Ma túy không phải liều thuốc cho cảm hứng nghệ thuật
Chỉ trong vài tháng, hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí Việt lần lượt "dính chàm" vì ma túy. Từ ca sĩ Chi Dân, diễn viên Hữu Tín đến người mẫu An Tây, rapper Bình Gold và mới nhất là nhà thiết kế thời trang hàng đầu Nguyễn Công Trí.
Những cú sốc nối tiếp nhau không chỉ khiến dư luận hoang mang, mà còn đặt ra dấu hỏi lớn: vì sao người nổi tiếng - vốn được xem là hình mẫu của công chúng - lại dễ dàng sa vào cạm bẫy ma túy đến thế?
Giải thích cho hiện tượng đáng báo động này, không ít người trong giới biện minh rằng nghệ sĩ cần sáng tạo, cần cảm xúc, nên dễ tìm đến chất kích thích để "phiêu" hơn trong nghệ thuật.

Ca sĩ Chi Dân, An Tây, Hữu Tín và nhà thiết kế Nguyễn Công Trí bị bắt vì ma túy.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu, giảng viên Học viện Chính trị khu vực 2 Phạm Thị Thúy nói với Tuổi Trẻ Cười rằng đó là một sự ngụy biện nguy hiểm, thậm chí là "đang tự lừa dối chính mình".
"Ma túy là chất cực độc, đưa vào cơ thể là đang hủy hoại não bộ, thể chất và cả đời sống tinh thần, chứ không phải là sự thăng hoa nghệ thuật thật sự. Người nghệ sĩ nếu tìm kiếm sáng tạo bằng chất cấm là đang lầm đường, đánh đổi cả sự nghiệp và mạng sống chỉ để sống trong ảo giác ngắn ngủi", tiến sĩ Thúy nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, lý do khiến nghệ sĩ dễ sa ngã không chỉ nằm ở áp lực công việc, mà sâu xa hơn là sự trống rỗng bên trong. Người càng nổi tiếng, càng sống giữa hào quang thì lại càng dễ cô đơn.
"Không phải ai nổi tiếng cũng có người để sẻ chia thật sự. Cô đơn, căng thẳng kéo dài khiến họ dễ tìm đến những thứ gây nghiện để lẩn tránh thực tại. Và ma túy là một trong những con đường hủy hoại đó", tiến sĩ Phạm Thị Thúy phân tích.
Nghệ sĩ cần giữ vững sức khỏe tâm lý
Ca sĩ Đoan Trường - người đã hoạt động nghệ thuật gần 30 năm và có quan hệ rộng trong giới nghệ sĩ - chia sẻ với Tuổi Trẻ Cười rằng: "Tôi chứng kiến không ít người trẻ bước vào nghề với ánh mắt long lanh và ước mơ cháy bỏng. Nhưng rồi áp lực danh tiếng, sự cạnh tranh khốc liệt và những mối quan hệ không lành mạnh khiến họ nhanh chóng bị cuốn vào những vòng xoáy nguy hiểm, trong đó có ma túy".
Theo Đoan Trường, có rất nhiều lý do khiến một nghệ sĩ dính vào ma túy như bị dụ dỗ, bị ép thử một lần trong buổi tiệc, do tò mò muốn biết cảm giác "phê" là như thế nào, hoặc muốn thể hiện bản thân giữa những người bạn trong giới. Không ít người còn viện cớ "giảm đau", "giảm stress", "tỉnh táo hơn để làm việc" hay "tìm cảm hứng mới".
"Nhưng tất cả chỉ là cái bẫy. Dù có là lý do gì đi nữa, thì thử một lần cũng đủ kéo họ xuống vực. Nhiều người nghĩ mình kiểm soát được, nhưng không ngờ lại là người bị kiểm soát bởi chất cấm", ca sĩ Đoan Trường cho hay.

Ca sĩ Đoan Trường có gần 30 năm hoạt động nghệ thuật - Ảnh: NVCC
Thậm chí ca sĩ Đoan Trường từng khuyên nhiều đồng nghiệp trẻ nên tránh xa các buổi tiệc ở bar, vũ trường hay những buổi gặp mặt không rõ mục đích. "Có những người dùng một lần là mất sự nghiệp cả đời. Có những bạn từng có tương lai rất sáng, nhưng sau một buổi tiệc là trượt dài mãi mãi", nam ca sĩ xót xa.
Điều khiến cả chuyên gia tâm lý và người trong nghề lo lắng là ảnh hưởng của những nghệ sĩ "dính chàm" đến thế hệ trẻ. Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, thống kê năm 2024, trên 35% học sinh ở Việt Nam có vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng. Nếu những người nổi tiếng - vốn là thần tượng - bị bắt vì ma túy, hình ảnh này có thể khiến giới trẻ dễ buông xuôi, thậm chí coi ma túy là "bình thường", là "được phép".
"Thế hệ trẻ bây giờ tôi gọi là 'thế hệ bông tuyết' - rất mong manh, dễ vỡ. Họ cần hình mẫu tích cực để noi theo. Khi thấy thần tượng dùng ma túy, các em dễ học theo hoặc mặc định rằng đó là một phần của thành công, nổi tiếng. Đây là điều vô cùng nguy hiểm", tiến sĩ Phạm Thị Thúy cảnh báo.
"Muốn sáng tạo bền vững, nghệ sĩ phải đầu tư vào nội lực"
"Người nghệ sĩ chân chính không cần đến chất kích thích để sáng tạo. Họ thăng hoa bằng chính nội tâm, bằng trải nghiệm sống và bằng trách nhiệm với khán giả. Ma túy không làm nên nghệ thuật đích thực", tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhận định.
Theo bà, nghệ sĩ cần được hỗ trợ nhiều hơn về sức khỏe tâm lý, phải biết đầu tư vào thể lực, trí lực và đặc biệt là tâm lực. Nghệ thuật là một hành trình dài, không phải là cuộc đua chớp nhoáng. Người nghệ sĩ nếu không giữ được tinh thần vững vàng, rất dễ sụp đổ dù có đứng trên đỉnh vinh quang.
Một giải pháp hữu hiệu là mỗi nghệ sĩ nên có một chuyên gia tâm lý hoặc quản lý thấu hiểu để đồng hành. Những cuộc trò chuyện chuyên môn, những liệu pháp tinh thần đơn giản như thiền, yoga, thể thao, chăm sóc cây cối, thú cưng… sẽ giúp nghệ sĩ cân bằng tốt hơn thay vì tìm đến thuốc kích thích.

Bà Phạm Thị Thúy - tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu, giảng viên Học viện chính trị khu vực 2 - Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Thúy cũng cho rằng việc tăng cường nhận thức trong giới nghệ sĩ là vô cùng cấp thiết. Cần hiểu rằng một nghệ sĩ - dù là diễn viên, ca sĩ hay người mẫu - đều có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, họ càng cần có trách nhiệm với lời nói, hành động và hình ảnh của mình.
"Thành công bằng hào quang chỉ là nhất thời. Người nghệ sĩ thực thụ là người tạo ra giá trị thật và biết giữ vững nó. Nếu nội lực yếu, không ai giúp được bạn. Nghệ sĩ cần học cách sống thật, không tô vẽ, không chạy theo ảo tưởng. Nếu bạn cảm thấy không còn khả năng để tỏa sáng, hãy sống với hiện thực, làm điều có ích. Như thế mới hạnh phúc và bền lâu", tiến sĩ Phạm Thị Thúy bày tỏ.
Ma túy không phải lối đi tắt đến thành công. Nó là cánh cửa dẫn đến vực sâu. Người nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng phải tỉnh táo trước cám dỗ. Những lời biện minh như "cần sáng tạo", "muốn cảm xúc thật" chỉ là chiếc mặt nạ che giấu sự yếu đuối bên trong.
Và như lời của tiến sĩ Phạm Thị Thúy: "Nếu nghệ sĩ sống hết mình, vì xã hội, vì khán giả… thì họ sẽ tự khắc tìm thấy cảm hứng. Sự thăng hoa đích thực đến từ trái tim, không đến từ ma túy".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận