Vào tháng 12 năm ngoái, Sally Bahart (28 tuổi, ở Mumbai, Ấn Độ) đã lên kế hoạch cho đám cưới của mình. Cô biết được bản thân mong muốn, đó là một đám cưới nhẹ nhàng, không có "tiếng la hét và khóc lóc" như những đám cưới truyền thống của đất nước tỉ dân này, vốn rình rang và ồn ào.
Sally và mẹ chồng tương lai quyết định chọn mua đồ cưới tại một cửa hàng gần Mumbai. Thế nhưng, cuộc mua bán vui vẻ ban đầu đã đi đến một kết thúc không ngờ, khi cô cảm thấy bản thân bị sỉ nhục một cách quá đáng.
"Trang phục Lengha được cửa hàng niêm yết giá cả đàng hoàng, tuy nhiên họ nói tôi phải trả thêm tiền nếu muốn mẫu này. Bởi vì cửa hàng sẽ cần phải mua thêm vải và họa tiết để trang trí", Sally nói trong tức tối.
Từ lâu, nữ luật sư này đã chấp nhận một sự thật về bản thân, khi cô vốn sở hữu một ngoại hình lớn hơn phụ nữ bình thường một chút. Tuy nhiên, cảnh tượng xấu hổ này đã xảy ra trước mặt các thành viên trong gia đình tương lai của Sally. Cô thắc mắc: "Những người nói ra điều này thậm chí không cảm thấy mình đang sỉ nhục khách hàng ư?".
Tháng 8 vừa qua, Tanaya Narendra - một bác sĩ ở Ấn Độ đã đăng một bài viết trên mạng xã hội xoay quanh "chứng lo lắng về cơ thể trước hôn nhân", phơi bày một sự thật vốn tồn tại lâu nay.
"Mọi người có quá nhiều áp lực để giảm cân trước đám cưới. Tôi hiểu sâu sắc về vấn đề này. Cách đây 1 tháng, tôi tổ chức đám cưới, người thân liên tục hỏi tại sao lại không ăn kiêng trước đám cưới. Một số người còn gửi cả trà giảm cân đặc biệt", vị tiến sĩ tiết lộ về câu chuyện cá nhân của mình.
Chưa dừng ở đó, cô tiếp tục gặp một sự cố tế nhị khi đến cửa hàng đồ cưới của một nhà thiết kế nổi tiếng ở Ấn Độ. Các nhân viên ở đó nhìn cô "từ trên xuống dưới" và hỏi: "Ồ, bạn sắp kết hôn ư?", trong khi cô đang rất háo hức cho đám cưới của mình.
Tanaya không phải là blogger đầu tiên lên tiếng về vụ việc này trên mạng xã hội, nhưng với tư cách của một người có địa vị và khá nổi tiếng, bài viết của cô gây tiếng vang, nhất là với phụ nữ ở nước này.
Việc công khai chỉ trích hoặc tập trung sự chú ý của công chúng vào cân nặng, hình dáng cơ thể hay thói quen ăn uống của một ai đó, đã trở thành vấn đề phổ biến. Nhiều biệt danh như "mông mập" trong trường học hay những câu trêu đùa một người thừa cân trên các chương trình truyền hình, thậm chí là cả những câu slogan quảng cáo "kém duyên" về cân nặng... được dùng như một trò vui vô thưởng vô phạt.
Shriya Momaya (27 tuổi) đang chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 11 sắp tới. Trước khi nhìn thấy bài đăng của Tanaya, cô luôn nghĩ mình là "cô dâu béo duy nhất trên thế giới".
"Những gì mọi người nhìn thấy ở khắp mọi nơi là hình ảnh của những cô dâu mỏng manh, từ tạp chí, phim ảnh cho đến các mẩu quảng cáo ven đường. Bước vào bất kỳ cửa hàng nào, nếu cơ thể của bạn lớn hơn người khác, họ sẽ nhìn bạn từ trên xuống dưới, rồi đưa ra đánh giá. Có lúc, họ còn huỵch toẹt rằng không có quần áo vừa với bạn trong cửa hàng", Shriya chua chát kể lại trải nghiệm của mình.
Như việc Shriya tìm đến một cửa hàng để mua chiếc Lengha yêu thích cho đám cưới, có giá 40.000 rupee (khoảng 12 triệu đồng). Tuy nhiên, nhân viên cửa hàng đã báo giá lại cho cô ở mức 58.000 rupee (hơn 17,5 triệu đồng).
Có một thuật ngữ "ngầm" từ lâu về những khoản phí chênh lệch cho quần áo ngoại cỡ, thường được gọi là "thuế béo phì". Theo đó, các nhà bán lẻ cho rằng sẽ phải tốn thêm nhiều nguyên vật liệu hơn cho một bộ trang phục không được may ở kích cỡ thông thường.
Nhà tâm lý học và trị liệu tâm lý Hvovi Bhagwagar nói rằng: "Ở Ấn Độ, chúng tôi lớn lên trong một nền văn hóa rất tập thể. Văn hóa này đặt nhu cầu và mục tiêu của nhóm lên trên lợi ích cá nhân".
Tuy nhiên, sự việc nào cũng có mặt ưu và nhược điểm của nó. Việc được dạy dỗ "trẻ em nên im lặng lắng nghe người lớn tuổi" đã ít nhiều khiến phần đông đứa trẻ cảm thấy không được tự tin và nói lên chính kiến của mình.
Điều này càng rõ ràng hơn khi phụ nữ Ấn Độ thường ít khi chủ động lựa chọn bạn đời và hôn nhân sắp đặt vẫn rất phổ biến, ở thời điểm hiện tại.
Hvovi cho biết: "Hôn nhân kiểu này thường đi kèm của hồi môn được quyết định bởi ngoại hình người phụ nữ. Nhiều khách hàng nữ của tôi có vấn đề sức khỏe tâm thần trước đám cưới. Họ thường tự trách mình và có những biểu hiện lo lắng, kể cả trầm cảm. Đôi khi, họ hầu như không ăn uống gì trước đám cưới, để có thể giảm cân".
Zinat (32 tuổi) kể lại trải nghiệm: "Mẹ tôi đã nhờ một người mai mối giúp tôi có một hôn sự. Bà là người có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng của tôi, nhưng về cơ bản bà chỉ muốn tôi có được một người đàn ông tử tế, công việc ổn định và yêu thương gia đình. Điều quan trọng nữa là 20 kg cân nặng của tôi cần bị... mất đi".
Tuy nhiên, chính trong thời gian này, căn bệnh cường giáp khiến cân nặng của Zinat càng tăng lên thêm.
Chua xót chia sẻ câu chuyện của mình, Zinat không khỏi bức xúc: "Chỉ vì cân nặng của tôi mà tôi đã bị nói là không xứng với một người đàn ông tử tế. Điều này khiến lòng tự trọng của tôi bị sụp đổ hoàn toàn. Tôi hoảng sợ thực sự. Thậm chí có cả tá gã trai đã từ chối hôn sự sắp xếp của tôi, khi biết được cân nặng".
Sau cùng, Zinat vẫn phải nghe theo lời khuyên giảm cân của người mai mối, để có thể tìm được một người đàn ông tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận