Trong biệt phủ dường như có âm binh chăng? Đêm từng đêm, hễ vừa chợp mắt, thiu thiu ngủ thì cụ Ngáo lại nghe có tiếng va chạm của đồng tiền như than khóc, ỉ ôi nức nở, nghẹn ngào… Nằm yên, lắng tai thì nghe rõ mồn một. Thắp sáng đèn kiểm tra, lại im bặt. Bốn bề im phăng phắc. Tiếng khóc than nỉ non ấy ở đâu ra?
Đêm nay, cụ sợ hãi kinh khiếp nên mới gọi thằng Quýt, dạy rằng: “Mày bảo tài xế đi chở cậu Thủy về gấp cho ta”. Cậu Thủy là ai? Là nhà ngoại cảm tài ba nức tiếng khắp Đông Dương, từ đứa trẻ nằm nôi đến cụ già sắp về suối vàng cũng đều biết tiếng. Thằng Quýt trố mắt ngạc nhiên:
“Bẩm cụ, đêm khuya khoắt liệu chừng cậu Thủy có đồng ý ra khỏi nhà?”.
Cụ quát lớn:
“Sao lại không? Hôm nọ tao đã trao đổi trước rồi. Mày cứ đi ngay. Kẻo trễ giờ thiêng đã ấn định”.
Rồi sau đó, mọi việc đâu ra đó. Phải nói ngay rằng cậu Thủy phán như thánh. Nói đâu trúng đó. Cụ Ngáo phục sát đất. Ngay sau lúc vừa lên đồng, cậu Thủy đã rổn rảng:
“Âm binh ở nhà này là tiền bạc châu báu của cụ đấy thôi”.
Cụ bàng hoàng:
“Bẩm, ngài vừa nói gì thế? Tôi có nghe nhầm không?”.
Cậu Thủy cười mà rằng:
“Không đâu. Tiền của cụ đông như quân Nguyên, chúng đang giăng biểu ngữ, biểu tình ầm ầm đòi cụ phải giải thoát ngay cho chúng”.
Cụ Ngáo kinh ngạc.
“Thì đây, cụ hãy nghe chúng nó ca thán nè”.
Vừa dứt lời, cậu Thủy chuyển tông qua điệu Lưu thủy hành văn:
“Bóp cổ dân đen chúng ói tiền
Có tiền xúng xính sướng như tiên?
Không đâu, ăn lấy tiền xương máu
Tông tổ nhà bay cũng đảo điên”.
Cụ Ngáo rợn người. Quả thật chỉ vài phi vụ ký bừa giấy má liên quan đến tài nguyên môi trường, có gì đời sau lo, còn cụ đã ẵm hàng trăm ngàn đô. Ngon ơ. Chưa hết, cậu Thủy chuyển qua hát xẩm:
“Mua quan bán chức lẽ đời
Tiền muôn bạc ức hễ đòi, có ngay
Nhắm mắt cứ ký liền tay
Ký chưa ráo mực tiền đây là tiền
Có tiền xúng xính như tiên?
Không đâu, có lúc đảo điên nhà mày”.
Giọng ca du dương lúc nhặt lúc khoan, lúc trầm lúc bổng, lúc bi lúc oán khiến cụ Ngáo nổi da cóc, đầm đìa mồ hôi bèn cắt ngang:
“Thôi, chớ thêm lời nào nữa. Theo ý ngài, tôi nay phải làm sao với khối tài sản chắt bóp, vơ vét bấy lâu nay?”.
Không một giây chần chừ, cậu Thủy đáp ngay:
“Dễ ẹc. Chẳng có gì khó cả. Vừa rồi mưa bão, lũ lụt ầm ầm, nhà cửa tan hoang, đất đai sụt lở, dân đói rã họng, là người cai trị đứng đầu tỉnh sao cụ không dùng chiêu bài dân túy?”.
Vốn học hành lép nhép, viết sai chánh tả, không phân biệt đâu là “lờ”, là “nờ” lại nói ngọng nên cụ Ngáo bèn hỏi:
“Nâng túy là thế nào?”.
Cậu Thủy cả cười:
“Dân túy là... Mà thôi, cụ cứ kêu rao bán cái biệt phủ này đi thôi, bất quá chỉ bằng vài mét đất ở thủ đô Thăng Long là cùng. Lấy tiền đó làm từ thiện, trám chút ít vào mồm bọn khố rách áo ôm. Vừa êm cái vụ thanh tra đang ầm ĩ, lại vừa được lòng dư luận”.
Cụ Ngáo ngớ người ra: “Tôi vẫn chưa hiểu?”.
Cậu Thủy nghiêng tai nói khẽ:
“Cụ cứ rao là bán lấy tiền làm từ thiện. Ít ra giữa lúc dân tình đói kém cụ cũng thể hiện lòng thành, thiện chí lo cho dân, cho nước đấy chứ? Ai mà không khen? Đồng tiền này, chỉ cần cụ nhín ra chút mà được việc lớn. Ấy là dân túy”.
Cụ Ngáo vỗ tay lốp bốp:
“Cao cơ thật”.
Tóm lại, về sau biệt phủ của cụ Ngáo có ai mua không? Chưa rõ. Nhưng rõ ràng là cụ Ngáo có làm từ thiện đấy. Có điều lạ, dù nghèo rớt mồng tơi, dù đang thiếu tiền đóng thuế cho chồng nhưng chị Dậu vẫn không thèm bén mảng tới. Cụ Ngáo lấy làm lạ bèn vi hành xuống tận nhà chị Dậu dò hỏi tại làm sao. Chị trả lời rằng:
“Cha ông giữ đất cả ngàn đời
Bây giờ chúng nó lại ham chơi
Chơi biển, chơi rừng, chơi tuốt luốt
Con cháu chỉ còn húp cháo thôi”.
Nói xong, chị Dậu mời cụ Ngáo thưởng thức tô cháo trắng. Vì “dân túy”, cụ ăn ngay và khen ngon. Mừng vì được cụ Ngáo khen có tài làm bếp, chị Dậu lại mở lời:
“Đồng tiền lương thiện thì không xấu
Vui sống mỗi ngày dù húp cháo
Vơ vét đồng tiền của dân đen
Đời này, đời sau còn quả báo”.
Cụ Ngáo lại khen thơ hay chứ gì? Không. Cụ rùng mình nhớ đến lúc nằm trong chăn êm nệm ấm lại nghe tiếng va chạm của đồng tiền rổn rảng, như than như khóc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận