ ADH và ALDG là hai enzyme “handmade” của gan, quản tốt tửu lượng rượu cỡ... phổ thông; nhưng nếu quá chén gan vỡ trận, acetaldehyde thoát án phân thây, kéo thốc vào máu tụ tập đông người gây độc toàn gia với cả lá gan vừa để sổng chúng.
● Mấy “chiến hữu” trong nhóm hay chia sẻ vụ thuốc giải rượu, ra đường không ngán công an thổi. Thực hư ra sao bác sĩ?
Lê Văn Lý (TP.HCM)
- Thành phần thường có của “thuốc giải rượu” là acid glutamic, acid fumaric, acid succinic, dặm thêm chút hoa lá cành vitamin nhóm B, vi chất, nhằm tiếp sức cho gan, dạ dày nơi hòn tên mũi đạn. Thuốc giải độc rượu cơ bản cũng bám theo tiến trình cắt xẻ ethanol tự nhiên, tức là làm sao đẩy tốc độ chuyển acetaldehyde thành C02/nước càng nhanh càng tốt.
● Tôi nghe đồn là xài viên thuốc giải rượu có thể giúp tăng level trên bàn nhậu?
Trí Nguyên (Bình Dương)
- Căn cốt là thuốc giải độc nhưng bụng dạ thiệt sự của thuốc giải rượu là toa rập, giúp các ông tăng tửu lượng. Mười người thì hết chín người uống rượu tìm đến thuốc giải rượu để tăng level, đối phó, ngoại giao, đáp lễ, làm ăn trên bàn nhậu. Lưu Linh thập thành, chẳng mấy ai đành đoạn uống rượu mà mong tống khứ “tinh túy” cho lẹ, chẳng khác... uống thuốc xổ là việc “kẻ sĩ” không đặng làm!
● Uống viên giải rượu có “cứu” lá gan khỏi bị “cháy” trong cuộc nhậu không bác sĩ?
Bản Thiện (Sóc Trăng)
- Xét lý, rượu là cồn, một chất hóa học, chẳng mấy khó tìm được cho nó một chất đối kháng, trung hòa, kiểu axit/bazơ. Cả nước lã còn làm loãng, trung hòa ethanol ngon ơ được nữa là.
Cái đáng nói là thuốc giải chỉ hóa giải cồn với một lượng nào đó, không có chuyện rượu vào bao nhiêu thành nước bấy nhiêu! Quan trọng là giải cồn chứ không giải được độc hoàn toàn. Ông chuyền qua bà chuyền lại, rốt cuộc lá gan vẫn phải nai lưng ra đổ vỏ. Cả với quá trình biến acetaldehyde thành C02 cũng sinh một đống gốc tự do, gây độc tế bào “quá cha” acetaldehyde!
● Nếu đã “giải rượu” thì thuốc lành phải không ạ? Uống cỡ nhiêu thì “giải” khỏe?
Vy Vy (Long An)
- Trên thực tế còn lắm thứ cần cầm lên đặt xuống với thuốc giải rượu. Cú phá sản đầu tiên là liều lượng. Thuốc giải phải dùng trước “thượng đài”, nhưng cân đong thế nào cho vừa tửu lượng cuộc nhậu? Một viên gánh được bao nhiêu chén rượu, vại bia? Còn phải kể tuổi tác, thể trạng như bác sĩ kê thuốc dựa vào cân nặng. Ông to cao hấp thu cồn khác ông thằn lằn đeo cột đình. Ông gan khỏe chịu đấm ăn xôi khác ông gan nhiễm mỡ, viêm gan siêu vi. Còn cả loạt yếu tố ngoại lai. Uống rượu lúc bụng đói, uống chung nước ngọt có gas sẽ tăng tốc hấp thu rượu lên mấy bậc...
Một tác dụng phụ nhưng “chết người” là sự ỷ lại. Có chống lưng nên các hảo hán mặc tình nốc rượu bằng chén. Tuy nhiên, thuốc giải rượu còn được đánh dấu gây gan nhiễm mỡ, tăng men gan (AST, ALT...), hoại tử gan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận