Mokpo, nằm ở tây nam bán đảo Triều Tiên, là một thế giới biệt lập, khác xa chốn thị thành nhộn nhịp như thủ đô Seoul.
Từng là trung tâm công nghiệp và vận tải lớn, thành phố cảng với 230.000 dân này nay chỉ còn lại những tòa nhà bị bỏ hoang.
Nhận thấy tiềm năng của Mokpo, Hong Dong Woo, doanh nhân 33 tuổi, đã bắt tay vào thành lập một cộng đồng trẻ, lấy cảm hứng từ những người trẻ anh từng gặp. “Làng đừng lo mà!” ra đời từ năm 2018, nhằm giúp những người trẻ Hàn Quốc mệt mỏi với cuộc sống thành thị có dịp sống chậm, để suy ngẫm về hiện tại và vạch ra những kế hoạch trong tương lai.
![Tại xứ sở kim chi, nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản với nhịp sống công nghiệp tất bật, bạn hãy tìm tới “Don’t Worry Village” (tạm dịch: Làng đừng lo mà!) để sống chậm một chút…](https://cdn.tuoitre.vn/ttc/r/2020/01/14/lang-dung-lo-ma-noi-chay-tron-ap-luc-o-han-quoc-1578975172.jpg)
Với mức giá chỉ 200.000 won (khoảng trên 4 triệu đồng)/ người, cùng một lúc, 30 người có thể chung sống ở “Làng đừng lo mà!”, thoải mái nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, kết bạn, trau dồi kỹ năng…
Từ những kỹ năng gom góp được ở “Làng đừng lo mà!”, người trẻ có thể khởi nghiệp ngay tại Mokpo, như mở nhà hàng chay, quán cà phê hay một tiệm thổ cẩm…
![Tại xứ sở kim chi, nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản với nhịp sống công nghiệp tất bật, bạn hãy tìm tới “Don’t Worry Village” (tạm dịch: Làng đừng lo mà!) để sống chậm một chút…](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/ttc/r/2020/01/14/lang-dung-lo-ma-noi-chay-tron-ap-luc-o-han-quoc-2-1578975269.jpg)
Một điều thú vị: trong 76 người từng đến “Làng đừng lo mà!”, có 31 người đã ở lại đây, hoặc lập nghiệp tại làng, hoặc làm những công việc khác trong thành phố cảng Mokpo.
“Ở Seoul, mọi thứ dần đắt đỏ hơn, và tôi không có tiền để làm những việc mà mình thích. Tuy nhiên, ở đây, mọi thứ rẻ hơn, và cũng không có quá nhiều lựa chọn để ta phải tiêu tiền” - Lee Jin-ah, 36 tuổi, chia sẻ. Cô là một trong những người quyết định sinh sống tại Mokpo sau 6 tuần ở “Làng đừng lo mà!”.
Lee cũng cho biết, sống tại Mokpo cô không còn cảm giác lo âu và chịu áp lực xã hội - vốn là một phần cuộc sống tại những thành phố lớn như Seoul.
“Ở đây chúng tôi không nói về tuổi tác hay sử dụng tên thật của mình” - Lee nói thêm.
![Tại xứ sở kim chi, nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản với nhịp sống công nghiệp tất bật, bạn hãy tìm tới “Don’t Worry Village” (tạm dịch: Làng đừng lo mà!) để sống chậm một chút…](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/ttc/r/2020/01/14/lang-dung-lo-ma-noi-chay-tron-ap-luc-o-han-quoc-1-1578975279.jpg)
Theo Hong, người lập ra “Empty Public Space” (Không gian công cộng trống trải), một cư dân ở “Làng đừng lo mà!”: “Chúng ta sống trong một xã hội, mà ở đó, chúng ta chẳng thể tự tin, nếu không có một sự nghiệp làm vừa ý xã hội. Chúng tôi muốn ngôi làng này truyền đi thông điệp rằng: hãy làm điều bạn muốn, mặc kệ những thứ xã hội đòi hỏi ở bạn”.
Văn hóa làm việc của Hàn Quốc từ lâu được biết tới là khắc nghiệt, với giờ làm việc trung bình thuộc tốp đầu thế giới. Song song đó là áp lực lớn về sự thành công. Hậu quả của hai điều trên thể hiện rõ nhất ở giới trẻ nước này, với tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết những người trong độ tuổi từ 10 - 39 vào năm 2018 (theo cơ quan Statistics Korea trực thuộc Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận