Đây cũng chính là vở nhạc kịch đầu tiên mà các nghệ sĩ Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện. Vậy nên, vở cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của những nhà hát, đoàn nghệ thuật các địa phương khác, khán giả cũng như hội đồng giám khảo của liên hoan.
Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần đầu có vở nhạc kịch chuyên nghiệp
Thông qua ngôn ngữ nhạc kịch kết hợp giữa broadway và musical comedy, Sân khấu 24h với nhịp điệu sinh động đã dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nơi mà tất cả sự kiện, tình tiết, không gian đều xoay quanh lao động đặc thù nghề nghiệp của nhân vật trung tâm là nữ đạo diễn cá tính - người kết nối tất cả các thành phần sáng tạo nghệ thuật từ ca sĩ, diễn viên múa, nhạc sĩ, quay phim, âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật, trang phục cho đến đội ngũ sản xuất, hậu cần…
Sự phối hợp nhuần nhuyễn của các thành phần đồng sáng tạo nghệ thuật đằng sau tấm màn nhung để dành trọn những khoảnh khắc thăng hoa cho những người nghệ sĩ dưới ánh đèn sân khấu lung linh chính là những khoảnh khắc hạnh phúc với đam mê mãnh liệt và cống hiến đến tận cùng với khát khao được đối thoại, sẻ chia yêu thương.
Đó cũng là khoảnh khắc dâng trào nỗi niềm xúc động trong mỗi người nghệ sĩ cho sự cất cánh bay lên của những tác phẩm nghệ thuật.
Sau 80 phút diễn ra trong sự hồi hộp của chính tác giả, các nghệ sĩ tham gia và của cả khán giả, vở diễn đã khép lại cùng những tràng pháo tay giòn giã.
Có thể nói, nhạc kịch Sân khấu 24h không phải là một vở diễn quá xuất sắc nhưng đầy đặn và chỉn chu với hai tác phẩm múa, hòa tấu dàn nhạc cùng loạt ca khúc viết mới cho vở. Và những tràng pháo tay cuối đêm diễn trước tiên chính là sự ủng hộ, động viên cho những nỗ lực dám làm mới, dám thử thách của đội ngũ Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhạc kịch dù quá quen thuộc và còn là nền công nghiệp hái ra tiền của nhiều nước trên thế giới nhưng vẫn là loại hình nghệ thuật chưa phổ biến tại Việt Nam. Hiện tại, chỉ có Nhà hát Vũ kịch Việt Nam và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM là có dựng và biểu diễn nhạc kịch.
Không nhiều nhà hát công lập dám đầu tư thực hiện nhạc kịch tại Việt Nam bởi rất nhiều lý do: Thiếu nhà hát đạt tiêu chuẩn để trình diễn một vở nhạc kịch lớp lang, bài bản với dàn nhạc, cảnh trí, thiếu nghệ sĩ trình diễn nhạc kịch, tác giả viết nhạc kịch...
Vậy nên hoàn toàn có thể thấu hiểu và chia sẻ khi bà Nguyễn Thi Ngọc Quỳnh, phó giám đốc Nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng dù vẫn còn nhiều sơ sót nhưng nhà hát rất vui mừng khi vở đã có thể ra mắt tại liên hoan.
"Khó khăn thì rất nhiều nhưng tất cả cũng đã qua. Cả một năm trời chúng tôi chuẩn bị, động viên nhau thực hiện và tập luyện ngày đêm. Chúng tôi như được trải qua một cuộc tập huấn với nhiều điều mới mẻ. Và thành quả lớn nhất chúng tôi có được chính là đã dám dấn thân, thử thách mình để mang đến những sáng tạo, sản phẩm khác biệt" - bà Ngọc Quỳnh nói.
Nói về tác phẩm mới tinh này của mình, biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: "Sự chuyên nghiệp thường bị đóng kín, nhiều khi múa nhưng không ai hiểu, mình sẽ kết nối sân khấu chuyên nghiệp với công chúng khán giả, không phải giảm tính chất nghệ thuật đi, nhưng là cố gắng tạo sự hài hòa. Đó cũng chính là điểm mới mà mình và nhà hát tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu muốn đem đến cho khán giả".
Nghệ sĩ Tuyết Minh cũng cho biết rất hài lòng về sự cố gắng của các nghệ sĩ trong quá trình tập luyện cũng như trình diễn. Cô hy vọng vở sẽ đến được với số đông công chúng trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận