Tính đến 06 giờ ngày 01/9/2021, TPHCM đang có 91.505 bệnh nhân COVID-19 đang cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà. Khi bệnh nhân COVID-19 có những triệu chứng khó thở, nhịp thở tăng hay giảm, đau ngực dai dẳng, nặng ngực không tỉnh táo, môi hoặc mặt xanh xao… thì cần liên hệ ngay cho nhân viên y tế. Vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân đang bị hạ nồng độ oxy trong máu.
Theo bác sĩ Ấn Độ Ravichandra chia sẻ trên One India, 80% bệnh nhân COVID-19 đều bị nhẹ. Chỉ 15% bệnh nhân COVID-19 ở mức độ trung bình, với mức độ bão hoà oxy trong máu (SpO2) có thể < 94%. Và 5% bệnh nhân COVID-19 còn lại ở mức độ nặng với nhịp thở cao hơn 30 lần/phút và chỉ số SpO2 < 90%.
Bác sĩ Ravichandra khuyến cáo bệnh nhân cần để ý các dấu hiệu cho biết hạ oxy trong máu vì khi oxy trong máu thấp thì các cơ quan trong cơ thể bắt đầu hoạt động sai chức năng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Thiết bị đo SpO2: Bệnh nhân có thể sử dụng thiết bị đo SpO2 để nhanh chóng phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu ngay cả khi cơ thể đang bình thường. ThS. BS Đặng Thanh Tuấn, Tổ Đặc nhiệm Hồi sức của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM hướng dẫn cách sử dụng thiết bị này để tránh sai số trong quá trình đo. Trước khi kẹp thiết bị đo SpO2, người bệnh nên xoa ấm bàn tay, để cố định bàn tay lên trên mặt bàn, và sau đó khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để có được kết quả chính xác. Khi bệnh nhân có chỉ số SpO2 < 94% thì sẽ được chỉ định thở oxy. Chỉ số SpO2 bình thường là 98-100%.
Theo Bộ Y Tế, sử dụng ứng dụng trên điện thoại đo SpO2 không có giá trị vì nhiều nghiên cứu về các ứng dụng này trên cả hai nền tảng IOS và Android cho thấy nó không đáng tin cậy.
Đếm nhịp thở: Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân không có thiết bị đo SpO2 thì bệnh nhân có thể sử dụng cách đo nhịp thở. Bệnh nhân nằm xuống thư thái khoảng 5-10 phút, sau đó đặt tay lên bụng hoặc lồng ngực để đếm số lần bụng và lồng ngực phồng lên xẹp xuống trong vòng 1 phút. Nếu số lần từ 16-20/phút thì bình thường cho người lớn và trẻ lớn trên 15 tuổi. Nếu số lần trên 21 hoặc dưới 15/phút thì bệnh nhân phải liên hệ đến nhân viên y tế. Trẻ em có nhịp thở nhanh hơn người lớn. Trẻ sơ sinh thở 30 - 50 lần/phút. Trẻ 2 - 11 tháng thở 25 - 40 lần/phút. Trẻ 1 - 5 tuổi thở 20 – 30. Trẻ 6 - 10 tuổi thở 15 - 30 lần/phút.
Đếm mạch: Ngoài ra, bác sĩ của Bệnh viện Vinmec hướng dẫn, bệnh nhân có thể đặt ngón trỏ và ngón giữa tại vị trí cổ tay của tay còn lại, mặt lòng giao với ngón tay cái. Để có được kết quả chính xác nhất, hãy đếm số nhịp trong 1 phút. Nếu số nhịp là 60 - 100 lần/phút thì người bệnh hoàn toàn bình thường. Bệnh nhân hãy liên hệ ngay nhân viên y tế nếu nhịp trên 100 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút. Mạch của trẻ em thì khó đếm hơn. Ba mẹ có thể đặt tay vào giữa nếp bẹn hoặc bên cạnh cổ của trẻ để tìm mạch đập.
Bài kiểm tra 6 phút đi bộ: Theo một bài viết y khoa lâm sàng đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh nhân có chỉ số SpO2 = 95% được theo dõi, cách ly và điều trị tại nhà nên thực hiện bài kiểm tra 6 phút đi bộ để kiểm tra nồng độ oxy thực tế trong máu. Trước tiên, bệnh nhân kiểm tra chỉ số SpO2 và sau đó đi bộ trong phòng không ngừng khoảng 6 phút để kiểm lại độ bão hoà oxy trong máu. Nếu chỉ số SpO2 dưới 92% thì rất nguy hiểm và liên hệ đến nhân viên y tế. Trước khi thực hiện, bệnh nhân cũng nên mặc quần áo và mang giày thoải mái, sử dụng gậy hỗ trợ đi lại nếu cần. Ngoài ra, cũng cần có một người quan sát bệnh nhân trong khi đi.
Viện Tim mạch- Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra các mức độ khó thở (phân độ khó thở theo mMRC):
- Độ 0: Chỉ khó thở khi làm việc nặng
- Độ 1: Khó thở khi đi vội hay lên dốc thẳng
- Độ 2: Đi chậm hơn người cùng tuổi vì khó thở hoặc đang đi phải dừng lại để thở
- Độ 3: Khó thở sau khi đi được khoảng 100m hoặc sau vài phút trên đường bằng phẳng
- Độ 4: Khó thở khi thay quần áo hoặc không thể ra khỏi phòng vì khó thở
Hướng dẫn sử dụng thuốc:
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân F0 tại nhà nên dùng thuốc hạ sốt khi người bệnh sốt trên 38,5 độ C và có thể uống lặp lại mỗi 4-6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên và uống khi nào hết thuốc được nhân viên y tế phát.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM hướng dẫn người bệnh dùng thuốc kháng viêm corticoid và chống đông dạng uống không quá 3 ngày khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp như khó thở, nhịp thở > 20 lần/phút, SpO2< 95% nhưng chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hỗ trợ. Trong thời gian này, người bệnh cần kiên trì liên hệ bác sĩ để có được dùng tiếp thuốc này cho đủ 7 ngày hay không.
Trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ được cấp thuốc kháng virus dạng uống Molnupiravir được Bộ Y Tế cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận