Trong Đông y, hạt vải là vũ khí lợi hại như thế nào?
Vải thiều với hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, luôn được vinh danh trong top đầu những loại quả được yêu thích nhất vào mùa hè. Thực tế, vải thiều có thể chế biến thành nhiều món như làm đồ ăn tráng miệng, là thành phần trong các loại nước uống giải khát, nước siro hoặc kem làm từ vải.
Nhưng không phải ai cũng biết rằng thứ quý giá hơn cả cùi vải chính là hạt vải. Ở những gia đình thời xưa, nhiều người có thói quen gom lại hết hạt vải rồi đem đi rửa sạch, phơi khô để biến tấu thành các loại thuốc chữa bệnh trong gia đình hoặc bán chúng cho các thầy lang để kiếm thêm thu nhập.
Bàn giải về hạt vải, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) chia sẻ, trong Đông y hạt vải có nhiều tên gọi khác nhau. Người thì gọi chúng là lê chi hạch có người lại gọi là lệ nhân, đại lê hạch… Trong những cuốn sách về thuốc Đông y, hạt vải cùng với một số vị thuốc như hương phụ (củ gấu), thanh bì (vỏ quýt xanh), trần bị (vỏ quýt chín để lâu ngày)... được xếp vào hàng Thuốc lý khí (những loại thuốc dùng để chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của khí).
Nếu trong y học cổ truyền, hạt vải có tác dụng chữa “sán khí thống” (thoát vị, đau) thì trong y học hiện đại, đây là thành phần không thể thiếu trong những viên thuốc dùng để kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, phòng tránh hình thành sỏi mật và trị một số bệnh về đau dạ dày.
Cách sơ chế hạt vải dùng để làm thuốc cũng khá đơn giản. Ban đầu bạn lấy hạt vải đem đi rửa sạch, sau đó đợi chúng ráo nước thì hãy cắt bỏ phần rốn hạt. Gọt bỏ lớp vỏ cứng và màu nâu bên ngoài hạt vải. Thái dọc hạt vải thành những miếng mỏng có độ dày chỉ 3 - 5mm, đem phơi khô hoặc sấy khô. Khi dùng thì chỉ cần đem sao vàng là có thể sử dụng được.
Hướng dẫn chế biến những bài thuốc quý làm từ vải
Theo lương y Vũ Quốc Trung, hạt vải là thành phần quý trong nhiều bài thuốc trị bệnh dân gian. Cách áp dụng cụ thể như sau:
- Điều trị đau bụng kinh hoặc giảm triệu chứng đau bụng sau sinh
Nguyên liệu: 20g hạt vải, 40g hương phụ
Cách làm: Đốt tồn tính 20g hạt vải sao đó tán mịn hương phụ thành bột. Trộn hỗn hợp trên với nước muối pha loãng hoặc nước cơm. Mỗi ngày chỉ nên uống từ 6-8g hỗn hợp hạt vải và hương phụ, ngày uống 2 lần.
- Phòng tránh và điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Có 2 cách làm thuốc từ hạt vải:
Cách 1: Đem phơi khô hạt vải sau đó thái nhỏ, đem đi sắc lấy nước uống. Cô phần nước thành cao rồi điều trị thành viên uống, mỗi viên nặng khoảng 0,3g. Mỗi ngày bạn nên uống viên thuốc này 3 lần, mỗi lần uống 4 - 6 viên. Uống thuốc theo liều trình này trong vòng 3 tháng là sẽ thấy công dụng chữa bệnh.
Cách 2: Đem hạt vải sấy khô rồi tán mịn. Đem hỗn hợp cho vào lọ đậy nắp kín để dùng dần. Mỗi ngày bạn nên uống 3 lần, thường là trước mỗi bữa ăn khoảng nửa tiếng. Mỗi lần chỉ nên uống khoảng 10g và kéo dài trong 3 tháng.
- Trị bệnh đau dạ dày mãn tính
Lấy hạt vải sấy khô, tán mịn rồi cất vào những lọ nút kín để bảo quản lâu dài. Mỗi lần uống chỉ cần lấy khoảng 6g bột này hòa với nước ấm hoặc rượu trắng pha loãng. Mỗi ngày uống 3 lần.
- Phòng ngừa căn bệnh sỏi mật
Nguyên liệu: 20g hạt vải, 20g hạt quýt, 10g trần bì, 2 trái hồng táo, 3 bát nước.
Cách làm: Đun sôi phần nước rồi cho tất cả nguyên liệu còn lại vào để nấu thành trà. Đây là loại trà làm từ vải, được dùng để bổ trợ các loại thuốc thông thường nên rất có lợi cho sức khỏe.
- Giảm sưng đau ở tinh hoàn
Đốt tồn tính hạt vải, sau đó nghiền mịn. Mỗi lần uống thì lấy 4-6g hỗn hợp thu được trộn với rượu trắng hoặc nước ấm sau đó sử dụng. Ngày uống 3 lần.
- Điều trị đau bụng dưới, sa tinh hoàn
Nguyên liệu: 12g hạt vải, 4g xuyên tiêu, 4g đại hồi, 2g tiểu hồi, 12g xuyên luyện tử, 4g mộc hương, 2g thanh diêm, 2g muối ăn.
Cách làm: Trộn hỗn hợp trên rồi nghiền thành bột. Mỗi lần uống chỉ nên dùng 2g, chiêu với nước đun sôi. Ngày uống 2 lần sẽ có công dụng trị đau bụng dưới và sa tinh hoàn cực hiệu quả.
Lưu ý: Đối với từng thể trạng thì cách chữa trị bằng hạt vải có công dụng cũng như tác dụng phụ khác nhau. Do đó, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của lương y trước khi tiến hành dùng thử bất kỳ bài thuốc nào làm từ hạt vải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận