Bởi vậy, lần này Tịt Tuốt tôi xin có vài lời về quả thận để bạn đọc có ít vốn mà tự lo cho mình...
Bệnh bắt đầu từ họng
Ít ai để ý bệnh thận lại bắt đầu từ cổ họng. Trẻ ở tuổi học đường hay bị viêm họng, sốt một tí, ho một tẹo, có bé lướt qua, có bé nặng hơn phải đi bác sĩ khám và uống thuốc. Thủ phạm gây viêm được xác định danh tánh là liên cầu trùng tan huyết bêta nhóm B.
Nếu các bậc cha mẹ chủ quan thì vài ngày sau sẽ thấy buổi sáng mí mắt con bị sưng, nước tiểu màu hồng như nước rửa miếng thịt, còn trẻ than mệt. Đây là lúc con liên cầu khuẩn gây dị ứng ở thận, có thể chúng dị ứng cả ở tim, ở khớp. Các thầy chuyên ngành tiết niệu gọi đó là viêm cầu thận cấp. Tên bệnh chỉ đích danh địa chỉ gây dị ứng là ở cầu thận, nơi lọc nước tiểu. Các lỗ lọc bị dị ứng nên nở rộng cho cả những phần tử có kích thước lớn như albumin, hồng cầu lọt ra nước tiểu. Bởi thế có tác giả gọi là “viêm cầu thận đái máu”.
Nếu được chữa trị cẩn thận và phòng viêm họng triệt để thì mọi chuyện sẽ êm. Gia đình nào chủ quan thì bé sẽ từ viêm cấp đến viêm mãn và kết cục là suy thận. Nếu cứ đổ hết lỗi cho con liên cầu trùng thì bộ lạc liên cầu sẽ biểu tình phản đối. Bởi vì tham gia tàn phá thận còn nhiều nguyên nhân: Những bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận đều dẫn đến suy thận. Những viêm nhiễm ngược dòng ở đường tiểu, vi khuẩn chạy lên “làm nhà” ở thận rồi quấy rối thận. Những “tửu nhân” nhậu đã được phong thành “bợm” cũng rất dễ suy thận. Những bệnh như sốt rét phá hồng cầu hàng loạt, những trận ngộ độc cấp, ngộ độc thực phẩm âm ỉ đều làm cho hai quả thận của chúng ta bị yếu dần và đến một ngày nào đó nó suy hẳn, không còn gắng gượng làm việc được.
Các nhà dinh dưỡng cũng khuyến cáo rằng ăn nhiều đạm động vật không phải là tốt, mà sản phẩm tiêu hóa sinh ra nhiều chất đầu độc thận cũng khiến chúng bị yếu rồi suy. Túm lại bệnh thận tất thảy có thể đề phòng nếu chúng ta tình thương mến thương yêu quí, hiểu biết và hết lòng bảo vệ chúng.
Cho và nhận đều khổ
Suy thận, trước hết phải đưa máu ra ngoài cơ thể để nhờ máy lọc hết chất độc rồi truyền trở lại. Bà con mình nghe “chạy thận nhân tạo” là như vậy. Lọc máu tốn kém và khổ sở vì phải tới bệnh viện mỗi tuần 2 - 3 lần. Khi kỹ thuật ghép thận ra đời những người bệnh thận có thêm một tia hi vọng mới cũng đồng thời xuất hiện thị trường mua bán thận.
Có thật là nếu mất một quả thận thì quả bên kia sẽ hoạt động bù? Chuyện này thì gần đúng. Tuy nhiên, nếu bảo rằng “một người làm việc bằng hai” thì không 100%, bởi hai bao giờ chả tốt hơn một. Người hiến thận chấp nhận chia sẻ một phần cơ thể cho người khác, chấp nhận luôn cả rủi ro về sức khỏe.
Người bị suy thận, cả hai quả đều ở trạng thái “câm” cũng chỉ có khả năng ghép một quả, và phải qua hàng trăm xét nghiệm trong máu của người cho và người nhận để tìm sự tương đồng thì cuộc ghép mới được tiến hành.
Sau ghép, cơ thể vẫn nhận ra “kẻ lạ” nên sinh ra kháng thể chống lại. Đoạn trường uống thuốc chống thải ghép cũng đồng nghĩa với khả năng đề kháng kém, dễ nhiễm trùng. Chẳng hiểu do thuốc thải ghép hay do “trí nhớ tế bào” mà một số người thay đổi về hình dáng: Trước râu con kiến nay râu quai nón, trước ghét món ăn nọ nay lại khoái, ăn một cách say sưa. Thế là họ lo không biết có phải “bị nhiễm” từ người cho thận. Có người hoảng sợ vì nghe đâu thận của mình được ghép vốn của một tử tù trước đây, chẳng biết có nhiễm tính cách (!?).
Có ông sốt ruột hỏi: Bao lâu sau ghép có thể làm “chuyện ấy”, nhịn lâu quá chịu sao thấu? Các nhà ghép thận khuyên rằng: nên kiêng cữ từ 3 - 6 tháng, “làm ăn” sớm khi các mối nối chưa chắc chắn, xúc động mạnh chúng sẽ bung ra, đâu dễ gì có ngay một quả thứ hai để ghép lại!
Theo thống kê của Trung Quốc thì sau khi ghép thận có 38% sống được sau 1 năm; 34% sống sau 4 năm; 25 - 18% sống được sau 10 năm. Sơ bộ như thế để các bạn thấy không gì bằng của cơ thể mình, ráng mà giữ gìn, đừng để thận của mình bị oanh tạc bởi thói quen ăn uống, bởi lối sống và thiếu hiểu biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận