Ngày 5-9 vừa qua đã đánh dấu một mùa khai giảng vô cùng đặc biệt đã diễn ra trên toàn quốc. Những buổi lễ khai giảng online đã thay thế gần như toàn bộ hình thức khai giảng truyền thống thông thường, để lại nhiều cảm xúc khó tả, suy nghĩ cho bao thế hệ.
Nhất là bức ảnh được xem là "lịch sử" của hiệu phó trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đã đem đến một cái nhìn hoàn toàn khác biệt so với trước đó, khi cô Văn Thùy Dương đứng nghiêm trang trong tà áo dài, phát biểu giữa sân trường không một bóng học sinh.
Tuy nhiên, khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa này đã gây tranh cãi trên mạng xã hội vì một chi tiết cực nhỏ về hình xăm trên cổ, phía sau gáy của cô giáo. Không để mọi người bàn tán quá lâu, cô Văn Thùy Dương đã lên tiếng về câu chuyện tưởng be bé như chiếc hình xăm của mình nhưng trở nên "to oạch" trong mắt nhiều cư dân mạng.
Theo đó, cô cho rằng bức ảnh tổng thể mang tính "hiện thực sâu sắc" về một khai giảng trong mùa dịch, khi đảm bảo yêu cầu 5T và sự an toàn cho toàn thể học sinh, nhưng không mất đi không khí ngày khai trường. Bằng tất cả sự cố gắng, cô giáo Văn Thùy Dương cũng như nhà trường đã đưa đến một lễ khai giảng ấm áp, yêu thương với những lời căn dặn, nhắc nhở học sinh.
Cuối cùng, những điều ý nghĩa đó đã bị ảnh hưởng bởi vô vàn tranh cãi vì "1cm trên gáy của tôi".
Cô giải thích về ý nghĩa của hình xăm là ngôi sao 6 cánh trên gáy của mình như sau:
"Đó là một ngôi sao đặc biệt. Chúng ta thường thích những ngôi sao 5 cánh và vì vậy, ngôi sao 6 cánh là một ngôi sao đặc biệt, vì hơn ngôi sao bình thường 1 cánh. Một trong những ý nghĩa rất hay của ngôi sao 6 cánh mà tôi rất thích là: tượng trưng cho sức mạnh, giúp chủ sở hữu hình này có được sức mạnh vô biên để vượt qua mọi khó khăn, hướng đến thành công, hướng tới sự cân bằng trong cuộc sống và nhẹ nhàng trong tâm hồn.
Hình ảnh ở giữa ngôi sao là chữ Vạn, mang ý nghĩa tốt đẹp trong Phật giáo. Chữ Vạn là một trong 32 tướng tốt của Đức Phật, biểu thị công đức của Phật. Chữ Vạn hiện ở chính giữa ngực của Đức Phật, nói lên ý nghĩa giác ngộ vẹn toàn, tượng trưng cho lý Trung Đạo, vượt ngoài đối đãi.
Theo Từ điển Phật học Huệ Quang giải thích, chữ Vạn có nghĩa là cát tường hải vân hay cát tường hỷ toàn. Còn về chiều xoay bên phải, bên trái không đồng nhất, thì được giải thích là: Hình ảnh chữ Vạn vốn là dấu hiệu biểu thị sự tốt lành ở Ấn Độ thời xưa. Ngoài Ấn Độ thì Ba Tư, Hy Lạp đều có phù hiệu này, thông thường được xem là tượng trưng cho mặt trời, ánh chớp, lửa, nước chảy.
Trong Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ na giáo thời xưa đều sử dụng hình tượng này thể hiện sự tốt lành, thanh tịnh, vẹn tròn.
Hình xăm kết hợp này có ý nghĩa cho riêng tôi: Là sự mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và mọi thế lực đen tối để mang lại cuộc sống cân bằng cho mình bằng chính sự giác ngộ toàn vẹn. Vượt qua khó khăn mà luôn nhắc nhở mình bớt tham sân si, để cho chính cuộc sống của mình được an nhiên tự tại!
Đây là một hình đẹp và ý nghĩa, được tôi khắc lên da thịt mình khi tôi chính thức qui y cửa Phật!".
Phía cuối bài viết, cô cũng giới thiệu thêm một đường link kể về câu chuyện một số nguyên thủ quốc gia trên thế giới lựa chọn xăm mình như một cách để lưu giấu ý nghĩa vật chứng của thời gian. Đồng thời, đó là quyền và sở thích riêng tư của mỗi người.
Không chỉ riêng hình xăm sau gáy, cô hiệu phó Văn Thùy Dương sở hữu khá nhiều hình xăm ở những vị trí khác nhau trên cơ thể. Song, khi đến trường cô lựa chọn cẩn trọng trang phục để phù hợp với môi trường sư phạm, không bao giờ mặc áo mỏng, áo hở hang.
Được biết, cô từng nêu lên quan điểm về vấn đề xăm hình khi con gái Tô Sa sở hữu khá nhiều hình xăm đặc biệt. Cô Văn Thùy Dương luôn căn dặn phải suy nghĩ kỹ càng vì mỗi hình xăm không dễ dàng xóa đi được và đừng bao giờ hối tiếc về việc mình đã làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận