Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Icarus, các nhà khoa học tại Viện Khoa học Carnegie cho biết, họ có đầy đủ bằng chứng cho thấy hành tinh này tồn tại như đã "văng ra khỏi hệ Mặt trời khi nó mới hình thành".
Các nghiên cứu khoa học vũ trụ trước nay đều công nhận một giả thuyết là Mặt trời từng được bao quanh bởi rất nhiều khí và bụi. Các đám khí và bụi này va chạm để tạo thành các hành tinh khác nhau.
Trước đây hệ Mặt trời có 9 hành tinh nhưng từ năm 2006 đến nay các nhà khoa học chỉ công nhận 8 hành tinh quay quanh Mặt trời, bao gồm: sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương.
Các nhà khoa học đã tạo ra 6.000 mô phỏng máy tính để tìm hiểu xem các hành tinh trông như thế nào khi chúng mới hình thành, và vị trí của chúng trong hệ Mặt trời.
Tiến sĩ Matt Clement cho biết, các mô phỏng cho thấy một vật thể có khả năng là một "hành tinh băng khổng lồ” bị đẩy ra khỏi quỹ đạo, tương tự như sao Thiên Vương và sao Hải Vương cũng từng bị bật ra khỏi hệ Mặt trời trong lúc đang hình thành.
Sự tương tác hấp dẫn giữa các vật thể có khối lượng lớn hơn đã thay đổi vị trí của tất cả các vật thể. Điều này dẫn đến việc các hành tinh nhỏ thay đổi vị trí của chúng theo trật tự quỹ đạo và dẫn đến sự sắp xếp hiện có.
Các nhà khoa học tin tưởng rằng nghiên cứu mới sẽ mang lại phương pháp xây dựng mô hình hiệu quả để tìm hiểu sự hình thành các hành tinh đất đá, trong đó có Trái đất, và giúp chúng ta tìm kiếm các hệ tương tự trong vũ trụ có tiềm năng của sự sống.
Có hành tinh thứ 9 hay không?
Ý tưởng về sự tồn tại của “Hành tinh thứ 9” từng được các nhà khoa học từ Viện Công nghệ California (Mỹ) đưa ra vào năm 2015 dựa trên bằng chứng toán học. Giả thuyết của họ cho rằng, hành tinh thứ 9 có thể nặng gấp 10 lần Trái đất và quay quanh Mặt trời theo một quỹ đạo hình elip cực kỳ dài và xa hơn 20 lần so với sao Hải Vương.
NASA cũng cho rằng hành tinh thứ 9 có thể mất 10.000 và 20.000 năm Trái đất để hoàn thành 1 vòng quay của Mặt trời.
Trong một nghiên cứu khác được công bố gần đây, các nhà thiên văn học tại Đại học Yale (Mỹ) đã cố gắng tìm kiếm “hành tinh đã mất” bằng cách sử dụng kỹ thuật kính thiên văn "dịch chuyển và xếp chồng", vốn đã được sử dụng trước đây để khám phá các thiên thể khác.
Giả thuyết đặt ra là nếu hành tinh này có khả năng tồn tại, nó có thể ở khoảng cách gấp 14 - 27 lần sao Hải Vương so với Mặt trời. Đó là một vùng không gian gần như hoàn toàn chưa được khoa học khám phá.
Bằng các phương pháp mới, nhóm khoa học đã xác định được 17 đối tượng tiềm năng. Tuy nhiên, sau rất nhiều nghiên cứu, cho đến nay chưa có một vật thể nào thực sự được công nhận rộng rãi là hành tinh thứ 9.
Cuộc tìm kiếm vẫn đang được các nhà thiên văn học tiếp tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận