PHÒNG MẠCH TẢ PÍ LÙ

Chuyên gia nói gì về vụ 'Hồng Tỷ Nam Kinh' dưới góc nhìn tâm lý học

BÁC SĨ CHUỐI

Đăng lúc 17:50 | 13/07/2025

Dưới góc nhìn chuyên môn, TS.BS.CK2 Trà Anh Duy nhận định hành vi của 'Hồng Tỷ Nam Kinh' mang nhiều đặc điểm điển hình của rối loạn nhân cách chống đối xã hội.

Cuối tháng 7-2025, truyền thông Trung Quốc công bố vụ việc "Hồng Tỷ Nam Kinh" - một người đàn ông họ Jiao (sinh năm 1987) sống tại thành phố Nam Kinh, đã giả làm phụ nữ suốt nhiều năm để quan hệ tình dục với nhiều nam giới.

Jiao cải trang thành nữ giới, sử dụng hình ảnh giả, nói giọng nữ, hành xử ngoan ngoãn và nhẹ nhàng, chỉ yêu cầu bạn tình mang theo vài món quà giản dị như: sữa, trái cây, giấy vệ sinh... khi gặp mặt.

Hồng Tỷ - Ảnh 1.

Hồng Tỷ đã dụ dỗ nhiều đàn ông đến nhà để quan hệ tình dục, lén ghi hình nhằm mục đích bán trên các nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ là vụ việc "lừa đảo" tình dục quy mô lớn, sự việc còn đặt ra nhiều câu hỏi về xã hội, đạo đức và tâm lý: Làm thế nào một trò giả danh có thể kéo dài nhiều năm mà không bị phát hiện? Vì sao hàng ngàn người đàn ông chấp nhận bước vào mối quan hệ mù mờ mà không kiểm chứng danh tính đối phương? Và vì sao một người đàn ông - trong vai một phụ nữ tưởng tượng, lại có thể hấp dẫn đến thế?

Cơ chế tâm lý: Khoái cảm thao túng và rối loạn nhân cách

Dưới góc nhìn chuyên môn, TS.BS.CK2 Trà Anh Duy nhận định hành vi của Jiao mang nhiều đặc điểm điển hình của rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder) - như lừa đảo, thao túng, thiếu đồng cảm và không hối hận.

"Việc giả làm nữ giới không chỉ nhằm đạt được mục đích tình dục, mà còn mang lại khoái cảm đặc biệt gọi là 'khoái cảm quyền lực' (power arousal), khi kẻ lừa đảo thấy hưng phấn vì kiểm soát được cảm xúc và hành vi của người khác" - bác sĩ lý giải.

Jiao không chỉ đóng vai một người phụ nữ "ngoan", "hiền", "không đòi hỏi vật chất", mà còn chủ động điều khiển tâm lý nạn nhân bằng những chi tiết tưởng như nhỏ nhặt, như lời nói ngọt ngào, tấm ảnh ảo, và yêu cầu mang theo quà nhỏ khi gặp mặt. Mỗi hành vi đều được tính toán để củng cố vai diễn và duy trì sự tin tưởng từ nạn nhân.

Hồng Tỷ - Ảnh 2.

Với ngoại hình không mấy nổi bật, nhiều netizen vô cùng thắc mắc khi Hồng Tỷ dụ dỗ được nhiều đàn ông về nhà mình.

Vì sao các nạn nhân dễ dàng bị mắc bẫy?

Dưới ánh sáng tâm lý học xã hội, hiện tượng này phản ánh nỗi cô đơn sâu sắc và sự thiếu kết nối thực trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Nam Kinh, nơi nam giới độc thân ngày càng nhiều. 

Theo Belongingness Theory, con người có nhu cầu bẩm sinh là được yêu, được kết nối và cảm thấy mình "thuộc về" ai đó.

Trong môi trường ấy, một người tự xưng là "phụ nữ dịu dàng", "không đòi hỏi", "chỉ cần bạn mang sữa hoặc trái cây" trở thành một dạng phản ứng giải cứu tâm lý, tạo ra ảo ảnh về tình yêu đơn giản, dễ tiếp cận và không gây áp lực.

"Những người đàn ông đó rơi vào trạng thái 'thân mật giả' (pseudo-intimacy) - một dạng gần gũi tưởng tượng sinh ra từ những tương tác ảo được lý tưởng hóa", tiến sĩ Trà Anh Duy phân tích. 

Khi đã đầu tư cảm xúc vào mối quan hệ, họ cũng dễ rơi vào hiệu ứng xác nhận (confirmation bias), chỉ tìm kiếm những dấu hiệu khớp với kỳ vọng "đối phương là thật", đồng thời lờ đi các dấu hiệu bất thường như chỉ gặp vào ban đêm, giọng nói lệch tông hay từ chối gọi video.

Cạnh tranh giới tính và sự hấp dẫn của "cô gái không đòi quà"

Một nguyên nhân sâu xa khác nằm ở sự chênh lệch giới tính nghiêm trọng tại Trung Quốc. Theo báo cáo của China Power (2021), có khoảng 30 triệu nam giới ở nước này sẽ không thể tìm được bạn đời trong tương lai gần. Cạnh tranh tình cảm, nhất là với nam giới thu nhập thấp, tạo ra áp lực khốc liệt trong "thị trường hẹn hò".

Trong bối cảnh đó, một "cô gái" không đòi nhà, không cần tiền, chỉ cần một hộp sữa... lại trở thành hình mẫu trong mơ. "Hiện tượng này liên quan đến hiệu ứng tương phản (contrast effect). Khi ngoài đời, nhiều đàn ông gặp phụ nữ có yêu cầu cao thì một người tưởng là phụ nữ nhưng 'dễ chịu' bất thường lại trở nên hấp dẫn", chuyên gia tâm lý giải thích.

Việc mang theo một món quà nhỏ còn kích hoạt hiệu ứng đầu tư (investment effect), tức là khi một người đã đầu tư (dù chỉ bằng hộp sữa), họ sẽ muốn tiếp tục hơn là dừng lại để kiểm chứng, vì nếu dừng, họ sẽ phải thừa nhận mình bị lừa.

Hồng Tỷ - Ảnh 3.

Nhiều netizen đã "đu trend" giả gái giống Hồng Tỷ hoặc giả thành nạn nhân trong vụ Hồng Tỷ để quay clip hài hước.

Vấn đề đau lòng hơn là sự im lặng của các nạn nhân. Theo bác sĩ Trà Anh Duy, định kiến xã hội khiến nhiều đàn ông không dám đứng ra tố cáo. 

"Nam giới thường được gán với hình ảnh mạnh mẽ, không dễ bị lừa. Khi bị lừa, họ cảm thấy xấu hổ, sợ bị chế nhạo, hoặc bị gán nhãn về giới và xu hướng tình dục dù họ hoàn toàn là nạn nhân" - bác sĩ Duy nói. 

Nghiên cứu của Sleath & Bull (2010) trên tạp chí Psychology, Crime & Law cũng cho thấy nam giới bị tấn công tình dục ít trình báo hơn nữ giới, vì sợ không được tin tưởng và mất thể diện.

Đáng lo hơn, "Hồng Tỷ Nam Kinh" nhanh chóng bị biến thành trào lưu giễu nhại. Hình ảnh cosplay, meme, video hài tràn lan mạng xã hội. Từ bi kịch lừa dối, câu chuyện bị "hài hóa" đến mức công chúng quên mất nạn nhân là những con người thật, đã tổn thương thật.

"Hiện tượng này cho thấy nguy cơ lớn của xã hội kỹ thuật số, khi bi kịch thật dễ bị biến thành trò giải trí, cảm xúc đạo đức bị phân mảnh, và người bị tổn thương lại bị tổn thương lần nữa - bởi sự vô cảm tập thể, vì nhận về sự chế nhạo của công chúng.

Có thể thấy, hiện tượng Hồng Tỷ Nam Kinh là một ví dụ điển hình của sự giao thoa giữa các yếu tố tâm lý cá nhân, nhu cầu xã hội và văn hóa mạng hiện đại. Không chỉ là một hành vi "lừa đảo" tình dục quy mô lớn, sự việc còn phản ánh rõ sự cô đơn, mất cân bằng giới tính, áp lực thành công và khả năng thao túng cảm xúc qua môi trường mạng, không chỉ gói gọn ở Trung Quốc mà ở bất kỳ xã hội nào.

Chuyên gia nói gì về vụ 'Hồng Tỷ Nam Kinh' dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 4.Bị đuổi việc vì... hôi nách Chuyên gia nói gì về vụ 'Hồng Tỷ Nam Kinh' dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 5.Ảnh vui 13-7: Tiếp nhận sinh viên mà mặt này hơi quạu nha! Chuyên gia nói gì về vụ 'Hồng Tỷ Nam Kinh' dưới góc nhìn tâm lý học - Ảnh 6.Mang chó cưng cùng đi cướp, thanh niên Thái 'vui được đúng 2 ngày'


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới PHÒNG MẠCH TẢ PÍ LÙ