Hôm 27-8, Sở thú Perth ở bang Tây Úc đã chia sẻ một đoạn video dễ thương về bé chim cánh cụt, được gọi là Pierre, đòi ăn rồi lạch bạch chạy tới châu đầu vô một cái iPad để “coi phim”.
Bé cánh cụt lạch bạch chạy tới coi phim trên iPad. (Video: Sở thú Perth.)
“Pierre đã chấp mọi kỷ lục khi bơi, có thể từ các hòn đảo ở Ấn Độ Dương, hay từ Nam Đại Tây Dương, trước khi dạt vô bờ biển ở phía Tây Nam nước Úc.” - Sở thú Perth viết kèm đoạn video ấy.
“Pierre đang nhận được sự chăm sóc trìu mến để phục hồi dần ở bệnh viện động vật hoang dã của chúng tôi. Cậu ta thuộc loài chim cánh cụt rockhopper phương Bắc có nguy cơ tuyệt chủng, và là con chim cánh cụt duy nhất thuộc loài quý hiếm này được chăm sóc ở một sở thú trong khắp châu Đại dương - bao gồm Úc, New Zealand, đảo New Guinea và các quần đảo cận kề trên Thái Bình Dương.” - Sở thú Perth viết tiếp.
“Lông của loài chim cánh cụt như Pierre sẽ được thay mỗi năm một lần. Vì lý do nào đó mà những chiếc lông mới của Pierre chỉ mọc được một nửa rồi hoàn toàn dừng lại, khiến Pierre không được bảo vệ chống thấm nước. Chúng tôi nghĩ cậu ấy là một chú chim non mới một tuổi. Pierre không biết bơi, nên cần một bàn tay giúp đỡ.” – cô Danielle Henry, một người quản lý của Sở thú Perth, chia sẻ.
Các chuyên gia ở Sở thú Perth đã e ngại rằng Pierre sẽ rất khó hòa nhập với đồng loại khi được trở về với môi trường thiên nhiên. Để đảm bảo cho Pierre có thể nhìn và nghe những con chim cánh cụt khác cùng loài với nó, sở thú này đã bắt đầu “phát cho cậu bé xem những phim tài liệu và các buổi phát trực tiếp về chim cánh cụt rockhopper trong các sở thú quốc tế, gồm cả những đồng loại của nó ở Sở thú Kansas (Hoa Kỳ) và ở Sở thú Edinburgh (Scotland)”.
“Pierre cũng là một fan hâm mộ của loạt phim hoạt hình về gia đình chim cánh cụt Pingu, và Pingu đang nằm ở thứ hạng cao trong danh sách xem phim của cậu ta.” - Sở thú Perth bật mí.
“Pierre hoàn toàn thích coi iPad. Nhưng có lẽ cậu ta chỉ phản ứng với… màu sắc và chuyển động, không nhận ra Pingu là một chú chim cánh cụt.” - cô Danielle phân tích.
“Chúng tôi đang dành rất nhiều thời gian cho Pierre. Phúc lợi của cậu ấy được ưu tiên hàng đầu. Kế hoạch vẫn là đưa Pierre trở lại tự nhiên, nhưng có thể phải chờ từ 2 đến 4 lần Pierre thay lông. Vì vậy, chúng tôi đang trao đổi về dự án đưa Pierre tới sống cùng đồng loại của nó ở một số sở thú quốc tế.” - Sở thú Perth chia sẻ.
Đoạn video về bé chim cánh cụt Pierre “ghiền” iPad đã thu hút 818 xem, 160 bình luận và 137 lượt chia sẻ trên Facebook.
“Thật tốt khi các bạn cho phép Pierre tương tác với những bạn ảo của mình.” - một người dùng Facebook bình luận.
“Các bạn thật tuyệt vời ở Sở thú Perth. Tôi tự hỏi liệu phần lớn nhân loại có bao giờ nghĩ về công việc tuyệt vời mà các bạn và những người ở các sở thú khác đã làm trong việc bảo tồn, nhân giống và phục hồi các loài động vật trên thế giới hay không. Ở đây chúng ta có một, vâng chỉ là một cuộc sống chim cánh cụt, và Sở thú Perth chuẩn bị cho cậu ta nhiều mặt, cho chuyến hành trình về nhà. Chỉ một con vật nhỏ bé biết thở trong hành tinh rộng lớn này, và Sở thú Perth nhỏ bé của chúng ta đã đảm nhận trách nhiệm ấy. Tôi rất tự hào về tất cả các bạn. Chúc may mắn nha Pierre, tôi tin rằng một ngày nào đó cậu sẽ tìm được đường về nhà.” - một người dùng xúc động viết.
Chim cánh cụt rockhopper là một trong những loài cánh cụt hiếm nhất trên thế giới, chúng chỉ còn ít hơn 240.300 cặp sinh sản.
Rockhopper là một trong những loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới. Chúng nặng khoảng 2 - 4 kg, khi trưởng thành chỉ cao khoảng 50 cm. Khó phân biệt giới tính cùa loài này nếu chỉ dựa vào ngoại hình, vì vậy chính xác nhất là cần kiểm tra ADN lấy từ chiếc lông vũ của cá thể.
Do môi trường sống khắc nghiệt với nhiều đá, loài chim cánh cụt này không thể trượt bằng bụng như các loài cánh cụt khác, mà phải nhảy từ nơi này tới nơi khác. Từ đó mà nảy ra cái tên rockhopper của chúng: loài chim cánh cụt nhảy trên đá (rock - hopper).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận