Ngôi làng hẻo lánh mà lắm chuyện… cánh cụt
Lúc rạng sáng chủ nhật 16-8, xe cảnh sát tuần tra đã bất ngờ bắt gặp một con chim cánh cụt thuộc loài Humboldt đang lạch bạch đi trên một con đường nông thôn, trong làng Strelley, quận Broxtowe, ở phía tây thành phố Nottingham, hạt Nottinghamshire.
Ngôi làng này khá tách biệt, dù là ga cuối của một trong những tuyến đường sắt được ghi nhận ra đời sớm nhất trên thế giới, vào năm 1604.
“Chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành ‘thẩm vấn’ chú chim cánh cụt Humboldt về việc đang làm gì khi đi giữa đường, trước khi đưa anh ta trở về nhà, ở một trang trại cách đó khoảng 1,6 km.” - trích thông báo của cảnh sát gởi cho Hãng tin CNN hôm 17-8.
“Chúng tôi từng thấy một số điều rất thú vị khi đi tuần tra, nhưng bắt gặp một con chim cánh cụt đi giữa đường, vào lúc rạng sáng, là một trong những phát hiện kỳ lạ nhất mà chúng tôi vừa trải qua.” - anh Gareth Philp, thuộc Cảnh sát Nottinghamshire, bật mí.
Philp cho biết anh và các đồng đội đã đặt biệt danh cho chim cánh cụt là “Po-Po” (tên lóng để chỉ cảnh sát – Police, trong tiếng Anh).
“Po-Po chịu chụp chung một số bức hình với chúng tôi, và rất thân thiện với chúng tôi.” - Philp kể.
“Các sĩ quan của chúng tôi được đào tạo để đối phó với nhiều sự cố, theo những yêu cầu phức tạp, và thật tuyệt khi chúng tôi nhanh chóng đưa chú chim cánh cụt trở về đoàn tụ với chủ của nó.” - thanh tra Gordon Fenwick của Cảnh sát Nottinghamshire cho biết.
Trước đó, hồi tháng 1-2019 cũng ở Strelley, một cặp chim cánh cụt bị đánh cắp đã được cảnh sát giải cứu từ một người đàn ông 23 tuổi ở Preston. Người này đã bị bắt giữ vì nghi ngờ có hành vi trộm cắp.
Chim cánh cụt Humboldt (tên khoa học là Spheniscus humboldti) sinh sống ở ven biển Peru và Chile bên Nam Mỹ. Tên của chúng được đặt theo dòng hải lưu lạnh Humboldt (hay hải lưu Peru) - chảy ven biển phía tây Nam Mỹ.
Môi trường sống của chim cánh cụt Humboldt đang bị phá huỷ, một phần do việc thu hoạch phân của chúng để làm phân bón, theo truyền thống ở Nam Mỹ, trong khi phân cánh cụt lại là… nguyên liệu làm tổ của chúng. Ngoài ra, thức ăn của chim cánh cụt cũng ngày càng trở nên khan hiếm, do nạn đánh bắt cá quá mức của các tàu đánh cá. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa.
Báo động: Có “kẻ trộm” trong bếp!
Bốn năm trước, vào tháng 9-2016, một gia đình ở thị trấn Chimbote, miền Bắc Peru, đã giật mình thức dậy lúc nửa đêm, khi nghe tiếng xoong nồi rớt loảng xoảng trong nhà bếp. Lo sợ có kẻ đột nhập vào nhà, họ đã phóng ra khỏi giường để tìm bắt tên trộm. May mà thủ phạm chỉ là một con chim cánh cụt Humboldt cỡ trung bình, đang lang thang kiếm thức ăn trong bếp.
Làm sao con cánh cụt đã vô bếp nhà họ vẫn là một bí ẩn. Có thể chim cánh cụt đi lạc phải tìm nơi ẩn náu trong nhà, để tránh đàn chó bên ngoài. “Chúng tôi không biết bằng cách nào nó đã vô bếp, nhưng đã có báo cáo về một số con chó trong sân sủa và hành động như thể chúng sắp tấn công ai đó.” – anh Douglas Calderon Morrillas, một nhân viên của đồn cảnh sát ở thị trấn Chimbote, nói.
Cảnh sát Chimbote đã tiếp nhận “tên trộm” cánh cụt bị lạc vô bếp, đưa nó tới định cư nơi sở thú.
(Trích video CNN).
Theo nhân viên điều phối Alberto Rios ở Nuevo Chimbote - một đồn cảnh sát địa phương khác, cư dân địa phương rất yêu động vật, song đã… hoảng hốt khi nhìn thấy chú chim cánh cụt chạy tung tăng trên đường phố. “Đây không phải là con chim cánh cụt đầu tiên chúng tôi giải cứu, mà là con thứ ba.” – Rios kể với CNN.
Theo Rios, có thể ngư dân địa phương đã bắt chim cánh cụt khi chúng vô tình bị dính vô những lưới đánh cá của họ, rồi cố gắng nuôi chúng như vật nuôi.
Chính quyền địa phương cuối cùng đã giải cứu con chim cánh cụt lạc trong bếp và dùng xe cảnh sát “hộ tống” nó tới một đầm phá ở sở thú, nơi có những chim cánh cụt khác để nó tham gia vô bầy đàn.
Liệu có thể nuôi chim cánh cụt như… thú cưng?
Trong bản tin về chim cánh cụt đi lạc, cả hai hãng tin CNN và BBC đều không viết thêm về cái trang trại nào đó đang sở hữu Po-Po.
CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấm nhập khẩu các loài chim hoang dã. Nói cách khác, tất cả các loài chim cánh cụt đều được Công ước này bảo vệ.
Theo trang web Fluffy Planet, ngay cả trong trường hợp có thể nuôi chim cánh cụt một cách hợp pháp, bạn cũng sẽ… không muốn nếm trải kinh nghiệm ấy. Đơn giản vì chim cánh cụt là loài động vật có tập tính xã hội rất cao, nên bạn sẽ cần có thêm ít nhất… 20 chim cánh cụt làm bạn đồng hành với nó. Các yếu tố khác cũng rất khắc nghiệt: bạn cần tạo ra môi trường có nhiệt độ rất lạnh (từ 4 độ C tới âm 1 độ C), và phải có một… hồ bơi nước mặn cỡ tiêu chuẩn Thế vận hội (với hệ thống sục khí và làm sạch có công suất rất lớn) cho chúng.
Bạn cũng cần có… dư thừa cá để chim cánh cụt lót dạ. Chưa hết, vì chim cánh cụt cũng bài tiết phân rất nhiều. Bạn thử tưởng tưởng như sau: đặt 10 kg cá bên ngoài tủ đông, cho nó thối rửa, rồi cho qua một máy trộn, xong đổ tất cả thứ đó ra sàn nhà. Đó chính là “hình ảnh đại diện” của phân chim cánh cụt, rất nhiều và rất hôi tanh mùi cá thối rửa.
Tóm lại, nếu bạn thích nuôi chim cánh cụt, thì đó chắc chắn là một loại… “thú cưng kinh khủng”. Dĩ nhiên người ta có thể nuôi nhốt chúng, nhưng chúng không phải là vật nuôi. Trừ trường hợp nuôi nhốt chúng trong các sở thú hay thủy cung, động vật hoang dã như chim cánh cụt nên được sống ở nơi chúng thích sống nhất: trong môi trường tự nhiên của riêng chúng, với đồng loại của chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận