Tìm kiếm, khám phá những điều chưa biết, xa lạ ảnh hưởng tích cực tới tâm trạng, theo một nghiên cứu xuất bản trên tập san Nature Neuroscience.
Nhóm các nhà nghiên cứu cho gắn định vị và đo dao động tâm trạng của 122 cá nhân tại thành phố New York và Miami trong vòng 4 tháng.
Bằng phân tích thói quen di chuyển và cảm xúc được báo cáo lại, dường như các nhà khoa học thấy rõ hơn điều mà chúng ta gần như đều đã biết: Trải nghiệm những điều mới mẻ, đa dạng hàng ngày gắn liền với các cảm xúc tích cực.
Nói cách khác, chúng ta thấy hạnh phúc hơn khi có thể đi tới những nơi chốn mới, có nhiều trải nghiệm mới, theo Catherine Hartley, nhà tâm lý học đồng tác giả công trình nghiên cứu tại ĐH New York.
Đây cũng là mối quan hệ hai chiều: Khám phá giúp con người hạnh phúc hơn, và những người hạnh phúc sẽ càng thích khám phá hơn.
“Các trải nghiệm mới mẻ, độc đáo rất hữu ích cho bộ não và cho con người nói chung”, Aaron Heller, một nhà tâm lý khác tại ĐH Miami, cũng tham gia nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu, chủ yếu tiến hành trên động vật, cho thấy giao tiếp với môi trường xung quanh giúp phát triển não bộ – theo hướng tích cực lẫn tiêu cực. Động vật nuôi nhốt trong môi trường phong phú các trải nghiệm sẽ sống tốt hơn; chúng thể hiện hành vi cho chúng ta biết chúng đang cảm thấy hạnh phúc và khỏe khoắn hơn, Hartley giải thích.
“Chúng sẽ chịu stress tốt hơn, học hỏi tốt hơn, và cho thấy những thay đổi đặc trưng tại các vùng não gắn với học tập, trí nhớ và khu vực điều khiển hành vi khi nhận được phần thưởng”, Hartley cho biết.
Khi thao tác dữ liệu về nơi chốn, nhóm bắt đầu lượng hóa độ hỗn loạn trong di chuyển của từng cá nhân, theo cách tính toán ở động vật. Độ hỗn loạn này ghi lại mức độ tìm tòi, khám phá của cá nhân, động vật hoặc con người – họ thường xuyên đi những đâu, và phân bổ thời gian như thế nào.
Độ hỗn loạn thấp tức là 1 ngày chỉ ở trong nhà, không đi đâu ra ngoài, và trái lại, độ hỗn loạn cao xảy ra khi đối tượng nghiên cứu dành thời gian và công sức khám phá xung quanh, tìm kiếm những nơi chốn mới.
Cùng lúc, các nhà nghiên cứu sẽ nhắn tin tới đối tượng nghiên cứu 2 ngày 1 lần, đặt câu hỏi nhằm ghi lại cảm xúc của đối tượng, tích cực lẫn tiêu cực, chẳng hạn vui vẻ, hứng khởi, mạnh mẽ, thư giãn, tập trung, khó ở, lề mề, căng thẳng, cồn cào, hay bực dọc ra sao trong 1 ngày.
Các cảm xúc tích cực cũng liên quan đến mức độ mới mẻ của trải nghiệm: Số điểm vừa mới tham quan, và biên độ đa dạng của các hoạt động tại đó.
Sau đó, dữ liệu được phân loại theo các yếu tố về kinh tế xã hội học như mức độ cam kết trong công việc, chủng tộc, giới, v.v… Kết quả cho thấy rằng các yếu tố này cũng tương quan tới mức độ tích cực của mỗi cá nhân.
“Nói cách khác, sự mới mẻ rất quan trọng, nhưng sự đa dạng trải nghiệm cũng quan trọng chẳng kém”, Hartley đúc kết.
Thú vị hơn, họ cảm thấy tích cực cả vào ngày hôm sau.
“Chúng ta thấy rằng nếu hôm nay đang cảm thấy phấn chấn, ngày hôm sau ta sẽ càng tiếp tục tìm kiếm trải nghiệm và sự đa dạng. Như thế, tôi cũng cảm thấy tốt hơn không chỉ riêng hôm nay mà luôn cả hôm sau”.
Ảnh chụp não cho thấy những người trải nghiệm đa dạng sẽ có tương tác mạnh mẽ hơn giữa hai vùng: hồi hải mã và vùng thể vân bụng trong não, là hai vùng phụ trách xử lý các trải nghiệm mới và việc được khen thưởng.
Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây vẫn còn ít nhiều trong tình trạng nới dần phong tỏa, có lẽ các kết quả nghiên cứu này chưa thật sự ứng dụng rõ nét vào thực tế.
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, sự đa dạng vẫn có thể tìm thấy, chính xác là nghĩ ra, kể cả khi ta bị “nhốt” trong nhà: Chẳng hạn học tập thêm một kỹ năng mới, vẽ tranh trong một khung cảnh hoàn toàn khác, là đưa chúng ta vào những “hình ảnh, âm thanh và trải nghiệm” chưa từng có.
Nói cách khác, thường xuyên truy cầu những điều mới lạ, đặc sắc, dẫu không hề dễ, nhưng có thể sẽ mang tới những tác động tích cực, dài lâu trong tâm trạng chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận