● Tôi bị viêm mũi dị ứng. Nghe nói đã có loại kháng histamin đời mới H2, nhưng tôi đi mua thì bị cô hàng thuốc “cười vào mặt”, làm gì có đời mới H2?
B.Nguyên (TP.HCM)
- Hai loại kháng histamin hiện hành là H1 và H2 (khác nhau thụ thể đối kháng). H1 chuyên dị ứng, còn H2 thạo về dịch vị dạ dày. H1 có 2 thế hệ, 1/cũ (promethazin, clorpheniramin, diphenhydramin...) và 2/mới (loratadin, cetirizin, fexofenadin...), hơn nhau khoản ít buồn ngủ. Xà quần thì sự sinh là do bạn đòi mua kháng histamin H1 thế hệ thứ 2 mà bảo là H2!
● Bé nhà tôi bị chàm dị ứng. Bác sĩ bảo đi thử IgE coi sao. Huyện nhà tỉnh lẻ quản nổi vụ này không ạ?
Th.Sánh (Đồng Tháp)
- IgE là kháng thể sinh từ kháng nguyên dị ứng. Theo nguyên tắc ổ khóa - chìa khóa, chẳng hạn, tìm thấy IgE “lông mèo” tức đương sự bị dị ứng với “lông mèo”. Xét nghiệm IgE (panel dị nguyên) hiện có thể phăng được hơn 100 dị nguyên phổ biến (mạt nhà, lông mèo, nấm, cá hồi, cá ngừ, khoai tây...). Mối khó cho vùng xa, nên chắc là bạn phải đưa cháu “lai kinh” Sài Gòn một chuyến cho chắc ăn.
● Tôi bị viêm mũi dị ứng quanh năm, đe dọa nặng công việc, trị hoài trị mãi vẫn không hết. Vì sao như vậy? Có người khuyên “một lần và mãi mãi” đi giải mẫn cảm dị ứng...
C.Nguyên (TP.HCM)
- Tránh dị nguyên + kháng histamin là phép chữa dị ứng cơ bản, hầu hết đủ cân, có điều phải chấp nhận “ghét của nào trời trao của ấy” cả đời. Trường hợp muốn đoạn tình “cắt dây chuông” dứt dạt, có thể nhờ đến giải mẫn cảm. Đại để, đẹp trai không bằng chai mặt, người ta đưa vào người đương sự một lượng dị nguyên tăng dần, cốt quyến dụ miễn dịch không còn làm dữ lên với dị nguyên. Trước tiên phải tìm ra dị nguyên, phải chấp nhận thời gian hòa giải lên đến 1-2 năm, nhưng chưa là gì với nguy cơ sốc phản vệ. Nói vậy, nhưng đáng thử, miễn chọn mặt gửi vàng.
● Tôi có người bạn bị sốc dị ứng vì uống thuốc chống dị ứng. Thuở đời nào lại vậy?
Th.Nam (Thủ Đức)
- Sốc phản vệ tức dị ứng nặng, nên bảo thuốc chữa dị ứng gây sốc dị ứng hơi khó nghe, nhưng chuyện là trong viên thuốc như thường lệ còn có một đống “tá dược” đi kèm. Thêm nữa, kháng histamin rất hay lồng vào các viên thuốc giải cảm dồn cục (dị ứng, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, vitamin...). Nói thuốc chống dị ứng gây dị ứng, chính là nói khoản “ôm rơm nặng bụng” này!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận