Bỗng từ đâu một tiếng la hét thất thanh từ ngoài cổng làm tôi giật cả mình:
“Ông chẳng bao giờ đụng tay, đụng chân gì vào cái nhà này!”.
“Là tại cô không cho tôi đi hát karaoke đấy”.
“Bởi ông toàn đi bia ôm thôi!”.
Cặp vợ chồng hàng xóm cãi nhau phá hỏng bầu không khí yên tĩnh của tôi.
“Trời ơi! Mấy người cãi nhau thì đóng cửa vào mà cãi, tôi đang uống cà phê đây này, ồn ào!”.
“Ồn thì đóng cửa vào mà uống cà phê”.
Tôi nghĩ họ có thể nói chuyện kiểu lý sự cùn như thế này thì có mà cãi nhau cả ngày cũng chưa xong. Bởi vậy, hôm nay tôi muốn giới thiệu cho các bạn một số phương pháp tranh luận để không cần phải khai ra các tội lỗi mà bạn đã phạm.
AD HOMINEM (tiếng Latin) - công kích cá nhân, chê bai người ta.
Bạn đi chơi khuya về xỉn quắc cần câu, đánh rơi chìa khóa nhà ở đâu không nhớ, nhưng cũng không muốn cãi nhau với vợ vào sáng hôm sau?
“Anh yêu, anh đi về trễ làm mất luôn chìa khóa nhà luôn hả? Đây là lý do em nghĩ là hai đứa mình nên ngồi nói chuyện về thói quen đi nhậu của anh, bởi vì em yêu anh rất nhiều”.
“Mặt em xấu như con gấu! Sao em không trang điểm khi nói chuyện với anh trước? Muốn làm anh bị đau mắt hả?”.
“Mày nói gì nói lại xem?!!$%!+@???”.
Rồi, giờ vợ quên mất vụ bạn say xỉn đánh mất chìa khóa, thành công rồi nhé.
TU QUOQUE - (tiếng Latin) - “Bạn cũng thế”.
Đây là một cách siêu hay để thay đổi cuộc tranh luận từ việc phòng thủ sang tấn công.
“Em nghĩ là chị không nên dùng điện thoại trong lúc lái xe máy, rất nguy hiểm. Thực sự em thấy ở Việt Nam nhiều người vừa nghe điện thoại vừa lái xe, sợ lắm chị”.
“Bộ Canada nước em không dùng điện thoại khi lái xe hả?”.
“Canada? Em nghĩ không nhiều...”.
“Mà em sống chỗ nào ở Canada? Sao biết hết được? Hay thế! Em sống ở Việt Nam bỏ bố mẹ một mình ở Canada, trời ơi, phải đổi tên thành “đất nước mà mọi người không dùng điện thoại khi lái xe” mới chuẩn”.
ANECDOTAL EVIDENCE - “Người ta nói...”
Đây là kiểu kể lại một câu chuyện mà mình chỉ nghe được chứ không thực sự trải nghiệm hoặc không có bằng chứng gì. Rất hữu ích đó.
“Một người không nên uống quá 2 lít nước mỗi ngày, không là mình sẽ bị đi tiểu hoài, thải hết vitamin ra đấy”.
“Là sao? Ai nói vậy? Nghe mùi xạo xạo nha...”.
“Bạn tôi nói đấy, nó là bác sĩ”.
Tôi thấy ở Việt Nam người ta hay dùng câu cửa miệng “Bà nội tôi nói...”, “Bố tôi nói...”, “Mẹ tôi nói...”.
“Tôi nghĩ là em không nên uống rượu, em đang có thai mà”.
“Không, bà nội em uống rất nhiều rượu lúc mang thai mẹ em mà. Đừng có nói gì chê bai nhà em hết, đồ thằng Tây”.
APPEAL TO EMOTION - sử dụng cảm xúc.
Cái này hay dùng lúc mình sắp thua một tranh luận hoặc không còn gì để nói.
“Em thấy anh đừng hút thuốc lá nhiều, coi chừng bị ung thư”.
“Đừng nói vậy!!! Mẹ anh bị ung thư phổi, em đang trù ẻo anh hả, vô cảm quá”.
Nếu bạn vừa khóc vừa nói, tạo chút hiệu ứng thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
“Anh thấy em hay đi uống cà phê với thằng kia, ổng lại còn nhắn tin gạ gẫm em, sao em không suy nghĩ về cuộc hôn nhân của bọn mình vậy?!”.
(Rưng rưng nước mắt)
“Anh ấy chỉ là bạn thôi mà? Sao anh nói chuyện làm em buồn vậy? Anh lạnh lùng quá, anh không phải là anh lúc xưa nữa rồi...”.
BANDWAGON - Chó hùa, a dua.
Con người chúng ra rất thích được đặt mình trong một nhóm, đặc biệt là nếu thấy nhóm của mình đang thắng thế nhóm bên kia. Tôi nhớ có lần tranh luận về cách học tiếng Anh với một số người Việt không hiểu tiếng Anh, nhưng có con đi học tiếng Anh nên họ nghĩ họ là chuyên gia về cách học.
“Các bạn nên học phát âm trước, để sau này bạn nói gì thì người nghe sẽ hiểu, ngữ pháp cũng không cần quá chuẩn đâu”
- tôi nói.
Ông chú và cả gia đình của ông:
“Tầm bậy tầm bạ, bạn người nước ngoài nên không hiểu người Việt Nam! Bạn học tiếng Anh ở đâu? Đúng rồi, có cần phải học đâu, chỉ biết từ bố mẹ mà! Mà sao bạn lại nói về chủ đề này? Đã biết là chú bị tai nạn trên đường nên không có khả năng học tiếng Anh, mà nói? Vô cảm hết sức! Đi về nước của bạn đi nhé!”.
(Cả gia đình chú) Đúng rồi, về điii!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận