Gần đây, các nhân viên ở Khu bảo tồn Tê giác Hoang dã (Care for Wild Rhino Sanctuary, gọi tắt là Care for Wild) bên Nam Phi đã nhận thấy mặt của chú tê giác trắng Oz ngày càng sưng lớn một cách bất thường nhưng không rõ nguyên nhân.
“Sau khi tham vấn với tiến sĩ Jacques O'Dell - bác sĩ thú y về động vật hoang dã, cùng chuyên gia nha khoa thú y Gerhard Steenkamp và bác sĩ phẫu thuật răng hàm mặt tại khoa Khoa học Thú y ở Đại học Pretoria, chúng tôi quyết định vận chuyển Oz tới Bệnh viện Học thuật Thú y Onderstepoort ở thành phố Pretoria để điều tra cặn kẽ.” – bà Petronel Nieuwoudt, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Care for Wild, nói.
Ngày 2-11, Oz được chụp cắt lớp (CT Scan) ở Onderstepoort - bệnh viện thú y duy nhất ở Nam Phi. Đây là lần đầu tiên Nam Phi đã chụp cắt lớp thành công cho một con tê giác trưởng thành, nặng tới 1 tấn.
Sau khi dùng tia X để chụp hình ở các góc độ và vị trí khác nhau, rồi dùng máy tính dựng thành một hình 3D ở không gian 3 chiều, các bác sĩ và chuyên gia thú y đã phát hiện tê giác Oz bị áp-xe, gây nhiễm khuẩn ở 1 chân răng.
Sau đó, cuộc phẫu thuật răng cho Oz đã kéo dài khoảng 20 phút trong lúc tê giác trắng mồ côi được tiếp tục gây mê.
Tê giác trắng Oz hồi phục rất tốt và đã được đưa trở lại Khu bảo tồn, theo trang tin Kodami của Ý, dẫn nguồn từ Care for Wild.
Hồi năm 2015, bé tê giác Oz đã được đưa tới Care for Wild sau khi cha mẹ của nó bị bọn săn trộm bắn hạ.
Khu bảo tồn Tê giác Hoang dã này được bà Petronel Nieuwoudt thành lập vào năm 2001, ở gần Vườn quốc gia Kruger của Nam Phi, để giải cứu và bảo vệ tê giác mồ côi, tê giác bị thương vì nạn săn trộm, cùng một số loài động vật hoang dã khác.
"Mỗi khi có tin được xác minh về 1 con tê giác non như Oz lúc đó, hay tê giác bị thương cần cấp cứu, Phòng điều hành sẽ triển khai 1 máy bay trực thăng phối hợp cùng 1 chiếc xe có bác sĩ thú y và đội cứu hộ đi kèm, mang theo các phương tiện hỗ trợ mặt đất để tìm kiếm theo vị trí được xác định. Bác sĩ thú y sẽ gây mê cho tê giác để vận chuyển nó an toàn bằng trực thăng hoặc đường bộ về Khu bảo tồn” - Bà Nieuwoudt kể - “Trong khi đó, đơn vị chống săn trộm sẽ tiếp tục điều tra và bắt giữ những kẻ săn trộm”.
Là những nạn nhân của bọn săn trộm, các tê giác là trẻ mồ côi như Oz, hoặc tê giác bị thương, khi được đưa về Khu bảo tồn vẫn còn sợ hãi và đôi khi khiếp sợ trước sự hiện diện của con người. Việc chăm sóc và giúp chúng khoẻ lại để có được sự tự tin có thể là một con đường rất dài và phức tạp, cần khoảng 3 – 4 năm để phục hồi hoàn toàn.
Tê giác con bú sữa mẹ tới khoảng 16 tháng tuổi, tiêu thụ khoảng 16 lít sữa mỗi ngày. Khu bảo tồn cho các con non uống sữa 2 giờ/lần trong suốt cả ngày lẫn đêm, cho tới khi chúng đủ lớn để bắt đầu ăn thức ăn đặc.
Khi tới lúc phù hợp, các tê giác ấy sẽ được xếp vô các nhóm nhỏ để phát triển những hành vi xã hội của chúng, rồi từng bước làm quen với môi trường mà một ngày nào đó chúng sẽ được thả vào rừng tự nhiên. Cần có sự giám sát chuyên sâu, kinh nghiệm và kiến thức về loài để có thể đưa các tê giác mồ côi vào một môi trường mới, nơi chúng sẽ tìm thấy thức ăn tự nhiên và nguồn nước, cùng âm thanh, mùi mới và thậm chí cả các loài động vật khác.
Bà Nieuwoudt lớn lên trong một trang trại thuộc tỉnh Mpumalanga ở Đông Bắc Nam Phi, gần Vườn quốc gia Kruger. Từ lúc còn là một cô bé, Nieuwoudt thường mang những con vật bị bệnh hoặc bị thương về nhà để chăm sóc. Niềm đam mê của Nieuwoudt dành cho động vật cuối cùng đã đưa cô tới tham gia, rồi phụ trách Đội bảo vệ các loài nguy cấp (thuộc Cảnh sát Nam Phi) trong nhiều năm.
“Kể từ năm 2020, Care for Wild đã cứu được hơn 80 con tê giác khỏi bọn săn trộm" - Bà Nieuwoudt kể - “Nhiệm vụ của chúng tôi là giải thoát và hồi sinh những con tê giác mồ côi, cũng như đảm bảo hệ sinh thái mà chúng sẽ được thả ra là lành mạnh và được bảo vệ. Đó là một khu bảo tồn hiện nay rộng tới 350 ha, nơi chúng tiếp tục được bảo vệ và theo dõi về hành vi, sức khoẻ và động thái của nhóm”.
“Chúng ta không thể đơn độc cứu một loài, nhưng cùng nhau chúng ta có thể đạt được những điều đáng chú ý. Chúng tôi cám ơn đội ngũ chuyên gia về kinh nghiệm hậu cần, thông tin và kiến thức thu được từ việc chụp cắt lớp và phẫu thuật răng cho tê giác trắng Oz. Đó là sự tiến bộ phi thường trong cuộc chiến để cứu một loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng” – bà Nieuwoudt nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận